Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung đáng chú ý tại buổi tọa đàm quốc...

Một số nội dung đáng chú ý tại buổi tọa đàm quốc tế ở Malaysia với chủ đề “Biển Đông: COC là công cụ để giải quyết xung đột”

Ngày 13/1, tại Kula Lumpur, tổ chức “World Future TV” đã tổ chức buổi tọa đàm quốc tê với chủ đề “Biển Đông: Bộ Quy tắc xử các bên ở Biển Đông (COC) là công cụ để giải quyết xung đột”, thu hút sự tham gia đông đảo của các học giả trong và ngoài khu vực.

Về thành phần tham dự

Ngoài ba diễn giả chính gồm Giáo sư Carly Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia, nghiên cứu viên cao cấp, Giáo sư Bun Nagara thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia (ISIS) và nhà nghiên cứu cao cấp Ang Chin Hup thuộc Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA), tham dự hội thảo còn có đại diện Vụ Biển, Bộ Ngoại giao Malaysia, đại diện Văn phòng Thủ tướng, Hải quân Hoàng gia Malaysia, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp, Australia, New Zealand, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia, nghiên cứu viên một số đại học tại Malaysia, cùng phóng viên nhiều hãng thông tấn, báo chí.

Những nội dung đáng chú ý

Trong phát biểu khai mạc, Ban tổ chức nhấn mạnh mục tiêu, Tọa đàm nhằm mang lại cái nhìn tổng thể về diễn biến tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, tầm quan trọng của việc xây dựng Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Theo Ban tổ chức, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines giúp làm rõ cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, mang lại cho các nước ASEAN động lực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.

Giáo sư Carly Thayer

Trong phần trình bày, Giáo sư Carly Thayer, một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông đã cung cấp những kiến thức tổng thể về Biển Đông, tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này và các luật biển quốc tế trong giải quyết tranh chấp, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Theo ông Carly Thayer, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược về cả địa chính trị, thương mại cũng như nguồn tài nguyên khổng lồ về dầu khí và nguồn cá. Khi điểm lại những diễn biến chính tại Biển Đông từ năm 1992 tới nay, chuyên gia đến từ Đại học Quốc phòng Australia đánh giá cao việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời phản đối các hành vi gây phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng của Trung Quốc, các hoạt động cải tạo, thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. Giáo sư Thayer nhận định, Phán quyết PCA là sự diễn giải, áp dụng thực tiễn của UNCLOS 1982 và mang đầy đủ giá trị pháp lý, là một cơ sở quan trọng, giá trị trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Với nội dung phán quyết PCA, theo chuyên gia này, tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý.

Về COC, chuyên gia đến từ Đại học Quốc phòng Australia nhận định, ASEAN sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử này, trong đó ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối. Đồng thời, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường các biện pháp xây dựng niềm tin, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao và xây dựng cơ chế giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như tự kiềm chế, không gia tăng hành vi gây căng thẳng tại Biển Đông. Việc xây dựng COC cần trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982 và phán quyết PCA, trong đó Giáo sư Carly Thayer nhấn mạnh bản quy tắc ứng xử này cần phải được các quốc gia thông qua theo trình tự pháp lý của nước mình. Cùng với đó, ông khuyến nghị các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục duy trì hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp biển, nhất là duy trì đường dây nóng, thường xuyên trao đổi thông tin.

Giáo sư Bun Nagara, chuyên gia uy tín tại ISIS

Giáo sư Bun Nagara, chuyên gia uy tín tại ISIS cho rằng, quá trình đàm phán, ký kết COC sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ – Trung diễn biến phức tạp.Theo chuyên gia này, COC cần chuẩn hóa cách ứng xử cho mọi tình huống, xác định nhận thức chung về tình hình, đưa ra tiêu chuẩn trong quá trình triển khai, giúp phân biệt các hành vi vô ý và các hành vi có chủ đích, đồng thời giúp giảm thiểu tối đa các mối nguy cơ xuất phát từ việc không có sự chia sẻ về nhận thức, quan điểm, cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin và lợi ích chung.

Chuyên gia Ang Chin Hup

Chuyên gia Ang Chin Hup đã phân tích khía cạnh kinh tế trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trong bài tham luận của mình tại tọa đàm, chuyên gia này nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với khu vực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại toàn cầu. Theo chuyên gia Ang Chin Hup, COC sẽ giúp thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực, cũng như thúc đẩy giao thương và tăng trưởng kinh tế. Trong phần tranh luận, nhiều đại biểu, khách mời cũng cho rằng, để đạt được COC thì sự đồng thuận, đoàn kết nội khối trong ASEAN cần phải được tăng cường,cũng như đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020.

Cựu Đô đốc Hải quân Hoàng gia Malaysia

Cựu Đô đốc Hải quân Hoàng gia Malaysia, Danyal Balagopal Abdullah đã chia sẻ những hiểu biết và nhận định về Biển Đông và COC. Ông cho rằng, COC với tư cách là sự áp dụng về mặt pháp lý UNCLOS và Luật Biển quốc tế, là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu căng thẳng, ổn định tình hình khu vực. Ông nhấn mạnh việc đoàn kết và chia sẻ thông tin giữa các nước Đông Nam Á vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xây dựng COC.

Nhìn chung,các diễn giả đều đánh giá vai trò và sự cần thiết của COC có hiệu lực, hiệu quả và đồng thuận ở Biển Đông, cũng như việc các bên liên quan phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

RELATED ARTICLES

Tin mới