Wednesday, January 1, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại vụ tàu khảo sát Hải Dương 8 và hệ lụy...

Nhìn lại vụ tàu khảo sát Hải Dương 8 và hệ lụy trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10/2019, Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Nhìn lại vụ việc

Từ cuối tháng 6 đến 25/10/2019, Trung Quốc 03 lần đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng nhiều tàu chấp pháp vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Trong giai trên, nhóm tàu của Trung Quốc hoạt động ở vùng thềm lục địa Việt Nam gần Bãi Tư Chính, rồi sau đó đi ngược lên khảo sát một dải biển dọc theo bờ biển miền Nam Trung Bộ, ớ dưới Phan Thiết và phía trên Bình Định, càng ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 km, tức là rất sâu bên trong vùng 200 hải lý của Việt Nam.

Đáng chú ý, theo hệ thống AIS vệ tinh, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc (9/10) tiếp tục đi sâu thêm một cách bất thường vào biển Việt Nam, so với đường khảo sát thứ 6 đã cách 21 hải lý. Nếu tính theo hướng mũi tàu thì hiện giờ tàu này đang cách mũi Đá Vách (cạnh vịnh Cam Ranh) 86,6 hải lý. Đây là điểm sâu nhất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 đạt tới từ tháng 9 đến nay và có lẽ sâu nhất kể từ đợt đầu tiên. Với sơ đồ đường đi vừa vào sâu vừa trải dài, có thể nói hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã bao phủ một diện rộng suốt dọc khu vực biển không thể tranh chấp của Việt Nam, bề dài xấp xỉ 363 hải lý và bề rộng xấp xỉ 73 hải lý. Ngoài thu thập các dữ liệu về dầu khí, khả năng cao nhóm tàu Trung Quốc còn khảo sát bề mặt, địa hình lồi lõm dưới đây biển, biết các luồng lạch mà tàu ngầm có thể di chuyển thuận lợi nhất.

Trung Quốc phạm luật

Hành động của Trung Quốc cho thấy nước này đang vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, DOC, thỏa thuận song phương với Việt Nam…

Đầu tiên, không chỉ là thành viên mà Trung Quốc còn là 1 trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vậy mà Trung Quốc đã không tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của Liên hợp quốc”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Thứ hai, Trung Quốc là một thành viên ký UNCLOS, tuy nhiên, Trung Quốc không những không thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn ngang nhiên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước. Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định Điều 87 UNCLOS, liên quan việc “tôn trọng hợp lý”. Việc hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia không nên ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như cả cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của UNCLOS, nó chỉ ra rằng khi một quốc gia ven biển thiết lập vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo, cần đảm bảo rằng khu vực này liên quan một cách hợp lý đến bản chất và chức năng của hòn đảo nhân tạo ấy, và cũng cần phải đưa ra thông báo về phạm vi của vùng an toàn. Hơn nữa, “đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo cùng với các vùng an toàn bao quanh chúng có thể không được thiết lập nếu chúng ảnh hưởng đến việc sử dụng các tuyến đường biển đã được công nhận thiết yếu đối với đường biển quốc tế”. 

Thứ ba,Trung Quốc đã ký kết DOC với các nước ASEAN năm 2002, tuy nhiên những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi ngược lại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 DOC, theo đó, “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực; Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS”.

Hệ lụy đối với hòa bình, ổn định khu vực

Hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh bất tuân luật quốc tế, muốn đơn phương thực hiện cái gọi là “quyền lịch sử” với toàn bộ Biển Đông. Và việc điều động tàu Hải Dương 8 đi vào EEZ của Việt Nam có thể do chỉ đạo của người phụ trách của công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hoặc quan chức ở cấp cao hơn nhắm tới mục tiêu chính trị. 

Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc điều tàu đến vùng biển của Việt Nam dẫn tới nhiều hệ lụy đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Theo đó, hành động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển Nam Biển Đông thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề lâu nay nước này muốn giải quyết song phương. Ngay sau phản ứng mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7/2019 đã bày tỏ quan ngại trước những báo cáo về việc Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam. Mỹ nhấn mạnh “hành động lặp đi lặp lại” của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ – Thái Binh Dương tự do và cởi mở; đồng thời nhấn mạnh Mỹ kiên quyết phản đối hành vi cưỡng chế và đe dọa từ bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ cũng như hàng hải của mình. Trung Quốc cần kiềm chế tham gia vào những hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này. Bên cạnh đó, các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ sau đó cũng lên tiếng. Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, chỉ trích các hoạt động mang tính khiêu khích của Trung Quốc như quân sự hoá các đảo, phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ông cho rằng mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất với Mỹ và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp chính là Trung Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood cũng coi Bắc Kinh là mối đe dọa an ninh hàng đầu, cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi trật tự toàn cầu, theo hướng tốt lên hoặc xấu đi.

Không những vậy, việc điều tàu lần này của Trung Quốc có thể dẫn tới sự trì hoãn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Bắc Kinh và ASEAN. Theo đó, sự trì hoãn này sẽ làm thất bại ý đồ của Trung Quốc là “dùng COC để thuyết phục các nước có tranh chấp hợp tác khai thác tài nguyên, loại trừ sự can dự của các nước ngoài khu vực”. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không muốn các nước ngoài khu vực can thiệp vào đàm phán giữa Bắc Kinh với các nước cùng có tranh chấp và ASEAN. Viễn cảnh đạt được thỏa thuận COC, bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý, vẫn còn chặng đường dài phía trước. Trung Quốc và ASEAN khởi động thảo luận COC từ 2013 nhưng đến tận tháng 8/2018, hai bên mới thống nhất được dự thảo văn bản của COC, điều được coi là “một tiến triển lớn”.

Trong bối cảnh đó, để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như thúc đẩy các biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển, Trung Quốc cần chấm dứt các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới