Việc Trung Quốc (2019 – 2020) liên tục đưa tàu khảo sát địa chất vào hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, mà còn đi ngược lại các quy định của Luật pháp quốc tế. Trước những hành động, âm mưu của Trung Quốc, Việt Nam cần triển khai tổng hợp các biện pháp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông.
Âm mưu không đổi
Từ 2019 đến nay, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển phía Nam Biển Đông, tàu Hải Dương Thạch Du khảo sát trái phép trong khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy vị trí địa lý, thời điểm Trung Quốc tiến hành khảo sát trái phép khác nhau, nhưng đều có chung âm mưu, theo đó:
Âm mưu độc chiếm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, hản sản ở Biển Đông để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc điều trái phép tàu thăm dò địa chất và lực lượng chấp pháp xâm phạm vùng biển của Việt Nam là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, kích động tinh thân dần tộc và lòng yêu nước của người dân, để lái hướng sự chú ý của người dân đối với tình hình Hồng Công, sự suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ, diễn biến tình hình dịch bệnh do vi rút COVID-19 gây ra. Ngoài ra, qua hành động phi pháp trên, Trung Quốc cũng muốn lôi kéo sự chú ý của Mỹ và phương Tây vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hòng phân tán sự chú ý và can thiệp của Mỹ và phương Tây vào vấn đề Hồng Công, Tây Tạng, Đài Loan và dịch bệnh.
Trung Quốc đang âm mưu xâm chiếm vùng biển của Việt Nam. Theo thông tin trên, căng thẳng xảy ra ở khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam dựng nhà giàn DK 1. Đây là khu vực đã từng xảy ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2017 khi Trung Quốc ép Việt Nam phải yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ khoan thăm dò dầu khí ở lô 136/03. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) – một trang chuyên theo dõi các hoạt động ở Biển Đông qua các hình ảnh vệ tinh – vụ đối đầu xảy ra ở cách Bãi Tư Chính của Việt Nam khoảng hơn 100 hải lý về phía Bắc, tức nằm gần hơn về phía Tây quần đảo Trường Sa. Khu vực mà tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc đi qua cũng nằm trong khu vực 9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra mời thầu vào tháng 6 năm 2012. Chín lô này nằm sâu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, trùng với một loạt các lô dầu khí khác mà Việt Nam đang khai thác từ lô 128 đến 132 và từ lô 145 đến 156. Theo chuyên gia Greg Poling, Trung Quốc đòi chủ quyền với vùng nước lịch sử trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn. Nhưng cả khi không có đường đứt khúc, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa và đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với quần đảo này. Bắc Kinh sẽ đòi chủ quyền vùng này vì nó nằm trong khoảng 200 hải lý từ quần đảo Trường Sa, dù có hay không có đường đứt khúc 9 đoạn.
Không những vậy, thông qua hành động trên, Trung Quốc muốn ngăn cản và đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài “không được hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Trên thực tế, Trung Quốc điều tàu thăm dò xâm nhập trái phép Bãi Tư Chính của Việt Nam không nhằm mục đích vì dầu khí. Theo các chuyên gia, không có công ty nước ngoài nào sẵn sàng tham gia đấu thầu các lô này vì không có công ty nào thấy hiệu quả vì việc đưa khí từ đó vào đất liền Trung Quốc là hiệu quả. Việc lắp đặt ống đưa khí đốt vào đất liền đi qua vùng nước tranh chấp là quá xa và hiện không hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu họ có thể khiến công ty nước ngoài tham gia đâú thầu vào một trong nhưng lô mời thầu năm 2012 ở phía bắc Bãi Tư Chính thì đó là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Trung Quốc. Họ có thể nói là công ty nước ngoài thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của họ. Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales của Australia cho rằng cũng có khả năng vụ đụng độ nằm ở gần khu vực nơi Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992. Nếu vị trí này được xác nhận thì khu vực này cũng là thuộc các lô dầu khí 133 và 134 của Việt Nam. Nếu vị trí của tàu khảo sát Trung Quốc thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa), thì đây sẽ là khu vực cực kỳ nhậy cảm với Việt Nam. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây.
