Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ và Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) diễn ra vào ngày 4/11/2019 tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức tuyên bố Ấn Độ rút khỏi RCEP, do cho rằng hình thức hiện tại của RCEP không phản ánh tinh thần cơ bản và những nguyên tắc định hướng đã được thỏa thuận trước đây. Hơn 4 tháng sau quyết định trên, giới chuyên nghiên cứu đã đưa ra nhiều bình luận, phân tích về nguyên nhân, tác động từ động thái này.
Những nhân tố khiến Ấn Độ quyết định rút khỏi RCEP
Về những nhân tố từ nội tại Ấn Độ: (1) Liên quan đến tình hình chính trị, Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đã không giành chiến thắng tại hai cuộc bầu cử cấp bang vào tháng 10/2019. Người dân Ấn Độ cho rằng, các chính sách của Chính phủ chỉ có lợi cho tầng lớp người giàu thay vì người nghèo. Nếu tham gia RCEP, Ấn Độ có thể phải đối mặt với làn sóng phản đối gia nhập hiệp định của lực lượng cử tri là các doanh nghiệp, hiệp hội, nông dân, người lao động và người tiêu dùng Ấn Độ. (2) Kinh tế Ấn Độ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 6 năm qua. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ đã giảm 5 quý liên tiếp. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) phải cắt giảm lãi suất 5 lần trong năm 2019 để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế và nhấn mạnh thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách bằng việc hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 6,1%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 2019 từ 7,6% xuống 6%, đồng thời cảnh báo ngành tài chính của Ấn Độ có thể suy giảm nghiêm trọng. Trong khi Chính phủ Ấn Độ chịu nhiều áp lực trong việc giải quyết tình hình kinh tế trong nước, thỏa thuận thương mại lớn như RCEP nhiều khả năng sẽ đẩy các doanh nghiệp và người nông dân Ẩn Độ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với 15 quốc gia khác trong RCEP.
Về những nhân tố khách quan: (1) Chính phủ Ấn Độ lo ngại nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng. Ở thời điểm chịu nhiều khó khăn do cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ và RCEP là một cơ hội lớn. Thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Trung Quốc đạt mức 95,5 tỷ USD (2018), tuy nhiên, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Ấn Độ là 53 tỷ USD. Đây là lý do chính khiến Ấn Độ từ chối tham gia RCEP do Ấn Độ muốn giữ một số biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế trước Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không nhượng bộ. (2) Ấn Độ đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước nhưng chưa tận dụng tốt các tiềm năng này. Nhiều chuyên gia kinh tế của Ấn Độ cho rằng, việc nước này tham gia RCEP là chưa cần thiết. Trong vòng 10 năm qua, Ấn Độ đã ký FTA với Sri Lanka, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, nhập khẩu của Ấn Độ từ các quốc gia ký FTA đã tăng, trong khi xuất khẩu của Ấn Độ tới những nước này lại chưa tăng tương xứng. Ấn Độ luôn bị thặng dư thương mại so với 11/15 quốc gia của RCEP.
Tác động đến sự phát triển của Ấn Độ và khu vực
Một là, Ấn Độ lo ngại những tác động của RCEP khi mở cửa sẽ khiến thị trường nước này ngập tràn hàng hóa từ các nước khác cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực nông nghiệp và người dân ở nông thôn. Hoạt động nông nghiệp của Ấn Độ phần lớn còn thô sơ, không có sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại, các hoạt động đóng gói, chế biến và lưu trữ còn hạn chế. Trước thực trạng trên, nếu tham gia RCEP, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ gặp phải khủng hoảng kinh tế – xã hội khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nước, như Australia, New Zealand, Nhật Bản… với năng lực sản xuất nông nghiệp tiên tiến hơn nhiều. Vì vậy, để bảo hộ các ngành dễ bị tổn thương này, Thủ tướng Modi đã đưa ra quyết định Ấn Độ rút khỏi RCEP. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù động thái này có vẻ hợp lý ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ có tác động sâu rộng đến Ấn Độ trong thời gian dài, nhất là khi nước này có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng khu vực và tiếp tục thúc đẩy xu hướng kinh tế hướng nội.
Hai là, việc Ấn Độ không nằm trong hai cấu trúc thương mại lớn của khu vực là RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ khiến nước này khó đạt được tham vọng trở thành trung tâm sản xuất hay cường quốc toàn cầu, đồng thời cũng tạo ra thách thức lớn trong việc duy trì sự can dự của các nước lớn và thúc đẩy tự do thương mại, cũng như chủ nghĩa đa phương của khu vực.
Ba là, việc Ấn Độ rút khỏi RCEP khả năng làm tăng cách biệt trong cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp của Ấn Độ và Trung Quốc, dù các lo ngại về tác động kinh tế – xã hội đối với những ngành dễ bị tổn thương là không thể bỏ qua. Từ đó, cũng thấy rõ hơn tốc độ cải cách toàn diện của Ấn Độ khá chậm đối với các chính sách tìm kiếm đối tác bên ngoài và tham gia chuỗi cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, việc Ấn Độ không tham gia RCEP đã được dư luận cũng như các chuyên gia dự đoán từ trước, do sức ép từ trong nước và các bên liên quan. Thế nhưng, động thái này cho thấy, Ấn Độ ngày càng đề cao bảo hộ sản xuất trong nước và có mục tiêu ưu tiên là giải quyết thâm hụt thương mại với các nước. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai gần, Ấn Độ khó có khả năng ký thêm các FTA và sẽ sớm xem xét lại các FTA đã ký với ASEAN, Hàn Quốc hay Nhật Bản do thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.
Các đánh giá xung quanh quyết định của Ấn Độ
Giới học giả của Ấn Độ nhận định, Thủ tướng Modi rất quan tâm đến tác động của RCEP đối với cuộc sống của người dân. Vì vậy, đây là một quyết định đúng đắn vì lợi ích quốc gia và bởi RCEP chưa bảo đảm được những gì mà Ấn Độ yêu cầu, những vấn đề quan trọng về lợi ích cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, tham gia RCEP sẽ tạo ra nguy cơ hàng triệu người lao động Ấn Độ bị mất việc làm. Theo tờ Bloomberg Opinion, quyết định không gia nhập RCEP có lợi cho tất cả các bên. Học giả tại Đại học Tổng hợp John Hopkins nhận định, quyết định của Ấn Độ là một chiến thuật thương lượng nhằm có được nhượng bộ lớn hơn từ các nước thành viên RCEP và cắt giảm có lợi hơn cho Ấn Độ. Tuy nhiên, những người phản đối Thủ tướng Modi cho rằng, quyết định này phản ánh sự “yếu ớt” của Chính phủ trước cuộc vận động hành lang mạnh mẽ của những người theo xu hướng bảo hộ. Chuyên gia phân tích kinh tế chính trị tại Mumbai là Ajit Ranade lại cho rằng, Ấn Độ cần RCEP để thúc đẩy cải cách, không nên từ bỏ RCEP chỉ vì e ngại làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc và vì bảo vệ quyền lợi của một số nhà sản xuất nhỏ.
Trong khi đó, giới học giả khu vực cho rằng lý do khiến Ấn Độ rút khỏi RCEP chủ yếu do sức ép nội tại của nước này như thâm hụt ngân sách, lo ngại mất thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài… Chính sách “hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi sẽ bị trở ngại nếu Ấn Độ đứng ngoài RCEP và làm mất vai trò cường quốc của Ấn Độ trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không có Ấn Độ, RCEP sẽ giống như một thỏa thuận châu Á – Thái Bình Dương hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dù Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 10% GDP của RCEP nhưng lại là nước đông dân thứ hai trên thế giới, chiếm 40% thị trường thương mại RCEP. Còn Trung Quốc cho biết, 15 quốc gia còn lại sẽ tiếp tục hoàn tất đàm phán để ký kết RCEP vào năm 2020 và Ấn Độ được hoan nghênh gia nhập RCEP bất cứ khi nào nước này sẵn sàng. Truyền thông Nhật Bản nhận định, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe muốn “giữ” Ấn Độ trong khuôn khổ RCEP. Quyết định của Ấn Độ được so sánh tương tự như quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ D.Trump trước đây.