Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2021, trong đó có việc cắt giảm ngân sách cho Không quân khiến lực lượng này phải hủy bỏ Chương trình Vũ khí tấn công siêu thanh thông thường (HCSW).
Ngân sách mới cho năm tài chính 2021 (bắt đầu từ tháng 10/2020) bao gồm 740,5 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, bao gồm việc tăng kinh phí cho nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với chiến tranh trong tương lai. Theo sự phân bổ ngân sách, Không quân Mỹ bị giảm trừ để phục vụ các ưu tiên mới của Tổng thống Trump, bao gồm lực lượng không gian mới được thành lập. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dành ra 2,4 tỷ USD mua sắm cho lực lượng không gian, 2,6 tỷ USD chi cho hoạt động và bảo trì. Tuy nhiên, Mỹ cũng ưu tiên trong việc Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất mua 79 tiêm kích tàng hình F-35, 12 máy bay tiêm kích mới F-15EX, chi 2,8 tỷ USD cho dự án máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider.
Trước tình trạng trên, Người phát ngôn Không quân Mỹ Ann Stefaniek (10/2) tiết lộ rằng, áp lực về ngân sách đã dẫn đến quyết định từ bỏ chương trình HCSW. Thay vào đó, Không quân Mỹ sẽ tiếp tục phát triển vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW). Bà Stefaniek cũng cho hay, hãng Lockheed Martin sẽ phải kết thúc các công việc liên quan đến chương trình HCSW sau lần đánh giá phê bình thiết kế từ phía Không quân vào mùa xuân này. Chương trình ARRW còn lại dự kiến sẽ đạt đến khả năng vận hành ban đầu trong năm tài chính 2022. Theo giới truyền thông Mỹ, trong khi Mỹ sẽ đầu tư khoảng 576 triệu USD vào vũ khí siêu vượt âm trong năm tài chính 2020, con số này được dự kiến sẽ giảm xuống còn 382 triệu USD trong năm tài chính 2021. Thông tin này nhiều khả năng là một cú sốc đối với đội ngũ phát triển ở Lockheed Martin cũng như Aerojet Rocketdyne, đơn vị mới thông báo vào tháng 12/2019 về việc đạt được một hợp đồng phụ trị giá 81,5 triệu USD để phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn được sử dụng cho tên lửa siêu vượt âm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu khoản tiền 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Khoản tiền này nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ quốc phòng mới của Mỹ. Chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ đặt mục tiêu chế tạo thêm các mẫu thử nghiệm cho không quân, phát triển các phiên bản tên lửa siêu vượt âm phóng từ chiến hạm và đất liền. Bên cạnh chương trình vũ khí siêu vượt âm, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn đầu tư nhiều cho các chương trình phát triển vũ khí thế hệ mới. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, “với đề xuất cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất trong vòng 70 năm qua, ngân sách mang tính chiến lược này bao gồm những khoản đầu tư cần thiết cho công nghệ thế hệ mới, tên lửa, năng lực tác chiến trong vũ trụ và trên không gian mạng”.
Được biết, để đuổi kịp Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, Mỹ đã triển khai nhiều kế hoạch nghiên cứu, phát triển vũ khí trong lĩnh vực này. Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 12 chương trình nhằm đối phó vũ khí siêu thanh. Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã giới thiệu dự án vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh mang tên Glide Breaker. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, thiết bị bay này sẽ hoạt động như một viên đạn, hạ gục tên lửa siêu thanh của đối phương bằng động năng của chính nó. Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch triển khai hệ thống vệ tinh chuyên phát hiện vũ khí siêu âm. Phát biểu trong cuộc điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood (4/4/2019) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai vệ tinh cảm biến giá rẻ trên quỹ đạo nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm và theo dõi chúng. Quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về phương án đánh chặn loại vũ khí này, cho biết quỹ đạo bay của nó rất phức tạp và gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, tiết lộ quân đội Mỹ đang nghiên cứu giải pháp “tác động đến mục tiêu trong hành trình”. Không những vậy, Mỹ cũng đã cùng phát triển radar đối phó tên lửa siêu vượt âm. Theo đó, radar mới sẽ hạn chế điểm mù trong lá chắn tên lửa Aegis, tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ tên lửa siêu vượt âm. Hệ thống radar mới sẽ thay thế tổ hợp AN/SPQ-9B trên tàu chiến Mỹ, vốn có nhiều điểm mù và không thể theo dõi cùng lúc khoảng không gian 360 độ xung quanh.
Trái ngược với Mỹ, Nga hiện đã triển khai tên lửa hạt nhân tốc độ nhanh gấp 27 lần âm thanh ở vùng Orenburg, phía Nam dãy núi Ural. Theo thông tin trên, Nga đã triển khai phương tiện siêu thanh Avangard (hypersonic glide vehicle) được gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Avangard không giống đầu đạn tên lửa thông thường đi theo con đường có thể dự đoán được sau khi tách ra, mà có thể thực hiện những “động tác” đặc biệt trong bầu khí quyển, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn nhiều. Phía Nga lưu ý rằng Avangard được thiết kế bằng vật liệu composite mới, chịu được nhiệt độ lên tới 2.000 độ C của chuyến bay xuyên qua bầu khí quyển ở tốc độ siêu thanh. Quân đội cho biết Avangard có khả năng bay nhanh hơn 27 lần so với tốc độ âm thanh, có khả năng mang vũ khí hạt nhân lên tới hai megatons. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố Nga phải phát triển Avangard và các hệ thống vũ khí tiềm năng khác vì Mỹ vẫn phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa; nhấn mạnh rằng Nga là quốc gia duy nhất được trang bị vũ khí siêu âm.
Giới chuyên gia và truyền thông cho rằng, trái với việc Mỹ ngừng chương trình nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí siêu thanh, Nga và Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tốc độ hơn trong lĩnh vực này nhằm đạt được khả năng răn đe vượt trội hơn với Mỹ.