Ngoài ra, Trung Quốc tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế về yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”. Trung Quốc coi “đường 9 đoạn” là đường trung tuyến giữa phần lãnh thổ là đảo của Trung Quốc với các quốc gia tiếp giáp trên Biển Đông, coi khu vực trong “đường 9 đoạn” là vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Bắc Kinh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi khu vực này là “vùng nước lịch sử”, viện cớ rằng “đường 9 đoạn” đã tồn tại hơn sáu mươi năm và không quốc gia nào tỏ ý phản đối sự tồn tại của đường này kể từ khi Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ, Cộng hòa Trung Hoa sau này, dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, in Bản đồ vị trí các đảo Biển Nam Trung Hoa (Nanhai zhudao weizhi tu) vào năm 1947. Trung Quốc cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS để diễn giải, lừa bịp cộng đồng quốc tế về cái gọi là “chủ quyền hợp pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông nhằm: Cho phép Trung Quốc cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực biển này vì, trong trường hợp này phần biển trong “đường 9 đoạn” sẽ được coi là vùng lãnh hải của Trung Quốc; cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhờ đó tàu ngầm, tàu chiến của Trung Quốc có thể hoạt động tự do ở Biển Đông; gia tăng khả năng kiểm soát tình hình eo biển Đài Loan; ngăn cản Mỹ và các nước đồng minh hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Giải pháp nào bảo vệ chủ quyền trên biển
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam. Kiên quyết phản đối bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông là việc làm hoàn toàn chính đáng và rất cần thiết trong bối cảnh có những tranh chấp phức tạp đang diễn ra hiện nay, nhất là trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.
Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông Việt Nam cần chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu. Tuyệt đối không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó với tình hình trên thực địa, như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi; Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu; các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế cần đúng thủ tục pháp lý quốc tế và các cam kết khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục các hoạt động phản đối về mặt ngoại giao với Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tiếp xúc song phương, trao công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh, qua các kênh Đảng, chính quyền và các kênh có thể có. Tất cả tài liệu phản đối sau này sẽ được sử dụng trong cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền. Trên thực địa, Việt Nam cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì phản đối các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc. Việt Nam cũng cần tăng cường các hoạt động truyền thông để cung cấp cho nhân dân trong nước và các bạn bè quốc tế biết về hoạt động của các tàu Trung Quốc và những hoạt động đấu tranh của Việt Nam. Cần cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trên bản đồ và các bảng số liệu. Nên tổ chức các chuyến đưa phóng viên trong nước và nước ngoài tới hiện trường Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam để lan tỏa thông tin, khẳng định tính chính danh của Việt Nam.
Không những vậy, Việt Nam cần tận dụng tất cả diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là các diễn đàn ASEAN và Liên Hiệp Quốc để thông báo cho bạn bè thế giới biết về các hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc cũng như các nỗ lực kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cần gửi công hàm tới tổng thư ký, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để phản đối Trung Quốc và khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam; Vận động để tìm cơ hội điều trần tại nghị viện các nước, đặc biệt là Mỹ và các nước lớn khác, về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông và vùng biển Việt Nam để các nước khác hiểu và tham gia đấu tranh chống các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; Vận động Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông do các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cùng đề xuất và đưa ra. Theo đó, dự luật này yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt các tổ chức, cá nhân Trung Quốc đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động cải tạo đất, bồi đắp đảo, xây hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động tại Biển Đông, hoặc đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định của các khu vực trên biển Hoa Đông… Trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc đang xâm phạm, cản trở hoạt động dầu khí vùng biển Việt Nam, Malaysia và Philippines, việc nghị viện Mỹ thông qua dự luật này sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế thích hợp về việc Trung Quốc xâm phạm và hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam; cần tăng cường hợp tác cả về chính trị, ngoại giao và quốc phòng với các nước ASEAN và các nước khác, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, EU, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức… để tăng cường sức mạnh của mặt trận đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông và chống lại các hành động bành trướng, bắt nạt của Trung Quốc trên biển Đông và vùng biển Việt Nam.