Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông dưới thời Chính...

Tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông dưới thời Chính quyền Donald Trump

Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump tích cực thực hiện các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như thách thức, ngăn chặn Trung Quốc phá hoại trật tự quốc tế.

Chính sách của Mỹ dưới thời Donald Trump

Tuy Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh, Mỹ đã tích cực triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông còn là cách để Mỹ thực hiện một số mục tiêu quan trọng: Gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại; Thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc;Duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cũng như hệ thống luật pháp quốc tế.

Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội triển khai nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong năm 2017, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra tự do hàng hải; năm 2018, hải quân Mỹ tiến hành 9 cuộc tuần tra; năm 2019, hải quân Mỹ tiến hành 10 cuộc tuần tra ở Biển Đông; tháng 1 năm 2020, Mỹ đã tiến hành 01 cuộc tuần tra quanh đá Chữ Thập và đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không chỉ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, Mỹ còn nhiều lần cử máy bay tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. Theo đó, trong năm 2019, Mỹ nhiều lần điều hai máy bay ném bom chiến thuật B-52 tuần tra trong khu vực Biển Đông nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Bộ chỉ huy Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương nhiều lần cho biết máy bay ném bom chiến thuật B-52H Stratofortress của Mỹ đã bay ngang Biển Đông; đồng thời khẳng định máy bay quân sự chỉ tiến hành hoạt động huấn luyện thường kỳ nhằm hỗ trợ các đồng minh, duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.

Giới truyền thông quốc tế nhận định, hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump là nỗ lực mới nhất nhằm chống lại hành động phi pháp và ngăn cản tự do hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Reuters cho rằng động thái mới nhất của Mỹ có thể khiến Trung Quốc tức giận trong thời điểm hai nền kinh tế đang căng thẳng trong quá trình đạt được một thỏa thuận thương mại. Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Hải quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các hành động tương tự.

Việc Mỹ liên tục tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là nhằm phục vụ một số mục đích:

Thứ nhất, gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Hoạt động tuần tra lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc mới đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 về tranh chấp thương mại.

Thứ hai, đảm bảo lợi ích của Mỹ. Biển Đông là một tuyến vận chuyển đường biển quốc tế quan trọng và chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú. Trung Quốc đã đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích của Biển Đông. Đối với Mỹ, Biển Đông là một tuyến đường quan trọng trong tuyến vận chuyển đường biển quốc tế: ba trong mười tuyến đường vận chuyển biển của Mỹ đi qua khu vực Tây Thái Bình Dương và vùng eo biển Malacca. Do đó, dù thời chiến hay thời bình, tuyến giao thông đường biển ở Tây Thái Bình Dương bao gồm cả Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Về mặt an ninh – quân sự, trong tuyến “phòng thủ” từ xa hình vòng cung của Mỹ, tuyến chiến lược eo biển Đài Loan là tuyến chủ yếu của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc. Theo quan điểm của Mỹ, bất cứ một quốc gia thù địch nào đối với Mỹ kiểm soát được Biển Đông sẽ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của cả Mỹ và Nhật (hơn 70% vận chuyển dầu của Nhật Bản qua vùng này). Với tầm quan trọng như vậy, tự do hàng hải tại Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ và tranh chấp về Trường Sa là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ. Có thể thấy khu vực Đông Á đã, đang trở thành hạt nhân và chỗ dựa trong chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, là một trong hai cơ sở để Mỹ dựa vào khống chế lục địa Á – Âu và là khu vực có hai đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Mỹ là Nga và Trung Quốc. Qua hoạt động tập trận, Mỹ vừa tăng cường hoạt động chống khủng bố, duy trì an ninh biển, đặc biệt là hoạt động hàng hải qua eo Malacca lại trấn áp được Nga và Trung Quốc cũng như phòng tránh xu hướng ly tâm của hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc và đảm bảo cho Mỹ giành quyền chủ đạo ở khu vực, tiến tới tạo chỗ dựa cho địa vị bá chủ của Mỹ. Biển Đông chứa đựng những tiềm năng đáng kể về dầu khí cùng các tài nguyên biển khác ở đây và với ưu thế đứng đầu thế giới về vốn, công nghệ thăm dò khai thác dầu ngoài khơi, các công ty dầu lửa Mỹ đã xâm nhập vào Biển Đông và ngày càng quan tâm đến vùng biển này. Giá trị kinh tế của Biển Đông đối với Mỹ còn liên quan tới sự phát triển kinh tế năng động ở Châu Á – Thái Bình Dương khiến cho khu vực ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế của Mỹ.

Thứ ba, duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016); thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Đá Gaven và Đá Gạc Ma là một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo. Ngoài ra, theo phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các quy định của UNCLOS, Đá Gaven và Đá Gạc Ma bãi đá nửa chìm nửa nổi, chính vì vậy đá này chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải quanh khu vực 12 hải lý của đá Đá Gaven và Đá Gạc Ma cho thấy Mỹ không xem các bãi đá nửa chìm nửa nổi là đảo dù cho Trung Quốc có bồi đắp và xây dựng trên đó các cơ sở có quy mô lớn thế nào đi chăng nữa. Do đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma. Hành động như vậy sẽ gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cần được tôn trọng và thực thi.

Thứ tư, thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh Philippines. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (8/8/2019) đã neo đậu tại cảng ở thủ đô Manila của Philippines. Hành động này được coi là thông điệp khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuẩn đô đốc Thomas cho biết: “Chúng tôi có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và chúng tôi có mặt ở đây để đảm bảo an ninh và ổn định. Con tàu này rất có năng lực và sẵn sàng ứng phó với một loạt các tình huống khác nhau, cho dù là khủng hoảng, ứng phó thảm họa nhân đạo, hay bất kỳ điều gì liên quan đến an ninh và chúng tôi luôn sẵn sàng để làm điều đó”.

Phản ứng ngang ngược của Trung Quốc

Kể từ khi Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc thường đưa ra các phản ứng tiêu cực, tìm cách chỉ trích và đổ lỗi cho Mỹ “gây căng thẳng” trong khu vực, đồng thời lồng ghép khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” không thể tranh cãi ở Biển Đông, cụ thể:

Người phát ngôn Chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc thường đưa ra tuyên bố chỉ trích Mỹ, cho rằng Mỹ đã và đang áp đặt “bá quyền hàng hải” trên biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) trong thời gian dài bằng việc bỏ qua luật lệ quốc tế. Hành động của Mỹ “xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tài phán của Trung Quốc”; cũng như cho thấy sự thiếu thiện chí của Mỹ trong duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới; nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như là hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường cho rằng tàu chiến của Mỹ đi vào quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa “của Trung Quốc” mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép. Hải quân Trung Quốc đã tiến hành nhận diện hợp pháp và cảnh báo tàu Mỹ rời khỏi khu vực trên”; ngang nhiên cho rằng các hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc và “phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự” ở các vùng biển liên quan. Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và phản đối kiên quyết hành động trên của Mỹ; xuyên tạc rằng hiện tại, với những “nỗ lực chung” của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông đã ổn định. Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích”, tôn trọng “chủ quyền và lợi ích an ninh” của Trung Quốc và tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Không những vậy, quan chức ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược cho rằng “các hoạt động của tàu chiến Mỹ đã gây tổn hại an ninh, hòa bình và trật tự tại các vùng biển liên quan. Phía Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng và kịch liệt phản đối động thái này. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như các chuyến bay dựa trên luật pháp quốc tế về Biển Đông, kiên quyết phản đối bất cứ nước nào gây tổn hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”; đồng thời cho rằng “trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành động khiêu khích, gây căng thẳng tại Biển Đông là không chấp nhận được. Trung Quốc hối thúc Mỹ ngay lập tức dừng các hoạt động khiêu khích và tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông”.

Tác động đối với khu vực

Những hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế là đã giúp ích cho Việt Nam trong đối đầu Việt – Trung liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australiac cho rằng có ba lợi thế mà Việt Nam có được từ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ: Chương trình tuần tra tự do hàng hải của Mỹ duy trì thách thức về mặt pháp lý đối với các đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không hợp lý của Trung Quốc; nó giúp duy trì cân bằng lỏng của cường quốc biển tại Biển Đông vì các tuần tra của Hải quân Mỹ cho thấy sự hiện diện và là biểu tượng hiện hữu là Mỹ có quyền lợi ở Biển Đông; chuyển sự chú ý từ đối đầu Việt Trung trong trung tâm xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào đối đầu Trung – Mỹ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh Philippines thay đổi thái độ trong vấn đề Biển Đông, chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc để đối lấy viện trợ kinh tế đã khiến Việt Nam rơi vào thế bị động và có phần cô lập khi đấu tranh chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tuần tra tự do hàng hải sẽ là “mồi lửa” hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump không có mấy tác dụng trong việc ngăn chặn Trung Quốc trong việc quân sự hóa khu vực Biển Đông, mà chỉ có tính thách thức về mặt pháp lý. Nói cho cùng ngay cả các nhà nghiên cứu của Mỹ cũng xác nhận là không có cách nào ngăn cản và dẹp bỏ các cơ sở quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông trừ khi xảy ra chiến tranh mà cuộc chiến tranh đấy chắc cả Mỹ và Trung Quốc mong muốn điều đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới