Từ 29/1/2020, Mỹ ngừng sử dụng các máy bay không người lái mua từ Trung Quốc trong các hoạt động không khẩn cấp nhằm “đảm bảo, giải quyết các vấn đề an ninh mạng, công nghệ và sản xuất trong nước”.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt cho biết, Mỹ tạm ngừng sử dụng gần 800 máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất nhằm “đảm bảo, giải quyết các vấn đề an ninh mạng, công nghệ và sản xuất trong nước”. Quyết định tạm ngưng sử dụng các máy bay không người lái mua từ Trung Quốc trong các hoạt động không khẩn cấp vốn được Mỹ thông qua vào tháng 10/2019 và được Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt chính thức chỉ đạo áp dụng ngày 29/1/2020. Quyết định của Bộ trên nêu rõ: “Máy bay không người lái để đánh giá, thu thập và duy trì thông tin liên quan đến cơ sở hạ tầng, giao thông và quốc phòng quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, một số thông tin được thu thập do máy bay không người lái có thể có giá trị đối với các tổ chức và chính phủ nước ngoài”. Bộ Nội vụ Mỹ sẽ có 30 ngày để ban hành các hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Mỹ vẫn mở ra khả năng sử dụng các máy bay không người lái mua từ Trung Quốc cho các tình huống khẩn cấp như chữa cháy rừng, tìm kiếm, cứu nạn, xử lý các thảm họa thiên nhiên. Thêm nữa, các hoạt động huấn luyện sử dụng máy bay không người lái vẫn được cấp phép.
Trước đó, Đài CNN (21/5/2019) dẫn cảnh báo của cơ quan chức năng Mỹ cho rằng các thiết bị bay không người lái (UAV) của Trung Quốc có thể gửi các thông tin nhạy cảm về cho nhà sản xuất ở nước này và chính phủ có thể tiếp cận. Theo Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) trực thuộc Bộ An ninh nội địa, các UAV là nguy cơ tiềm ẩn đối với thông tin của các tổ chức và chứa các thành phần có thể thâm nhập dữ liệu và chia sẻ thông tin đến máy chủ bên ngoài. Cảnh báo không nêu rõ tên của nhà sản xuất, nhưng gần 80% UAV sử dụng ở Mỹ và Canada đều là sản phẩm của công ty DJI có trụ sở ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Nhiều cơ quan trong lĩnh vực hành pháp và điều hành hạ tầng Mỹ sử dụng UAV trong những năm gần đây. Theo CISA, các quan ngại này cũng liên quan đến một số thiết bị UAV của Trung Quốc có thể thu thập và truyền dữ liệu về các hoạt động cũng như về cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị. Trước đó vào năm 2017, Lục quân Mỹ đã cấm sử dụng UAV của DJI sau khi cho rằng công ty này chia sẻ hạ tầng trọng yếu và dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. CISA cảnh báo người dùng cần “hiểu rõ cách vận hành và giới hạn thiết bị truy cập mạng nhằm tránh bị đánh cắp thông tin”.
Tuy nhiên, DJI cho hay công ty trao khách hàng “quyền kiểm soát đầy đủ cách thức dữ liệu được thu thập, lưu trữ và truyền đi”, đồng thời nhấn mạnh “khách hàng có thể kích hoạt mọi biện pháp phòng ngừa mà Cơ quan An ninh Cơ sở Hạ tầng và An ninh mạng thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ khuyến cáo”. DJI có doanh thu 2,7 tỷ USD năm 2017, nổi tiếng với dòng máy bay không người lái Phantom. Nó ra mắt năm 2013, là dòng máy bay không người lái thương mại bán chạy nhất thị trường.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ phải tìm cách khắc chế UAV Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân nước này đang nhanh chóng trở thành một đối thủ hàng đầu trong cuộc đua quốc tế về sản xuất máy bay không người lái. Sự phát triển này đang khiến Mỹ đứng trước nhiều nguy cơ. Ông Michael Boyle, một chuyên gia về UAV và học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ cho rằng “nhiều nhà sản xuất UAV Trung Quốc đang bán những chiếc UAV nhỏ có khả năng trinh sát chiến trường và một số giờ đây có thể mang hỏa tiễn”. Trong khi đó, ông Boyle cho rằng tiềm năng xuất khẩu UAV Trung Quốc rất lớn vì Quốc hội Mỹ đặt ra quy định kiểm soát xuất khẩu ngặt nghèo đối với UAV Mỹ. Hiện Trung Quốc có thể chỉ đứng sau quy mô sản xuất của Mỹ. Theo giới chuyên gia, UAV Trung Quốc sẽ có một thị trường tấp nập người mua là các nước ở châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, những nơi không được mua công nghệ Mỹ. Các chuyên gia còn nhận định UAV sẽ ảnh hưởng đến sự giằng co chính trị và giữa các nước ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, với khả năng Nhật Bản sẽ triển khai các UAV Hawk do Mỹ sản xuất.
Được biết, trong thời đại khoa học kỹ thuật quân sự thay đổi nhanh chóng ngày nay, UAV được trở thành các thiết bị trinh sát, thu thập tình báo và cảnh báo sớm, và cũng là một phần quan trọng trong trang bị của quân đội, UAV cũng dần dần chuyển đổi sang trang bị dùng để tác chiến. Hiện nay, đã có hơn 90 quốc gia và tổ chức phi chính phủ sử dụng UAV. Sử dụng UAV tác chiến đã trở thành hướng phát triển mới trong hoạt động không kích, sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động quân sự tương lai. Lục quân Mỹ đã liệt kê mối đe dọa từ UAV vào một trong những mối đe dọa trên không có sức phá hoại nhất trong “5 phương tiện uy hiếp lớn” và sẽ phát triển toàn diện công năng tác chiến của chúng như: xâm nhập tàng hình, trung chuyển thông tin, chiến đấu trên không. Cho dù phạm vibao trùm rađa của không quân Mỹ có thể lên tới 9,15km, nhưng UAV cỡ nhỏ có thể bay ra ngoài phạm vi giám sát của rađa, nên chúng rất khó bị phát hiện.