Bùng phát ở Trung Quốc cuối năm 2019, hiện dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) gây ra đã lan tới 6 châu lục trên thế giới, ngoại trừ Nam Cực.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tính đến cuối ngày 26/2, dịch Covid-19 chính thức lan ra 6 châu lục với những diễn biến đáng lo ngại ở cả châu Á, châu Âu. Covid-19 chính thức xuất hiện ở châu Nam Mỹ với việc Brazil ngày 26/2 thông báo ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Tại châu Phi, Algeria cũng ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào hôm qua. Ai Cập cũng không còn “miễn nhiễm” với loại virus chủng mới gây viêm phổi.
Tại châu Á, trong khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc có xu hướng được kiểm soát, dịch lại bắt đầu bùng phát mạnh ở Hàn Quốc. Từ 51 ca cuối tuần trước, hiện Hàn Quốc đã ghi nhận gần 1.300 ca nhiễm và 12 người tử vong, trở thành điểm nóng nhất về dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Ở Trung Đông, biện pháp ứng phó của Iran với dịch Covid-19 đang gây lo ngại khi nước này có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, có thời điểm lên đến 16%. Theo số liệu thống kê của chính phủ Iran, tính đến ngày 26/2, nước này có ít nhất 139 ca nhiễm và 15 ca tử vong vì Covid-19.
Tại châu Âu, Italia có thể coi là điểm nóng nữa của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm tăng vọt lên 400 ca tính đến cuối ngày 26/2 và 12 ca tử vong. Một số quốc gia trong khu vực như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ đều thông báo các ca nhiễm bệnh đầu tiên hoặc các ca nhiễm mới đều là người có liên quan đến Italia. Các ca nhiễm đầu tiên ở Bắc Phi (Algeria) và ở Mỹ Latinh (Brazil) cũng bắt nguồn từ Italia.
Tại châu Úc, tính đến ngày 22/2, Úc ghi nhận tổng cộng 22 trường hợp nhiễm Covid-19.
Tại Bắc Mỹ, ít nhất 59 người Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Canada cũng ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho rằng, vấn đề không phải là liệu Covid-19 có trở thành đại dịch không mà chỉ là vấn đề thời gian “khi nào”.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng còn quá sớm để công bố Covid-19 là đại dịch. “Sử dụng từ đại dịch một cách vội vã không hề có lợi, thậm chí nó còn khiến khuếch đại nỗi sợ hãi và kỳ thị, làm tê liệt các hệ thống. Nó có thể phát đi tín hiệu rằng chúng ta không thể ngăn chặn được virus nữa, điều đó không đúng”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Mặt khác, giới chức WHO cũng khuyến cáo các nước cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó bởi Covid-19 đang “gõ cửa” từng nước. Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Tedros cũng nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở bên ngoài vượt qua Trung Quốc. “Sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm ở Italia, Iran và Hàn Quốc gây quan ngại sâu sắc. Hôm 25/2, lần đầu tiên số ca nhiễm mới bên ngoài vượt số ca nhiễm mới ở Trung Quốc”, ông Tedros nói.