Trong những ngày qua, thông tin về dịch cúm do virus corona gây ra nổi bật nhất trên hầu hết các trang mạng và truyền thông của các nước, trở thành mối nguy cơ lớn nhất hiện nay. Sau cuộc chiến thương mại với Mỹ, khủng hoảng ở Hồng Kông, thắng lợi vang dội của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến trong bầu cử ở Đài Loan, Dịch cúm corona đang đẩy Trung Quốc vào tình thế hết sức khó khăn.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chống lại dịch cúm virus corona là thách thức lớn nhất đối với ông Tập Cận Bình. Dịch cúm bùng phát khắp mọi nơi ở Trung Quốc và nhiều nước đã đóng cửa biên giới hoặc dừng các chuyến bay, chuyến tàu hỏa đi và đến Trung Quốc.
Vậy tình hình Biển Đông sẽ ra sao trong bối cảnh dịch cúm virus corona bùng phát mạnh?
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch cúm virus bùng phát ở Trung Quốc buộc chính quyền Bắc Kinh phải tập trung mọi nỗ lực cho công tác chống dịch. Mặt khác, Trung Quốc cũng cần sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế (trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von Der Leyen, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi Bruxelles và các thành viên Liên hiệp Châu Âu hỗ trợ Trung Quốc, cung cấp trang thiết bị y tế). Do vậy, trước mắt Bắc Kinh chưa thể có những hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông.
Một số ý kiến cho rằng do nhà cầm quyền Bắc Kinh thi hành chính sách bá quyền, cưỡng ép, bắt nạt các nước nhỏ thể hiện tư tưởng Đại Hán dân tộc chủ nghĩa đã làm dấy lên tâm lý cô lập, cách ly với Trung Quốc trong những ngày dịch cúm corona bùng phát vừa qua ở nhiều nước, thậm chí cơ nơi còn xuất hiện tâm lý tẩy chay, bài hoa, phân biệt đối xử với người Trung Quốc.
Giữa lúc người dân Trung Quốc đang phải gồng mình đối phó với dịch cúm corona tràn lan thì việc xuất hiện những tâm lý tẩy chay, xua đuổi, bài hoa là không nên bởi đối phó với dịch bệnh là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Các nước cần phải chia sẽ, chung sức với người dân Trung Quốc để đẩy lui dịch bệnh.
Tuy nhiên, những người cầm quyền ở Bắc Kinh cũng phải thấy rõ, những phản ứng quá mức của các nước đối với Trung Quốc trong những ngày qua là do chính sách hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh. Nếu những nhà cầm quyền Bắc Kinh không hành xử một cách có trách nhiệm, nhân văn theo luật pháp quốc tế thì họ sẽ gặp phải những phản ứng bất lợi khi họ gặp hoạn nạn.
Một quy luật thực tế khách quan là anh cư xử với người ta thế nào thì sẽ nhận được sự đáp lại tương xứng. Nhà cầm quyền Bắc Kinh thi hành chính sách dọa nạt, cưỡng bức, chiếm đoạt các cấu trúc và vùng biển của nước khác ở Biển Đông thì không thể có được sự toàn tâm toàn ý với Trung Quốc từ những nước này khi Trung Quốc gặp khó khăn như trong thời gian dịch bệnh viêm phổi corona vừa qua.
Một vài ý kiến trên các trang mạng xã hội còn tỏ ý mong cho Trung Quốc kiệt quệ khi phải đối phó với dịch cúm corona để họ không rảnh tay bắt nạt và xâm lần biển đảo của các nước láng giềng. Hy vọng sau nạn dịch này nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ rút ra bài học để không còn hung hăng nữa.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, có ý kiến cho rằng với cách làm lâu nay của Trung Quốc là đẩy những khó khăn ra bên ngoài để thì không loại trừ khả năng nhà cầm quyền Bắc Kinh có những hành động gây hấn mới ở Biển Đông để xì hơi cho những khó khăn trong nội bộ, nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang chịu nhiều sức ép.
Hy vọng những người cầm quyền ở Bắc Kinh tập trung vào chống dịch cúm corona sẽ không có những hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông để Biển Đông được bình yên. Bởi nếu làm ngược lại họ sẽ lại càng phải đón nhận những phản ứng lên án mạnh mẽ của công luận, càng bất lợi cho cuộc chiến chống dịch.
Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và dã tâm bành trướng của những người cầm quyền ở Bắc Kinh, không loại trừ khả năng nào có thể xảy ra ở Biển Đông. Các nước ven Biển Đông cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác.