Trước năm 1988, Bắc Kinh hoàn toàn không có mặt ở Trường Sa (Ba Bình do chính quyền Trung hoa Dân quốc ở Đài Loan đóng giữ). Lợi dụng tình hình khó khăn của Việt Nam cuối những năm 80, Trung Quốc đã cho lính hải quân đánh chiếm các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa tạo chỗ đứng cho họ ở phía Nam Biển Đông để thực hiện tham vọng của họ ở Biển Đông.
Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả. Ở vào thời điểm đó, Liên Xô – chỗ dựa lớn nhất của Việt Nam cũng lâm vào khủng hoảng chính trị – xã hội. Bắc Kinh đã tranh thủ thời cơ này để đánh chiếm các cấu trúc ở Trường Sa. Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhiều chuyên gia quân sự phân tích Trung Quốc dùng vũ lực gây ra cuộc thảm sát dã man làm cho 64 binh sĩ Việt Nam đã hi sinh để chiếm bằng được đá Gạc Ma vì: Ý đồ của Trung Quốc là tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang Biển Đông, cài răng lược với các đá, đảo mà Việt Nam đang quản lý. Gạc Ma là một bãi đá nằm cài răng lược ở cụm đảo Nam Yết – Sinh Tồn, cách các đá khác do Việt Nam quản lý không xa.
Trung Quốc có chủ trương đánh chiếm Gạc Ma từ lâu nhằm phục vụ ý đồ lâu dài ở Biển Đông. Trước đó, đầu năm 1988 họ đã tung lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp 5 cấu trúc khác ở Trường Sa, trong đó có đá Chữ Thập. Tiếp đó năm 1995, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm bãi Vành Khăn khi đó đang do Philippines kiểm soát.
Chữ Thập, Gạc Ma và Vành Khăn nằm trên một vĩ tuyến, trong đó Gạc Ma nằm gần ở giữa (Chữ Thập cách Gạc Ma khoảng 135 km. Gạc Ma cách Vành Khăn khoảng 170 km). Với việc chiếm được 3 cấu trúc này Trung Quốc có thể khống chế quần đảo Trường Sa từ Tây sang Đông, giúp Trung Quốc kiểm soát đường tiếp tế của Việt Nam từ đất liền ra các đảo của Việt Nam quản lý và kiểm soát đường tiếp tế của Philippines từ lãnh thổ của Philippines ra các vị trí mà Philippines đang đóng giữ ở Trường Sa.
Trung Quốc chiếm đóng các vị trí này còn với ý đồ tạo chỗ đứng để kiểm soát vùng biển thuộc quyền chủ quyền phía Nam của Việt Nam và kiểm soát vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Philippines vì Đá Chữ Thập nằm sát mép cùa vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, cách không xa các bãi ngầm Tư Chính, Vũng Mây trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó Đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Philippines.
Ngay sau khi chiếm đóng các cấu trúc ở Trường Sa, trong những năm 90 của Thế Kỷ 20, Trung Quốc đã ngay lập tức cho bồi đắp và xây dựng các công trình trên các cấu trúc này với quy mô vừa phải, phù hợp với điều kiện kinh tế của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Bước vào thập kỷ thứ 2 của Thế kỷ 21, khi nền kinh tế Trung Quốc đã có bước phát triển vượt bậc với tiềm lực kinh tế đứng hàng thứ 2 (sau Mỹ), cùng với đó tiềm lực quân sự, nhất là hải quân được tăng cường mạnh mẽ, giới cầm quyền Bắc Kinh lấn thêm một bước khi tiến hành bồi đắp, mở rộng các cấu trúc mà họ chiếm đóng ở Trường Sa với quy mô lớn (xây dựng đường băng dài trên 3km phục vụ các máy bay chiến đấu và cầu cảng đủ tiêu chuẩn cho tàu chiến neo đậu…).
Việc bồi đắp, mở rộng bố trí vũ khí, tên lửa và các trang thiết bị quân sự được Trung Quốc đẩy mạnh từ năm 2014 khi mà dư luận quốc tế đang bận tập trung vào vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam.
Đến nay, về cơ bản Trung Quốc đã biến các cấu trúc mà họ chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo, các tiền đồn quân sự phục vụ cho mưu đồ mở rộng xâm lấn vào vùng biển của các nước ven Biển Đông và thực tế năm 2019 đã chứng minh chính Đá Chữ Thập là nơi xuất phát cũng như neo đậu của các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 (trong đó có tàu địa chất Hải Dương 08) và cũng là nơi xuất phát của tàu hải cảnh và các tàu cá Trung Quốc xâm lấn vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia hồi cuối tháng 12/2019 và đầu tháng 01/2020.
Tàu khảo sát, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc cũng xuất phát từ các cấu trúc khác mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa để tiến hành các hoạt động xâm lấn vùng biển của Philippines hay xâm nhập quấy nhiễu hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng biển của Malaysia.
Về mặt pháp lý, thời gian qua Trung Quốc dựa vào việc chiếm đóng bất hợp pháp 7 cấu trúc ở Trường Sa để đưa ra cái gọi là “Tam Sa” rồi “Tứ Sa” để đòi một vùng biển rộng lớn hơn xuống phía Nam Biển Đông dưới các khái niệm mơ hồ “vùng nước liên quan” hay “vùng nước phụ cận” không có trong các quy định của luật pháp quốc tế.
Âm mưu chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc là xuyên suốt. Trung Quốc đã có một lộ trình thực hiện tham vọng này khá hoàn hảo và được thực hiện theo từng bước một cách bài bản. Trước tiên, họ dùng vũ lực đánh chiếm 7 cấu trúc ở Trường Sa; tiếp đó họ tiến hành mở rộng, bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc này. Và hiện họ đang cho vận hành các công trình trên các cấu trúc này phục vụ cho hành vi xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông, đồng thời xây dựng những lập luận để bảo vệ cho yêu sách quá đáng của họ ở Biển Đông.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc đã ra phán quyết, trong đó khẳng định không có bất cứ cấu trúc nào thuộc quần đảo Trường Sa (kể cả Ba Bình) đủ điều kiện theo quy định của Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa vùng lãnh hải 12 hải lý.
Do vậy, việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa đã là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhưng việc Bắc Kinh dùng việc chiếm đóng bất hợp pháp các cấu trúc này để yêu sách một vùng biển rộng lớn trên Biển Đông lại càng vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.
Phán quyết 12/7/2016 của Toà Trọng tài cũng đã làm rõ rằng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm nghĩa vụ của nước này bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Do vậy, việc Trung Quốc biến những cấu trúc này thành những căn cứ quân sự để sử dụng xâm lấn vùng biển các nước ven Biển Đông lại càng vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế.
Là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực của Hiến chương Liên hợp quốc khi sử dụng vũ lực đánh chiếm 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa (thậm chí gây ra cuộc thảm sát đẫm máu khi đánh chiếm Gạc Ma) để làm bàn đạp cho việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Trong 32 năm qua kể từ khi Trung Quốc đánh chiếm các cấu trúc ở Trường Sa, nhà cầm quyền Bắc Kinh tiếp tục bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế và công luận quốc tế tiếp tục thực hiện các hoạt động mở rộng, bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông và biến những cấu trúc họ chiếm đóng ở Trường Sa thành các căn cứ để tiếp tục mở rộng xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông.
Những việc làm của nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể tạo ra cái gọi là “chủ quyền” cho Bắc Kinh mà chỉ càng làm sáng tỏ chính sách bá quyền, bành trướng và tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ, tạo mối lo ngại đối với các nước ven Biển Đông nói riêng và cộng đồng quốc tế Bắc Kinh.