Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ toàn diện thông tin về...

Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ toàn diện thông tin về virus corona

Sáu tuần sau khi công bố sự xuất hiện của một loại virus mới, rất dễ lây lan và thậm chí gây chết người, các chuyên gia cho biết Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ các dữ liệu quan trọng có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh, theo VOA News.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Khi các quốc gia đang cố gắng phát triển các chiến lược kiểm soát của riêng mình, thì họ sẽ cần biết được liệu tình hình ở Trung Quốc hiện đang trở nên tốt hơn hay tệ đi”, PGS Jennifer Nuzzo, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), nói.

Nhưng các dữ liệu đó không có sẵn.

“Chúng tôi vẫn chưa nắm được trong tay những thông tin cơ bản”, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Tom Frieden, người hiện đang đứng đầu tổ chức y tế công cộng phi lợi nhuận Resolve to Save Lives, cho biết.

Khi một nhóm chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO đến Trung Quốc để hỗ trợ đối phó với sự bùng phát dịch COVID-19 đang lan ra khỏi thành phố trung tâm Vũ Hán, “chúng tôi hy vọng tình trạng thật sự tại đó sẽ được công khai”, ông Frieden nói. “Vài ngày tới sẽ là thời điểm rất quan trọng”, ông nói thêm.

 Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ toàn diện thông tin về virus coronaNhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ làm việc bên trong khu vực cách ly tại một trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng ở quận Thanh Sơn thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 8/2 (ảnh chụp màn hình/VOA).
Bắc Kinh đã không chấp nhận đề nghị của CDC là gửi các chuyên gia hàng đầu đến trợ giúp.

Mike Ryan, người đứng đầu chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, đã không cho biết quốc tịch của các thành viên trong nhóm chuyên gia tại cuộc họp báo hôm thứ Năm (13/2). “Nhưng tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng nhóm này là các nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới và từ tất cả các quốc gia có thể đóng góp cho một nỗ lực chống dịch như thế này”, ông nói.

“Chúng tôi thấy thất vọng vì chưa được mời và vì sự thiếu minh bạch trong các số liệu báo cáo về dịch bệnh của Trung Quốc”, Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Trump, nói với các phóng viên hôm thứ Năm vừa qua.

Đằng sau khúc quanh

Trung Quốc đã công bố số trường hợp lây nhiễm mới hàng ngày, nhưng không cho biết ngày các bệnh nhân này lâm bệnh. Điều này rất quan trọng bởi nếu không biết được thời điểm xuất hiện triệu chứng, các nhà dịch tễ học sẽ không thể biết được dịch bệnh này đang gia tăng hay suy giảm. Số các trường hợp lây nhiễm hàng ngày được thống kê chỉ cho biết thời điểm các phòng thí nghiệm xử lý các mẫu bệnh phẩm nhưng không tiết lộ nhiều về quá trình bùng phát dịch bệnh, các chuyên gia cho hay.

Khi các quan chức Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán bệnh vào thứ Năm, sẽ không thể biết được liệu 13.000 trường hợp được Bắc Kinh báo cáo mới có thực sự là số lượng gia tăng các ca lây nhiễm mới hay không vì Bắc Kinh không báo cáo ngày khởi phát triệu chứng. Ông Ryan từ WHO cho biết một số trường hợp được thống kê từ thời điểm bắt đầu dịch bệnh. Nhưng WHO không biết cụ thể là trường hợp nào.

 Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ toàn diện thông tin về virus coronaMột phụ nữ đeo khẩu trang và găng tay đang mua thực phẩm đóng hộp tại một siêu thị ở Hồng Kông vào ngày 13/2. Đằng sau cô là một dãy kệ trống (ảnh chụp màn hình/bta.bg).
Trung Quốc không thường xuyên công bố dữ liệu về độ tuổi của bệnh nhân và những ca nghiêm trọng nhất. Không rõ có bao nhiêu người được xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19. Và cũng không biết có bao nhiêu người bị lây nhiễm nhưng không được xét nghiệm (do cơ sở y tế quá tải).
“Chúng tôi biết một số người bị lây nhiễm không được báo cáo, điều này là khẳng định”, ông Frieden cho hay.

“Nhưng liệu con số này gấp 10 lần? Hay 5 lần?” ông đặt câu hỏi. “Chúng tôi không biết được điều này”.

Bỏ sót đáng ngờ

Các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào. WHO thường liệt kê các ca lây nhiễm trong nhóm đối tượng đặc biệt này trong các báo cáo dịch bệnh của mình. Nhưng Bắc Kinh lại báo cáo rất ít về tình trạng của các nhân viên y tế tại đây.

Các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán đã công bố một nghiên cứu cho biết 40 trong số 138 bệnh nhân nhập viện là các nhân viên y tế bị lây nhiễm.

 “Đây thực sự là dấu hiệu bề nổi đầu tiên cho thấy tình trạng lây nhiễm của các nhân viên y tế trên thực tế đang xảy ra”, PGS Nuzzo từ ĐH Johns Hopkins nhận định. “Điều này, tôi nghĩ, là một thiếu sót rất rõ ràng”.
Một mặt, ông Frieden quy tình trạng thiếu các báo cáo dữ liệu cho “một trải nghiệm ban đầu khó khăn đối với một đợt bùng phát dịch bệnh quá lớn”. Số lượng bệnh nhân đột biến và khổng lồ đã vượt quá khả năng của hệ thống y tế nước này.

Nhưng mặt khác, bên cạnh đó là một câu hỏi quan trọng, “đó là liệu họ có che giấu (không báo cáo) một số thông tin hay không?”, ông nói. 

Đỡ hơn SARS

Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã gây áp lực đối với các bác sĩ đã dám chia sẻ công khai cho công chúng thông tin về căn bệnh mới này.

Chính quyền Bắc Kinh đã hứng chịu chỉ trích trên toàn cầu khi che giấu thông tin trong đợt bùng phát giai đoạn 2002-2003 của hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng.

Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ toàn diện thông tin về virus coronaMột quan chức y tế mặc đồ bảo vệ và đeo khẩu trang đang chờ hành khách tại một ga tàu du lịch ở Port Klang, Malaysia, ngày 13/2 (ảnh chụp màn hình/VOA).

Lần này, các quan chức WHO đã ca ngợi Bắc Kinh khi báo cáo về sự bùng phát dịch COVID-19 nhanh hơn nhiều so với lần trước và nhanh chóng đăng tải mã gen của chủng virus mới.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt các nghiên cứu “đẹp đẽ” trên các tạp chí y học hàng đầu phác thảo một số chi tiết quan trọng của căn bệnh này, PGS Nuzzo lưu ý.

“Họ có thể cung cấp số liệu ở mức nhất định, do đó tôi không muốn tô vẽ một hình ảnh về một quốc gia hoàn toàn từ chối chia sẻ số liệu dịch bệnh”, bà nói.

Nhưng những thông tin quan trọng vẫn còn thiếu hụt, và trong một đợt bùng phát nghiêm trọng của một căn bệnh mới như vậy, bà nói thêm, các số liệu nên được chia sẻ càng rộng và càng sớm thì càng tốt.

“Về cơ bản bạn cần nói cho mọi người biết những gì bạn biết”, ông Frieden nói thêm. “Nhưng nếu bạn không biết được điều gì, thì cũng cần cho mọi người biết bạn sẽ tìm ra thông tin đó như thế nào”.

RELATED ARTICLES

Tin mới