Chính phủ Philippines của Tổng thống Rodrigo Duterte (11/2) xác nhận rằng công hàm đã được đích thân Ngoại trưởng Teodoro “Teddy Boy” Locsin, Jr. ký và gửi cho Chính phủ Hoa Kỳ cùng ngày khẳng định việc Manila chính thức hủy Thỏa thuận về Các lực lượng thăm viếng Quốc gia (VFA) với Mỹ.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo (11/2) cho biết, Tổng thống Duterte đã chỉ đạo Thư ký điều hành Văn phòng Tổng thống Philippines Salvador Medialdea truyền đạt ý kiến tới Ngoại trưởng Teodoro Locsin, Jr., yêu cầu gửi công hàm thông báo chấm dứt thỏa thuận cho Chính phủ Hoa Kỳ vào đêm 10/2. Ông Salvador Medialdea đã gửi tin nhắn cho Ngoại trưởng Locsin, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Philippines đã ký văn bản chính thức chấm dứt thỏa thuận và sau đó gửi cho Chính phủ Hoa Kỳ ngay trong hôm nay 11/2. Việc chấm dứt thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày 11/2. Ngoài ra, ông Salvador Panelo cũng cho rằng đã đến lúc Philippines tự lo cho mình và Manila sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Locsin cho biết, Phó Chánh văn phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ đã nhận được thông báo về quyết định chấm dứt thỏa thuận VFT của Philippines.
Trước thông tin trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông không quan tâm đến việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) song phương; cho rằng việc trên sẽ giúp Mỹ “tiết kiệm được nhiều tiền”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng, quyết định chấm dứt VFA sẽ là động thái sai lầm vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang cố gắng gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự tại châu Á. Ông Mark Esper cho biết: “Chúng tôi phải làm việc thông qua các góc độ chính sách, góc độ quân sự. Tôi sẽ nghe thông tin từ các chỉ huy quân sự. Theo quan điểm của tôi, thật đáng tiếc khi họ thực hiện động thái này”.
Quyết định của ông Duterte cũng không nhận được sự ủng hộ từ chính nội các. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo việc hủy VFA đồng nghĩa với việc Manila đã tự bỏ lá chắn bảo vệ trước các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Carlos Isagani Zarate, một hạ nghị sĩ Philippines, thì tỏ ý mỉa mai khi nói rằng nếu ông Duterte muốn Philippines tự đứng trên đôi chân mình thì tốt nhất hãy hủy luôn MDT và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường với Mỹ. Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ Philippines đã nhanh chóng tìm cách ngăn chặn động thái của ông Duterte, cho rằng ông không có quyền đơn phương hủy bỏ các hiệp ước quốc tế mà thượng viện nước này đã phê chuẩn. Những người ủng hộ duy trì VFA cũng nhấn mạnh thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng với Philippines vì đã ngăn cản Trung Quốc quân sự hóa các thực thể mà nước này ngang nhiên chiếm đóng từ Philippines. Họ cũng cho rằng số tiền viện trợ quân sự 1,8 tỉ USD mà Mỹ dành cho Philippines kể từ năm 1998 là vô cùng quan trọng trong bối cảnh năng lực quân sự Philippines vẫn còn hạn chế.
Giới chuyên gia cho rằng việc Philippines từ bỏ VFA, khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ sẽ khiến Trung Quốc có cơ hội mở rộng quân sự hóa Biển Đông. Bên cạnh đó, nó cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thảm họa tự nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải. Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện hàng hải thuộc Đại học Philippines khẳng định Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhất từ xung đột trong quan hệ Mỹ – Philippines. Trong khi đó, Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng Quốc gia (VFA) với Hoa Kỳ giúp ngăn Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình và quân sự hóa ở Bãi cạn vùng Biển Tây Philippines từ năm 2016. Theo chuyên gia Jay Batongbacal, Trung Quốc đã khẩn trương chuẩn bị cải tạo và quân sự hóa khu vực này trước khi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về tranh chấp chủ quyền Biển Đông được ban hành vào tháng 7 năm 2016. Song chính VFA đã ngăn cản quá trình biến đổi, cải tạo Bãi cạn Scarborough thành hòn đảo nhân tạo dưới bàn tay của Trung Quốc; nhấn mạnh, bãi cạn vẫn còn là khu vực duy nhất còn lại, bài toán và thách thức mà Bắc Kinh đang cố hóa giải nhằm xây dựng và quân sự hóa. Việc Philippines để mất VFA sẽ khiến Trung Quốc có cơ hội để tiến hành âm mưu đã toan tính từ lâu của mình. Giờ đây, khi VFA bị hủy bỏ, Trung Quốc đã có thể loại trừ hoàn toàn những quốc gia khác khỏi Biển Đông về mặt quân sự nếu họ có thể triển khai quân, xây dựng tiền đồn và tiến hành quân sự hóa tại tất cả các vị trí của tất cả các căn cứ quân sự này.
Theo Inquirer, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần ám chỉ đến việc cắt đứt quan hệ với Mỹ trong khi theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh phi truyền thống như Nga và Trung Quốc. Tổng thống Duterte đã công khai bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ Hoa Kỳ, khi một số quan chức nước này đưa ra bình luận về cuộc chiến chống ma túy “mạnh tay” của ông. Mối bất hòa được đẩy lên cao khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết dự định trừng phạt các quan chức Philippines liên quan đến cuộc chiến ma túy và việc bắt giữ Thượng nghị sĩ Leila De Lima, một nhà hoạt động nhân quyền và nhà phê bình của chính quyền Duterte, hiện đã bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến ma túy. Để đáp trả, ông Duterte đã ra lệnh chấm dứt hiệp ước quân sự sau khi Mỹ hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” Dela Rosa, người cũng tham gia lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy tại Philippines.
Theo Diplomat, việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Nhật báo Philippines, Manila Times, cho rằng “chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Philippines và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó”; nhấn mạnh “mối liên minh quốc phòng giữa Philippines và Mỹ từ nhiều thập kỷ qua là cơ sở cho sự ổn định không chỉ riêng với Philippines mà còn cả với các láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á”.
Ngoài ra, giới truyền thông khu vực cho rằng, hơn ai hết, tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, một khi Hiệp định VFA bị hủy bỏ, Philippines lại là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines. Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt. Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ Chung hay Thỏa thuận Tăng cường hợp tác Quốc phòng cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Philippines. Ngoài ra, nhiều quan chức Philippines cũng cảnh báo, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông – vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
VFA được ký vào năm 1998, đã quy định địa vị pháp lý cho quân đội Hoa Kỳ, cho phép tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo. VFA đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ liên minh Mỹ-Philippines, thiết lập các quy tắc cho binh sỹ Mỹ hoạt động tại Philippines. Nó giúp củng cố mối quan hệ mà Mỹ cho là “vô cùng vững chắc” giữa Washington và Manila, bất chấp sự chỉ trích của ông Duterte đối với Mỹ. Ông Duterte cáo buộc Mỹ sử dụng thỏa thuận này để tiến hành các hoạt động bí mật như gián điệp và tàng trữ vũ khí hạt nhân, gây nguy hiểm đối với Philippines.