Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDịch COVID-19 làm dấy lên nghi vấn về quan hệ của TQ...

Dịch COVID-19 làm dấy lên nghi vấn về quan hệ của TQ với WHO

Phần lớn các nhà quan sát, bao gồm nhiều người đã từng làm việc cho WHO trước đây, đều nhất trí rằng tổ chức này đã “quá bị chính trị hoá, quá quan liêu, quá bị thống trị bởi ban tham mưu thường chỉ tìm kiếm các giải pháp y tế cho những vấn đề mang tính kinh tế và xã hội, quá e dè trong việc tiếp cận các vấn đề dễ gây tranh cãi, quá tải và quá chậm chạp trong thích ứng với sự thay đổi.”

Ngày 28/1, ngồi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hết lời khen ngợi cách ứng phó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng virus corona.

“Chúng tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc phản ứng với đợt bùng phát dịch bệnh này, đặc biệt là cam kết từ giới lãnh đạo cấp cao, họ đã thể hiện sự minh bạch,” ông Tedros nói.

Đó là sự kiện diễn ra vào cuối tháng 1, ông Tập đã phải ra mặt sau khi các quan chức địa phương thất bại trong việc khống chế dịch bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc.

Trung Quốc đã hành động nhanh chóng sau khi ông Tập can thiệp, phong tỏa nhiều thành phố lớn và rót nhiều nguồn lực vào việc chống virus, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng một cách hà khắc.

Khi hai người gặp nhau ở thủ đô Trung Quốc, các ca bệnh tiếp tục tăng mạnh. Sự việc các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc và Vũ Hán tìm cách che giấu thông tin và hạ thấp tầm quan trọng của virus cũng được tiết lộ cho dư luận.

Ngày hôm sau, WHO tuyên bố tình trạng y tế công cộng toàn cầu, và một lần nữa ông Tedros lại ca ngợi cách ứng phó của Bắc Kinh.

Lời khen của WHO về phản ứng của Trung Quốc đã dẫn đến các chỉ trích về mối quan hệ giữa hai thực thể này. Hoạt động của WHO vốn dựa trên nguồn đóng góp và sự hợp tác với các thành viên, đã dành cho các quốc gia thành viên giàu có như Trung Quốc những “ưu tiên” đáng kể. Một trong những ví dụ khá rõ ràng về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO là việc nước này đã thành công trong việc ngăn chặn Đài Loan gia nhập WHO, điều có thể mang đến những hậu quả thực tiễn đối với người dân Đài Loan nếu virus lan rộng ở hòn đảo này.

Lập trường của WHO đối với Trung Quốc đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu WHO, tổ chức được thành lập 72 năm về trước, có sự độc lập thích đáng để có thể làm tốt chức trách của họ hay không. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không trả lời những câu hỏi về quan hệ của Bắc Kinh với WHO. 

“Tôi biết WHO vấp phải nhiều áp lực khi chúng tôi đánh giá cao điều Trung Quốc đang làm, nhưng chúng tôi không sợ nói ra sự thật cho dù có nhiều áp lực,” Tổng Giám đốc WHO nói. “Chúng tôi không nhân nhượng vô nguyên tắc bất cứ ai. Đó là sự thật.” 

Ông Tedros nói thêm rằng những ghi nhận của WHO đều “đạt chuẩn” và ông kêu gọi thế giới hãy công nhận những gì Trung Quốc đang làm, “hãy giúp đỡ họ và thể hiện tình đoàn kết.”

Trộn lẫn y tế và chính trị

WHO được thành lập năm 1948 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc với vai trò hợp tác các chính sách y tế quốc tế, đặc biệt về dịch bệnh lây lan. Kể từ đó, tổ chức này đã đạt được khá nhiều thành tích, trong số bao gồm việc xóa bỏ bệnh đậu mùa và giảm 99% bệnh bại liệt, cũng như hoạt động chống lại các bệnh mãn tính và thói quen hút thuốc.

Nhưng trong lịch sử 7 thập kỷ của mình, WHO hiếm khi không vướng khủng hoảng. Những chỉ trích với WHO bao gồm tình trạng quan liêu quá mức, cấu trúc hoạt động kỳ quặc, quá lệ thuộc vào một số ít những nhà quyên góp lớn, và thường bị ảnh hưởng bởi chính trị. Được bầu vào năm 2017, chính trị gia người Ethiopia Tedros đã trở thành Tổng Giám đốc WHO với những hứa hẹn cải cách trên diện rộng.

Ông Tedros là người châu Phi đầu tiên nắm vị trí này sau khi WHO gặp khủng hoảng trong đại dịch Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2013 – 2016. WHO đã mất 5 tháng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) đối với Ebola, một sự chậm trễ “rõ ràng đã khiến sự bùng phát dịch bệnh ở quy mô chưa từng thấy,” theo một đánh giá về học thuật.

Sự thất bại được đổ lỗi một phần cho bộ máy quan liêu nặng nề và phức tạp của WHO vốn được cấu thành từ sáu văn phòng khu vực và được quản lý một cách lơi lỏng bởi tổng hành dinh ở Geneva. Ngoài ra, WHO còn bị chỉ trích vì các nhóm giám sát vốn phải làm việc căng thẳng quá mức nhưng lại thiếu kinh phí, cùng các áp lực chính trị từ các chính phủ Tây Phi khi họ sợ một tuyên bố về PHEIC sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế. 

Trong một tuyên bố với CNN, người phát ngôn của WHO nói rằng “Từ những bài học ở Tây Phi, WHO đã thiết lập “Chương trình y tế khẩn cấp” mới với sự thay đổi sâu sắc, bổ sung năng lực hoạt động cho các vai trò mang tính kỹ thuật và quy chuẩn truyền thống của WHO.”

“Chương trình được thiết kế để khả năng dự báo tình huống khẩn cấp của WHO được mau chóng hơn,” người phát ngôn nói. “Nó khiến cho mọi công việc của WHO trong tất cả các tình huống khẩn cấp có cùng một cấu trúc chung từ trụ sở chính cho tới tất cả các chi nhánh khu vực nhằm tối ưu hoá việc phối hợp, hoạt động và thông tin.”

Ebola đã làm “nổi bật” một số vấn đề của WHO mà các chuyên gia đã cảnh báo hàng năm trời. Trong báo cáo năm 2014, ông Charles Cliff – nguyên chuyên viên tư vấn của WHO – đã viết rằng phần lớn các nhà quan sát, bao gồm nhiều người đã từng làm việc cho WHO trước đây, đều nhất trí rằng tổ chức này đã “quá bị chính trị hoá, quá quan liêu, quá bị thống trị bởi ban tham mưu thường chỉ tìm kiếm các giải pháp y tế cho những vấn đề mang tính kinh tế và xã hội, quá e dè trong việc tiếp cận các vấn đề dễ gây tranh cãi, quá tải và quá chậm chạp trong thích ứng với sự thay đổi.”

“WHO là cơ quan làm về cả kỹ thuật và hoạch định chính sách,” ông Cliff viết. “Sự can thiệp quá mức của các lý do chính trị trong công việc mang tính kỹ thuật của họ có thể huỷ hoại quyền lực và uy tín của họ.”

WHO thường đưa ra nhận định dựa vào các số liệu được các nước thành viên cung cấp, sàng lọc nó một chút qua một số tổ chức trong khu vực. Với một chính phủ thường xuyên vướng phải các cáo buộc về thiếu minh bạch như Trung Quốc, điều đó có thể là một vấn đề.

WHO và vấn đề Đài Loan

Trong vấn đề Đài Loan, thế lực chính trị của Bắc Kinh tại WHO nổi rõ nhất.

Trong một bài nói năm ngoái trước Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cuộc gặp thường niên của WHO ở Geneva, ông Luke Browne, Bộ trưởng y tế St.Vincent vùng Caribe, đã yêu cầu đưa Đài Loan trở thành một thành viên của WHO.

“Không có nguyên tắc cơ bản nào giải thích được vì sao Đài Loan không được ở đây… lý do duy nhất hiện giờ họ không có mặt ở đây vì Bắc Kinh không ưa thích chính phủ Đài Loan hiện tại,” ông Brown nói.

Mặc cho cho bài phát biểu của ông Brown cùng sự can thiệp của nhiều quốc gia thành viên, vấn đề Đài Loan nhanh chóng bị xoá khỏi chương trình nghị sự. Sự việc lặp lại như vậy hàng năm kể từ 2016.

Bắc Kinh đã liên tục tìm cách ngăn chặn không cho Đài Loan gia nhập nhiều tổ chức quốc tế, trừ phi họ làm theo cái gọi là phương thức phù hợp với nguyên tắc “một Trung Quốc”, như gọi là “Đài Bắc thuộc Trung Quốc” trong đại hội Olympic.

Việc Bắc Kinh loại trừ Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế thường không gây ra sự phân rẽ toàn toàn cầu. Tuy nhiên, y tế là một lĩnh vực đòi hỏi tất cả các chính phủ phải được kết nối và truy cập thông tin một cách bình đẳng.

“Loại trừ Đài Loan ra khỏi WHO khiến người dân ở đó dễ bị thương tổn trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh,” bà Natasha Kassam, một chuyên gia về Trung Quốc, Đài Loan và ngoại giao tại Đại học Lowy, Úc, nói. “Nhà chức trách Đài Loan đã lên tiếng về việc không thể tiếp cận với số liệu và sự hỗ trợ của WHO.”

Khi các ca nhiễm virus corona được báo cáo ở Đài Loan, WHO thậm chí đã không thể quyết định ngay cả tên gọi của hòn đảo. Khi trả lời các phóng viên vào tháng trước, người phát ngôn WHO đã sử dụng cấu trúc “Trung Quốc, Đài Loan,” trong khi đó tại một báo cáo ngày 4/2 thì WHO lại gọi là “Đài Loan, Trung Quốc”. Tuy nhiên, báo cáo này có số ca nhiễm bệnh sai lệch bởi nó dựa vào số liệu của Bắc Kinh chứ không phải của Đài Loan. Về sau, các báo cáo của WHO lại gọi Đài Loan là “Đài Bắc và các vùng phụ cận” trong một danh sách các thành phố bị ảnh hưởng tại Trung Quốc.

Khi phát biểu tại WHA năm ngoái, ông Browne đã tiên đoán kiểu nói mập mờ này, nhận định “Tất cả chúng ta biết rằng Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát và không có quyền với Đài Loan, nên không thể được chấp nhận là đại diện của họ ở đây.”

“Nếu ông Tedros muốn WHO được thông tin về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và muốn còn được tham gia vào việc xử lý dịch bệnh tại đây, ông không thể phản đối chính phủ Trung Quốc cho dù rõ ràng là nước này thiếu minh bạch,” ông Kai Kupferschmidt viết trong tạp chí Khoa học.

Khi Bắc Kinh còn có thế lực tại LHQ, Đài Loan có thể sẽ không bao giờ giành được một ghế ở WHO. WHO không thể đảo ngược vấn đề nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh cho dù nhiều nước khác lên tiếng ủng hộ vấn đề này. Trung Quốc có nhiều quyền lực ngoại giao đến mức có thể tuỳ ý sử dụng để “khống chế” WHO.

Và đây là vấn đề cơ bản với WHO khi tổ chức này không thể đối xử với các quốc gia thành viên một cách công bằng vì họ không công bằng. Trong khi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh và các đóng góp tư nhân như Quỹ Gates là những nơi đóng góp lớn nhất cho WHO, thì WHO lại ca ngợi “sự đóng góp ngày càng lớn” của Trung Quốc trong các sáng kiến y tế toàn cầu, trong khi nước này chưa bao giờ là một người góp nhiều quỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới