Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnĐòn nắn gân mở màn năm 2020 của Bình Nhưỡng

Đòn nắn gân mở màn năm 2020 của Bình Nhưỡng

Theo thông tin từ phía Hàn Quốc, hôm 2/3, Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa chưa được xác định. Đây là vụ thử đầu tiên trong năm 2020. Các tên lửa được phóng từ Wonsan, thuộc bờ biển phía Đông, hướng về phía biển Nhật Bản.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm mới (kể từ ngày 28/11/2019). Động thái này cũng đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa từ Wonsan, kể từ khi thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) vào ngày 3/10/2019.

Vụ bắn tên lửa hôm 2/3 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên tập trận quân sự ở bờ biển phía Đông, cũng là cuộc tập trận đầu tiên trong năm 2020, diễn ra sau nhiều tháng Mỹ và Triều Tiên “đóng băng” các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có thể xem đây là đòn “nắn gân” của Bình Nhưỡng đối với Washington.

Vụ bắn tên lửa có thể xem là sự đe dọa đối với Mỹ, bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần khẳng định nước này sẽ phát triển vũ khí chiến lược cần thiết trong năm 2020. Hiện biên giới Triều Tiên đã bị đóng cửa kể từ cuối tháng 1/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Vì sao Bình Nhưỡng vẫn gia tăng hoạt động quân sự, liên tục bắn tên lửa, bất chấp các tuyên bố ngọt ngào từ các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Bạn đọc đã biết, toàn bộ số vũ khí hạt nhân trên toàn cầu hiện nay nếu được sử dụng thì có năng lực hủy diệt nhiều lần trái đất. Nhân loại tiến bộ mong muốn cháy bỏng là phi hạt nhân hóa thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên. Đó là lối thoát duy nhất cho hòa bình, ổn định và sự sinh tồn của loài người. Các cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga đều ý thức rõ điều này. Họ đã có nhiều động thái thực tế để ngưng sản xuất vũ khí ở mỗi quốc gia tương ứng.

Mỹ và Nga còn có những động thái cứng rắn để cắt giảm kho vũ khí chết người này. Những nỗ lực đó là đáng đáng khích lệ. Hai siêu cường cũng cố gắng để không có thêm quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân, tìm mọi giải pháp ngăn chặn vũ khí hạt nhân rơi vào tay các thế lực khủng bố.

Tuy nhiên, để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Mỹ không thể ỷ vào sức mạnh quân sự. Không thiếu các nhân vật bên trong chính nước Mỹ (như cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon của Nhà Trắng) phủ nhận tính khả thi của giải pháp này.Nga đã có cái nhìn rất thực tế khi liên tục khẳng định: đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chỉ có thể theo đuổi giải pháp ngoại giao và chính trị.

Một lúc nào đó, giả sử Mỹ tấn công Triều Tiên thì chắc chắn các đồng minh của họ là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gánh chịu thiệt hại nhiều bề. Bởi hai nước này nằm kề Triều Tiên, ở trong tầm bắn hiệu quả của nhiều loại tên lửa Triều Tiên.

Mỹ cũng muốn “nhờ” Trung Quốc tác động đến Triều Tiên. Nhưng mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên trong thời gian qua đã rạn nứt. Triều Tiên vốn có tư tưởng độc lập rất mạnh, không muốn lệ thuộc vào một nước lớn (tuy có cùng thể chế chính trị). Có một thực tế, qua nhiều đợt “điều chỉnh nhân sự” số cán bộ gần gũi Trung Quốc không còn nhiều trong chính giới Triều Tiên.

Như vậy, giải pháp chủ yếu và bền vững ở là Mỹ nên thừa nhận thực tế về đất nước Triều Tiên – một thành viên của Liên hợp quốc. Từ đó xây dựng cơ chế bảo đảm an ninh của Triều Tiên không bị Mỹ đe dọa. Việc có thể làm ngay là rút quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc, rút hoàn toàn hoặc rút từng bước.

Chỉ có như vậy thì Bình Nhưỡng mới có thể tạm dừng việc “thử” tên lửa, tiến tới phi hạt nhân hóa. Chả có ai dại gì buông hết vũ khí, mở toang cửa khi chung quanh đầy rẫy những đe dọa bất an.

                        

RELATED ARTICLES

Tin mới