Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam đề nghị Liên Hợp quốc tiếp tục quan tâm tình...

Việt Nam đề nghị Liên Hợp quốc tiếp tục quan tâm tình hình Biển Đông

Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (10/1) đề nghị Liên Hợp quốc tiếp tục quan tâm về tình hình Biển Đông, hỗ trợ thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các bên đã trao đổi các nội dung hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và Ban Thư ký Liên hợp quốc và thảo luận một số vấn đề cùng quan tâm. Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc duy trì kênh trao đổi, phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Bảo an và Ban Thư ký đã giúp Hội đồng Bảo an A thường xuyên được cập nhật thông tin một cách kịp thời, toàn diện, cảnh báo sớm, từ đó đề ra các biện pháp hiệu quả nhằm giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột bùng phát, giải quyết hoà bình tranh chấp, đóng góp tốt hơn vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Trong cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc, những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), ứng phó biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng Việt Nam có vị thế đặc biệt, là nhân tố quan trọng đóng góp vào hoà bình, ổn định trong khu vực ASEAN; khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Liên hợp quốc cho quá trình phát triển của Việt Nam, khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm về tình hình Biển Đông, hỗ trợ thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Trước đó, trong các cuộc tiếp xúc song phương, các Lãnh đạo Liên hợp quốc và các nước đều đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, vừa là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vừa là Chủ tịch ASEAN 2030; cho rằng phiên Thảo luận mở do Việt Nam tổ chức đã thành công ấn tượng với sự tham dự đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc; đánh giá cao chủ đề thảo luận về Hiến chương Liên hợp quốc không chỉ phù hợp để mở đầu năm 2020 kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc mà còn mang tính thời sự cao trước những diễn biến phức tạp trong tình hình thế giới, đáp ứng đúng quan tâm lớn của các nước.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Nicaragua Denis Moncada bày tỏ ngưỡng mộ trước sự phát triển của Việt Nam; tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách kép là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Hai bên nhất trí thúc đẩy đối thoại chính trị vào thời gian thích hợp và xem xét khả năng đàm phán Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) nhằm góp phần tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương. Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste Dionisio Babo Soares chúc mừng và đánh giá cao vai trò quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam; bày tỏ mong muốn gia nhập ASEAN và tăng cường hợp tác song phương với Việt Nam; cho biết sẵn sàng hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Timor Leste, trong đó có Viettel. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Ucraina Sergiy Kyslytsya, hai bên trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong đó có hoạt động trao đổi đoàn của lãnh đạo cấp cao và các cấp, tham khảo chính trị hàng năm giữa hai nước, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại đang trên đà phát triển tích cực. Thứ trưởng Ngoại giao Ucraina Sergiy Kyslytsya bày tỏ mong muốn phối hợp với Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ; đồng thời nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với ASEAN, trong đó có đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN (TAC). 

Được biết, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, đồng thời cũng là chủ tịch của Hội đồng Bảo An của tháng 1/2020. Với vai trò là chủ tịch của Hội đồng Bảo An, Việt Nam sẽ giữ vai trò điều phối nhằm thúc đẩy các hoạt động đảm bảo hòa bình tại các điểm nóng, đảm bảo tuân thủ các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các ưu tiên và đề xuất của Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế bởi đang đi đúng hướng và phù hợp với lợi ích của các nước. Ngay từ khi đảm nhiệm trọng trách này, Việt Nam đã tích cực chủ động rà soát, tham khảo Ban Thư ký Liên Hợp Quốc để xây dựng dự kiến Chương trình hoạt động Tháng 1 của Hội đồng Bảo an hợp lý, cân bằng, gồm đầy đủ các vấn đề định kỳ, đến hạn xử lý, các vấn đề dự phòng, cũng như các vấn đề ưu tiên của Việt Nam, được các nước thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ, nhất trí thông qua ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an. Theo đó, trong cả tháng 1 này, Việt Nam sẽ chủ trì hơn 30 cuộc họp, thảo luận và quyết định về hoạt động của các Phái bộ gìn giữ hoà bình và Phái bộ chính trị ở các nước như Síp, Yemen, Libya…, tình hình Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi, Tây Phi…, và nhiều hoạt động khác.

Trong hơn 2 tuần qua, với tư cách Chủ tịch, Việt Nam tổ chức chủ trì 2 sự kiện quan trọng với ưu tiên là tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và Thảo luận về Báo cáo tình hình chính trị, an ninh của Mali, hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc nhằm ổn định tình hình Mali (MINUSMA). Sự kiện dấu ấn trọng tâm là Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 09/01 với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp quốc: Tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt nhằm đặt ra một chủ đề xuyên suốt cho hoạt động của Hội đồng Bảo an trong năm 2020. Với sự kiện này, Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, hòa bình giải quyết tranh chấp… đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Các ưu tiên và đề xuất của Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới