Trung Quốc và Mỹ liên tục có các hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan, trong bối cảnh Đài Bắc vừa tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống với việc duy trì sự lãnh đạo của đảng cầm quyền và bà Thái Văn Anh.
Mỹ điều máy bay do thám qua eo biển Đài Loan
Theo tin từ “Aircraft Spots”, Không quân Mỹ hôm 12/2 đã điều hai máy bay do thám MC-130J từ căn cứ Kadena ở Nhật Bản bay ngang eo biển Đài Loan và Trung Quốc khi hai máy bay này trên đường đến Biển Đông. MC-130J là máy bay do thám chiến lược được trang bị công nghệ theo dõi tối tân, chuyên đảm trách thực hiện nhiệm vụ đặc biệt thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt Không quân Hoa Kỳ (AFSOC). Máy bay có sức chở 77 người, chiều dài 30,4 m, sải cánh 40,4 m, cho phép vận tốc hành trình 482 km/h với tầm bay 4.344 km, trần bay 10 km. Hai máy bay MC-130J bay ngang eo biển Đài Loan và Trung Quốc sẽ cho phép phía Mỹ bám sát hoạt động của phía Trung Quốc khu vực này.
TQ tập trận hải – không quân sát Đài Loan
Từ 9-10/2, Trung Quốc tổ chức diễn tập hải – không quân tại khu vực biển sát Đài Loan nhằm cải thiện khả năng tác chiến. Đáng chú ý, một biên đội tiêm kích J-11 và oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc đã tham gia và có hành trình bay trên eo biển Bashi ở phía Nam hòn đảo, sau đó hướng ra Thái Bình Dương và trở về căn cứ qua eo biển Miyako ở Đông Bắc, Đài Loan. Trong thông cáo, chiến khu miền Nam của Trung Quốc khẳng định “các lực lượng độc lập Đài Loan đã phớt lờ công lý quốc gia và gia tăng việc theo đuổi giành độc lập” nên các lực lượng của chiến khu “theo dõi sát sao tình hình và hoàn thành sứ mệnh”.
Phản ứng của TQ, Mỹ và Đài Loan
Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc tuyên bố đây là hoạt động “tuần tra kết hợp với diễn tập tác chiến thực tế hoàn toàn hợp pháp. Đây là hành động cần thiết trong hoàn cảnh an ninh hiện nay tại eo biển Đài Loan cũng như đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền. Đợt diễn tập có sự hỗ trợ của một số tàu khu trục và máy bay cảnh báo sớm”.
Lực lượng vũ trang Đài Loan ra thông cáo với nội dung “Chúng tôi đã triển khai các máy bay trinh sát và lực lượng phòng không phù hợp với quy định sẵn sàng chiến đấu. Các hoạt động bay tầm xa này của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới an ninh và ổn định, đe dọa hòa bình của các bên trong khu vực”. Viện trưởng Viện Hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương đã chỉ trích những hoạt động quân sự của Trung Quốc “gây ra oán giận không cần thiết trong dân chúng Đài Loan và quấy nhiễu hòa bình khu vực”. Lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan đã cho chiến đấu cơ xuất kích nhằm ngăn chặn các máy bay quân sự Trung Quốc bay gần vùng lãnh thổ này trong cả hai ngày đó.
Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hoạt động của Mỹ là hoạt động qua lại bình thường ở khu vực nhằm đảm bảo tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và không nhằm chống lại bên nào. Đài Loan vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với hòn đảo trong chính sách “Một Trung Quốc” và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng vẫn là đồng minh chủ chốt và đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất của Đài Loan. Chuyên gia quân sự Hồng Kông, Tống Trung Bình cho hay động thái của Mỹ là nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính quyền Đài Bắc, hàm ý rằng quân đội Mỹ luôn theo dõi sát sao các chuyển động của quân đội Trung Quốc tại khu vực. Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vào năm 2016, cả chính quyền của ông và quốc hội Mỹ đều từ bỏ chính sách tránh gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thay vào đó là việc liên tục thách thức Bắc Kinh và tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Đài Bắc.