Truyền thông thế giới nhận định hiệp định thương mại và đầu tư EU ký kết với Việt Nam là thỏa thuận toàn diện nhất mà EU đạt được với một quốc gia đang phát triển.
Chiều 12/2, tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam – EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Hiệp định EVFTA nhận được 401 phiếu thuận, đạt tỉ lệ 63,33% (192 phiếu chống và 40 phiếu trắng). Hiệp định EVIPA được thông qua với tỉ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.
Bình luận về việc thông qua 2 hiệp định này, Ủy ban châu Âu cho biết họ hoan nghênh quyết định của Nghị Viện châu Âu.
“Hiệp định thương mại EU-Việt Nam sẽ loại bỏ hầu như tất cả thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai bên và bảo đảm – thông qua các cam kết mạnh mẽ, ràng buộc về mặt pháp lý và thực thi đối với phát triển bền vững – tôn trọng quyền lao động, bảo vệ môi trường và Thỏa thuận Paris về khí hậu”, EU viết trên trang web.
Ủy ban châu Âu khẳng định đây là thỏa thuận thương mại toàn diện nhất giữa EU và một quốc gia đang phát triển, có các điều khoản cụ thể loại bỏ các trở ngại kỹ thuật, như các vấn đề trong lĩnh vực xe hơi và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu được công nhận là Chỉ dẫn địa lý được bảo vệ tại Việt Nam.
“Bên cạnh việc mang đến những cơ hội kinh tế quan trọng, hiệp định cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao về bảo hộ lao động, môi trường và người tiêu dùng, đảm bảo rằng không có ‘cuộc đua xuống đáy’ để thu hút thương mại và đầu tư”, cơ quan này khẳng định.
Reuters cũng có nhận định tương tự khi khẳng định đây là thỏa thuận toàn diện nhất mà EU đạt được với một quốc gia đang phát triển, nói thêm rằng Việt Nam là nước thứ 2 trong khối ASEAN sau Singapore ký thỏa thuận như vậy với EU.
Trong khi đó, Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan nhận định EVFTA có tiềm năng rất lớn về kinh tế, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, công nhân, nông dân và doanh nghiệp.
Trên Twitter cá nhân, nghị sĩ Daniel Caspary, thành viên Nghị viện châu Âu khẳng định EVFTA về cơ bản sẽ đóng vai trò quan trọng đối với mối quan hệ giữa EU và Việt Nam về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.
AP dẫn lời Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Geert Bourgeois cho biết các thỏa thuận ký kết giúp EU tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với TTXVN, ông Bourgeois nhấn mạnh đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới “đầy đủ nhất và tham vọng nhất” mà lần đầu tiên Liên minh châu Âu ký kết với một nước đang phát triển. Nghị sỹ cũng khẳng định hiệp định là một bước quan trọng để EU tiến đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập khu vực thương mại tự do giữa EU và ASEAN.