Từ đầu năm 2020 đến nay, giới lãnh đạo nhiều nước để thể hiện sự quan tâm và quan ngại về những diễn diến ở Biển Đông hiện nay, trong đó điểm chung là đều lên án những hành vi quân sự hóa, bồi đắp đảo và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Mỹ tiếp tục thúc đẩy tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ quyền khai thác năng lượng thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 20/01/2020, Đoàn Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ do Hạ nghị sĩ Seth Wilbur Moulton, Ủy viên Ủy ban Quân vụ làm Trưởng đoàn đã khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có mối quan tâm của hai nước trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, chuyển giao công nghệ; đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của cảnh sát biển, làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Mỹ cũng tiếp tục thể hiện quan tâm về tự do hàng hải trên Biển Đông và ủng hộ quyền khai thác năng lượng thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia.
Hải Quân Mỹ hôm 16/01/2020 đã triển khai chiến hạm USS Shiloh qua eo biển Đài Loan làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải qua eo biển này. Theo Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Joe Keiley, việc tàu tuần dương USS Shiloh đi qua eo biển Đài Loan là “hoạt động bình thường” nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do; nhấn mạnh “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cho biết đây là hoạt động “thông thường” của Hải quân Mỹ.
Thụy Sỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982
Trong chuyến thăm Thụy Sỹ hôm 20/01/2020 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Trương Hòa Bình, hai bên đã trao đổi về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 tại Biển Đông cũng như các khu vực khác; trong đó nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao nhằm tạo động lực thường xuyên thúc đẩy quan hệ hai nước; tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Ấn Độ coi TQ là mối quan ngại hàng đầu của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Tại Đối thoại Raisina lần thứ 5 với chủ đề “Định hướng thế kỷ Alpha”, diễn ra ở thủ đô New Delhi do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ nghiên cứu người quan sát (ORF) tổ chức hôm 14-16/01/2020, khi đề cập Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Chỉ huy Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Karambir Singh cho biết sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, đã phát triển nhanh chóng và các tàu chiến Trung Quốc đã tiến vào vùng biển của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa ra cảnh báo trên. Cảnh báo Trung Quốc đang sử dụng các công cụ dân sự để thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
ASEAN quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển và các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên
Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa (Việt Nam) hôm 17/01/2020, các Bộ trưởng ASEAN đều bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN. Các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và không tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC. Do đó, các Bộ trưởng tái khẳng định cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và cần coi luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 là cơ sở, là thước đo cho những đòi hỏi về chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) để tạo lập môi trường tin cậy lẫn nhau, tích cực thúc đẩy thương lượng để hướng tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS1982.
Nghị sỹ Nhật Bản lên án các hành vi phi pháp của TQ ở Biển Đông
Tại Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28, có chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện trong năm 2020 và trong thời gian tới” diễn ra hôm 16/01/2020, Nghị sỹ Nhật Bản Akihisa Nagashima thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, thành viên của ủy ban An ninh Quốc gia đã lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo là mối đe dọa đối với hòa bình. Nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Ông Akihisa Nagashima cũng kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ lời kêu gọi từ phía Nhật Bản và khẳng định cộng đồng quốc tế không nên ngồi ngoài lề trước những diễn biến ở Biển Đông. Nếu những hành động như thế này lặp đi lặp lại và không có biện pháp giải quyết thì điều này sẽ phá vỡ trật tự hiện hữu ở khu vực. Chúng ta nên duy trì nguyên tắc rằng bất kỳ hành động đơn phương nào sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được. Ngoài ra, ông Nagashima nhấn mạnh tầm quan trọng của “những bộ quy tắc và nguyên tắc vốn khó đạt được nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.