Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaDiễn biến tình Đông Nam Á năm 2020: Nhiều nhân tố bất...

Diễn biến tình Đông Nam Á năm 2020: Nhiều nhân tố bất ổn tác động an ninh khu vực

Năm 2020 là tròn 41 năm kể từ cuộc chiến lớn giữa các quốc gia cuối cùng ở Đông Nam Á. Tuy thường xuyên tồn tại những mối đe dọa bất ổn ở đa số các quốc gia trong khu vực, Đông Nam Á vẫn được coi là nơi hòa bình và trật tự xã hội, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ổn định. Tuy vậy, các xu hướng gần đây cho thấy tương lai gần của khu vực có thể không được lạc quan như trước.

Cạnh tranh ảnh hưởng năm 2019

Các mối quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á có liên quan mật thiết đối với cạnh tranh Mỹ-Trung. Năm 2019, cả Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục hành động theo logic cũ đối với Đông Nam Á, mặc dù cũng đã xuất hiện những sắc thái mới. Theo đó, Trung Quốc chủ trương lôi kéo, ràng buộc với mình các nước vùng Nam Dương bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tuy vậy năm 2019 đã đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng chiều hướng cảm nhận sáng kiến này. Một phần đó là do những nỗ lực của báo chí và các giới chuyên gia quốc tế mà các dự án của Trung Quốc ngày càng gây nhiều hoài nghi về các vấn đến sự vững chắc và an toàn của chúng đối với các hệ thống nợ của các quốc gia thụ hưởng. Ở Đông Nam Á, sự lo sợ đó bắt nguồn từ quan ngại về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và sự mất lòng tin chính trị. Trong đó nổi bật nhất là việc hàng loạt các nước ngừng các dự án có vốn vay của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động phi pháp trong vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong năm 2019 không chỉ là tìm cách gia tăng sự liên hệ kinh tế mà còn cả chèn ép đẩy Mỹ ra khỏi khu vực về chính trị-quân sự. Đến nay, Trung Quốc đã đứng chân vững chắc và thực tế đang kiểm soát phi pháp khu vực giữa Biển Đông. Hạ tầng quân sự trên các hòn đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép cho phép Trung Quốc có đủ năng lực răn đe, ngăn chặn Mỹ hiện diện trong khu vực. Một nỗ lực nổi bật nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực trên mặt trận ngoại giao là xây dựng “một dự thảo duy nhất” của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Văn kiện tập hợp trong mĩnh tất cả những đòi hỏi tối đa của các bên. Một trong những đề nghị của Trung Quốc là hạn chế khả năng của các nước ASEAN tiến hành tập trận chung ở Biển Đông với các cường quốc ngoài khu vực (Mỹ) và huy động các nước đó vào thăm dò khoảng sản ở Biển Đông. 

Trong khi đó, sự đáp trả của Mỹ cho dù cũng đang tăng lên nhưng không có đột phá rõ rệt trong năm 2019. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng cuối cùng đã được bổ sung bằng những công cụ kinh tế – đó là “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và đối tác hạ tầng ba bên Mỹ-Nhật Bản-Australia. Đồng thời, đối thoại bốn bên với sự tham gia của ba nước này và Ấn Độ vốn có nguy cơ trở thành hạ tầng mới để kiềm chế quân sự đối với Trung Quốc trong khu vực hiện vẫn chỉ là một định dạng đối thoại. Tuy nhiên, trong năm 2019, các nhà ngoại giao Mỹ đã tích cực làm việc để các nước ASEAN cảm nhận ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của bộ tứ ở góc độ ít nhiều tích cực. 

Trong bối cảnh cạnh tranh địa-chính trị gia tăng, các xu hướng hội nhập đã không cho thấy sự năng động vững chắc. Nhiệm kỳ ASEAN của Thái Lan đã không có tính đột phá và không đáp ứng được những thách thức đã trở thành truyền thống đối với nhóm nước này: mất đoàn kết, chậm chạp và thích thỏa hiệp mà hy sinh với chi phí hiệu quả. Đồng thời, đây là nhiệm kỳ chủ tịch tập trung vào các cuộc đối thoại trong ngành mà trong những năm tới có thể trở thành quỹ tích chính, nơi tiến bộ thực sự sẽ diễn ra theo kênh ASEAN.

Xu thế căng thẳng tiếp diễn

Gần như không có cơ sở để cho rằng, trong những năm tới đây, sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington ở Đông Nam Á sẽ yếu đi. Ở Mỹ đang gia tăng cảm nhận về Trung Quốc như một địch thủ địa-chiến lược, và áp lực của giới tinh hoa lên bất kỳ Tổng thống Mỹ nào sẽ hướng chính quyền này và chính quyền tiếp theo của Mỹ đi tìm những kênh mới kiềm chế Trung Quốc. Có thể dự đoán rằng, cùng với việc Trung Quốc đang tiến tới việc kiểm soát thực tế khu vực Biển Đông, sẽ có thêm những quốc gia mới tham gia tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải. Điều đó sẽ có nghĩa là những sự cố mới, cũng như áp lực mới từ phía Trung Quốc lên các nước đang tiến hành thăm dò chung tài nguyên bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc yêu sách. 

Phản ứng của Mỹ, xét theo chiều hướng hai năm gần đây, ít nhất sẽ là một phần nhằm động viên các nước trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Nhóm đầu tiên của các đối tác này là Nhật Bản và Australia. Nhóm thứ hai là Việt Nam và Singapore. Mỹ và một số nước đồng minh sẽ thông qua các khoản đầu tư, trước hết là các khoản đầu tư hạ tầng để hỗ trợ và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực. Các nước Đông Nam Á cực kỳ cần đổi mới và phát triển các công trình hạ tầng để duy trì các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình và tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng nên họ sẽ lợi dụng sự cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc. Trung Quốc nay đã bắt tay vào ít nhất là đổi mới hình ảnh của Sáng kiến Vành đai và con đường và trong những năm tới sẽ tìm cách làm giàu nó bằng nội dung và chất lượng mới. Mỹ thì cùng với Nhật Bản sẽ xúc tiến các khái niệm thay thế khác, chẳng hạn như các dự án đầu tư “bền vững” và “chất lượng cao”. Vấn đề chỉ là liệu các điều kiện đầu tư và cho vay tín dụng này có thực sự tốt hơn và có lợi hơn cho các nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á hay không.

Bên cạnh đó, một yếu tố bất định đáng kể trong những năm tới sẽ là sự phát triển chính trị trong nước của các nước ASEAN. Tình hình kinh tế quốc tế có thể không quá thuận lợi cho các nước đang phát triển trong khu vực, còn việc nhiều nước trong số đó không có khả năng đổi mới mô hình phát triển kết hợp với bối cảnh bên ngoài và vai trò mới của các mạng xã hội có thể kéo theo sự bùng phát của chính sách bản sắc. Vấn đề then chốt sẽ là cuộc đấu tranh giữa các giới tinh hoa mới và các giới tinh hoa cũ và khả năng hoạt động của các mô hình hiện đại hóa và hội nhập xã hội địa phương. Ở Malaysia, yếu tố then chốt sẽ là việc chuyển giao quyền lực đã được hứa hẹn từ Mahathir Mohamad cho địch thủ cũ và nay là đồng sự Anwar Ibrahim. Nếu như sự chuyển giao này không xảy ra thì liên minh cầm quyền sẽ có nguy cơ sụp đổ và những thách thức mới sẽ nổi lên trước toàn bộ hệ thống chính trị Malaysia. Không những vậy, tình hình nội trị của Thái Lan, Philippines cũng đang ngày càng có nhiều dấu hiệu bất ổn, khó kiểm soát. Việc chuyển giao quyền lực ở Thái Lan, nơi việc quá độ từ chế độ quân sự sang cai trị dân sự ta thấy rõ từ trước là đang bị trì hoãn. Các giới tinh hoa Thái Lan sẽ phải lựa chọn giữa sự phân tán và phân cực chính trị mà thể chế nghị viện hàm chứa và sự trì trệ đi theo cùng sự cầm quyền của chế độ quân sự. Ở Philippines, cải cách hiến pháp và việc quá độ sang mô hình liên bang có thể thổi sức sống mới vào nền chính trị sở tại, nhưng đồng thời cũng đe dọa không chỉ sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương, sự củng cố quyền lực của các gia tộc và các nhóm tinh hoa ở các khu vực. Sự thay đổi thế hệ cũng sẽ không đơn giản cả ở Singapore – thế hệ 4 đã vẫn không sản sinh ra những nhân vật được đồng thuận cao như Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Rohingya ở Myanmar sẽ khó được giải quyết trong hai năm tới bởi vì trước cuộc bầu cử năm 2020, cả giới quân sự lẫn Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) sẽ đấu tranh giành lá phiếu của đa số cử tri theo Phật giáo. Các vùng dân tộc ở biên giới đã bỏ phiếu cho NLD trong các cuộc bầu cử trước với hy vọng thỏa thuận được với Aung San Suu Kyi và không muốn bỏ phiếu cho đảng của quân đội. Tuy vậy, nhà lãnh đạo mới của Myanmar không đáp ứng được những hy vọng của họ và điều đó đang tạo ra những nguy cơ là các nhóm sắc tộc sẽ quay lưng hoàn toàn với quá trình hòa bình. 

Trong những năm tới, vấn đề an ninh phi truyền thông như dịch bệnh, môi trường, nguồn nước, lương thực… sẽ là một trong những vấn đề được khu vực quan tâm. Nghị trình sinh thái học sẽ thường xuyên nổi lên hàng đầu, những thảm họa thiên tai sẽ gây lo lắng nhiều hơn, người dân sẽ đòi hỏi ngày một mạnh mẽ bầu không khí và nước sạch. Hàng trăm ngàn người đang sinh sống ở các vùng và thành phố ven biển trong những năm tới có thể mất đinh sinh kế, nhà cửa và xí nghiệp dưới tác động của đất nhiễm mặn, mực nước biển dâng và sụt đất (điều đó sẽ đặc biệt rõ ở những khu ổ chuột của Jakarta, các thành phố và làng mạc đồng bằng sông Mekong). 

Nhìn chung, hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á chịu tác động, chi phối trực tiếp từ cạnh tranh Mỹ – Trung; hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, môi trường, nguồn nước, lương thực… Do đó, khu vực này tiếp tục tồn tại những mối đe dọa bất ổn ở đa số các quốc gia nhưng Đông Nam Á vẫn được coi là nơi hòa bình và trật tự xã hội, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ổn định trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới