Monday, January 13, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMối lo ngại về TQ tiếp tục gia tăng tại Hội nghị...

Mối lo ngại về TQ tiếp tục gia tăng tại Hội nghị an ninh Munich lần thứ 56

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 chính thức khai mạc hôm 14/2/2020 với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế.

Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn an ninh của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1963. Sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, Hội nghị An ninh Munich đã có những thay đổi căn bản: thành phần đại biểu được mở rộng; các bên tham gia hội nghị coi trọng bàn thảo nhiều vấn đề liên quan tới an ninh toàn cầu; đối thoại, hợp tác để đối phó với những thách thức, nguy cơ, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế, v.v.

Trong hơn nửa Thế kỷ qua, Hội nghị An ninh Munich đã góp phần tích cực trong việc hóa giải nhiều xung đột, mâu thuẫn, tạo dựng và bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Vì thế, Hội nghị An ninh Munich ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của lãnh đạo, quan chức quốc phòng, an ninh các nước, các tổ chức nghiên cứu chiến lược…, trở thành diễn đàn an ninh uy tín bậc nhất trên thế giới.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh dịch cúm virus corona đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Bên cạnh việc chia sẻ với Trung Quốc sự ủng hộ chung của quốc tế đối với việc chống dịch, các đại biểu tiếp tục lên tiếng chỉ trích về cách hành xử bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Đức Frank – Walter Steinmeier cho rằng thế giới mỗi năm lại càng rời xa mục tiêu tạo ra một thế giới hòa bình thông qua hợp tác quốc tế do các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế và công luận; đồng thời phê phán lập trường của Trung Quốc và các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị 15/2/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là mối lo ngại hàng đầu của Mỹ. Ông Esper nhấn mạnh “Bắc Kinh đã từng tuyên bố đến trước năm 2035 sẽ hoàn tất cải cách toàn bộ lực lượng quân đội nước này và đến năm 2049 sẽ kiểm soát hoàn toàn châu Á”, gây mối lo ngại cho toàn thế giới.

Ông chủ Lầu Năm Góc lên án Trung Quốc ngày càng can thiệp nhiều hơn vào nội bộ của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia phương Tây, để “giành lợi thế bằng mọi cách và mọi giá”. Do vậy, lo ngại của Mỹ về Trung Quốc cũng là mối lo ngại của châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper kêu gọi các nhà lãnh đạo an ninh thế giới “cảnh giác” trước các nỗ lực của Trung Quốc tác động đến các vấn đề thế giới, duy trì các kế hoạch của quốc gia đông dân nhất thế giới để đạt được các mục tiêu của mình bằng mọi cách cần thiết.

Liên quan đến Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phê phán hành vi cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách trái với luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Chúng ta còn nhớ tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 năm 2019, trong phát biểu khi đề cập đến Biển Đông, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thẳng thừng phê phán Trung Quốc tiến hành “quân sự hóa” trên Biển Đông là những “bước đi” đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực và quốc tế.

Ông Esper nhấn mạnh Trung Quốc cần phải tuân thủ các quy tắc quốc tế trong việc thúc đẩy “sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao” của mình; cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách và hành vi thì bảo vệ các quy tắc và trật tự quốc tế phải là ưu tiên “tập thể” của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Trung Quốc đang đặt ra rủi ro rất lớn cho phương Tây; một số vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Châu  như: tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh; nỗ lực gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ, châu Âu; sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Bắc Cực. Trong bài phát biểu, ông Pompeo còn chỉ trích chính sách ngoại giao “các lớn nuốt cá bé”, hù dọa các nước láng giềng của Trung Quốc.

Không để Diễn đàn An ninh Munich là nơi Mỹ công kích Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng ngay lập tức bác bỏ những chỉ trích của Mỹ. Trong phát biểu, ông Vương Nghị nói: “Khi tôi đến đây đã biết thông tin về các quan chức Mỹ nói về Trung Quốc. Một lần nữa họ lại tiếp tục có những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc như thường lệ. Tôi xin khẳng định rằng tất cả các cáo buộc nhằm vào Trung Quốc là không đúng sự thực, không dựa vào bất cứ bằng chứng và thực tế nào”.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị tỏ ra khá đơn độc khi những phát biểu của ông ta không nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu tham dự Hội nghị bởi lẽ tất cả đều bất bình trước những hành động uy hiếp, đe dọa của Bắc Kinh đối với các nước ven Biển Đông trong thời gian qua.

Hội nghị An ninh Munich một lần nữa trở thành nơi đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai bên lời qua tiếng lại chỉ trích lẫn nhau. Nhưng có một thực tế là không chỉ có Mỹ mà nhiều đại biểu từ chính khách cho đến chuyên gia, học giả của các nước khác đã có những ý kiến phê phán chính sách cường quyền của Bắc Kinh. Ngay cả, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, đại diện cho nước chủ nhà cũng đã phải lên tiếng chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong bài phát biểu của mình.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng Trung Quốc đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho phương Tây. Ông nói rằng Mỹ và Châu Âu phải đồng ý với nhau một cách tiếp cận thống nhất để giải quyết ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh trật tự thế giới đang chao đảo, nhiều mối hiểm họa tiềm ẩn có thể gây những biến động phức tạp, khó lường, thì Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết được tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. 

Cộng đồng quốc tế mong muốn các quốc gia tăng cường, mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của của mỗi quốc gia, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Theo đó, các nước ven Biển Đông cũng mong muốn các quốc gia có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì một trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những gì diễn ra tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 cho thấy mối lo ngại về Trung Quốc ngày càng gia tăng, không còn ai có thể tin vào cái gọi là “sự phát triển hòa bình” của Trung Quốc mà nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn mồm ra rả khắp nơi.

Ban đầu, dư luận còn ít hoài nghi về những gì Trung Quốc đã hứa, thậm chí có những ý kiến còn cho rằng sự phát triển của một Trung Quốc với hơn 1,3 tỷ dân sẽ là đóng góp tích cực vào hòa bình ổn định của nhân loại. Tuy nhiên, đến nay các ý kiến như vậy đã dần mất đi sau khi Trung Quốc sử dụng tiềm lực kinh tế phát triển của mình để tập trung phát triển vũ khí và lực lượng quân đội. Cùng với đó là sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và âm mưu dùng tài chính để tạo những “thuộc địa kiểu mới” trên khắp các châu lục thông qua sáng kiến “Vành đai, con đường” đang tạo ra những mối đe dọa mới đối với các nước.

Giữa lúc đang phải chống đỡ với dịch bệnh do virus corona gây ra, những người cầm quyền Bắc Kinh tiếp tục phải nhận những lời chỉ trích mạnh mẽ tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56. Điều này cho thấy Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa đối với các nước ven Biển Đông hay đối với các nước trong khu vực mà còn gây mối lo ngại toàn cầu từ châu Âu đến Châu Mỹ. Hy vọng Bắc Kinh rút ra bài học để tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm.

RELATED ARTICLES

Tin mới