Báo chí Mỹ và phương Tây có nhiều phân tích, đánh giá về tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với Trung Quốc hiện nay, trong đó cho rằng địa vị thống trị của Bắc Kinh trên thế giới trong 30 năm qua sẽ chấm dứt do dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh sẽ đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển doanh nghiệp khỏi Trung Quốc và thời đại Trung Quốc là “nhà máy của thế giới” sẽ sớm biến mất.
Tạp chí “Forbes” của Mỹ
Tạp chí “Forbes” của Mỹ số ra ngày 1/3 đã đăng bài viết cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ trở thành màn cuối cùng của việc Trung Quốc chiếm giữ vị thế của một quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo trong gần 30 năm qua. Trích dẫn bình luận của ông Vladimir Signorelli, người đứng đầu Viện nghiên cứu “Bretton Woods”, một công ty nghiên cứu đầu tư vĩ mô, cho rằng mô hình “lấy Trung Quốc làm trung tâm” sẽ kết thúc. Do yếu tố giá thành sức lao động ở Trung Quốc không ngừng gia tăng và các biện pháp giám sát quản chế liên quan đến bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt, ngay từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, bước đi của các công ty các nước tìm kiếm nơi có chi phí sản xuất thấp hơn để chuyển đến đã bắt đầu.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, bước đi này đã tăng tốc đáng kể. Các công ty không muốn đối mặt với sự không chắc chắn gây ra bởi thuế quan cao đối với hoạt động của họ. Một số dây chuyền sản xuất đang được chuyển đến Việt Nam, Bangladesh và các nơi khác nhau ở Đông Nam Á. Dịch bệnh Covid-19 đã trở thành “buổi biểu diễn cáo biệt” cuối cùng của Trung Quốc và thời đại là “nhà máy của thế giới” chi phí thấp của Trung Quốc sẽ sớm một đi không trở lại. Nếu ông Donald Trump thành công trong việc tái đắc cử, sẽ chỉ đẩy nhanh hơn quá trình này, bởi vì các công ty lo lắng rằng giai đoạn thứ hai của cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ thất bại.
Tờ “Financial Times” của Anh
Tờ “Financial Times” của Anh ngày 1/3 đã đưa tin, dịch bệnh Covid-19 đang thúc đẩy Google và Microsoft di chuyển khỏi Trung Quốc. Điện thoại Pixel Google và máy tính xách tay Surface Microsoft “Made in Vietnam” dự kiến sẽ có mặt vào năm 2020. Bài báo dẫn nguồn hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã của Trung Quốc hco biết, Trung tâm Khảo sát nghiệp vụ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và Hội liên hiệp Logistic và Mua hàng Trung Quốc ngày 29 tháng 2 đã công bố dữ liệu cho thấy, tháng 2, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chỉ số quản lý thu mua hàng sản xuất của Trung Quốc (PMI) là 35,7 %, giảm 14,3 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tờ “Financial Times” bình luận về sự sụt giảm mạnh của PMI Trung Quốc trong tháng 2, cho rằng sự sụp đổ của các hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã vượt quá sự sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng trong việc khởi động lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào ngày 23/2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trong khi tham dự một hội nghị để điều phối sự tiến bộ của công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh viêm phổi mới và phát triển kinh tế và xã hội, trong đó đưa ra yêu cầu 8 điểm về phục hồi công tác và sản xuất.
Tờ “New York Times”, “The Washington Post” của Mỹ
Các tờ báo này trích dẫn các số liệu thống kê về sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc sau khi có dịch Covid-19. Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi được coi là tâm điểm của dịch bệnh, đường sá, doanh nghiệp và nhà xưởng vẫn tiếp tục đóng cửa, chỉ chừa lại các dịch vụ thiết yếu. Trên toàn Trung Quốc, nhiều nhà máy cũng không tránh khỏi tình trạng này, kéo theo chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Tổ chức xếp hạng Moody đã hạ dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 5,7% xuống còn 5,2% trong năm 2020. Để giúp nền kinh tế, vốn đã bị “nghiền” bởi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn 18 tháng với Hoa Kỳ, chống lại dịch virus Covid-19, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt gói cứu trợ như giảm lãi suất vay, gia hạn các khoản vay, giảm và miễn trừ thuế cùng với việc bơm 1.200 tỷ NDT (tương đương 174 tỷ USD) để duy trì thanh khoản trên thị trường. Trong ngày 15/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm (MLF) từ 3,25% xuống 3,15% đối với các khoản vay tổng trị giá khoản 200 tỷ NDT (28,65 tỷ USD). Động thái này dự kiến sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm giúp giảm chi phí vay và giảm bớt căng thẳng tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết những hành động này chỉ có thể giảm bớt căng thẳng tài chính trước mắt mà không giải quyết triệt để được những vấn đề mà cỗ máy sản xuất Trung Quốc đang đối mặt và các chuỗi cung ứng trở nên quá mỏng manh để đổ vỡ.
Tờ “Wall Street Journal” (Mỹ), BBC (Anh)
Hai tờ báo này cho rằng kể từ năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh xảy ra xung đột thương mại nghiêm trọng với Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong năm 2019 chỉ đạt 6,1%, chạm mức thấp nhất trong vòng 29 năm trở lại đây. Sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Covid-19 là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có thể khiến tăng trưởng GDP quý 1/2020 của Trung Quốc giảm thấp kỷ lục còn 5%. Trích nhận định của ông Dan Alpert, Giám đốc điều hành của Ngân hàng đầu tư Westwood Capital, dự báo Trung Quốc có thể buộc phải phá giá đồng nội tệ trong quý 2/2020 để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của nước này. Điều này cũng giúp níu kéo các doanh nghiệp nước ngoài vốn đang lên kế hoạch di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục ở lại. Tuy nhiên, việc phá giá đồng nội tệ sẽ vi phạm thoả thuận thương mại Giai đoạn 1 mà Trung Quốc mới ký với Mỹ hồi giữa tháng 1/2020.
Kênh truyền thông CNBC của Mỹ
Hãng tin CNBC lời ông Hyman, Chủ tịch Evercore ISI khẳng định dự báo “mức tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ chỉ là 0% trong quý đầu tiên. Nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự chậm lại và khiến tất cả lo lắng”. Hiện các thị trường hàng không và du lịch Trung Quốc rơi vào tình trạng tê liệt khi chính phủ nước này ra lệnh cấm du lịch trong và ngoài nước, đồng thời phong tỏa 15 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc, với thủ phủ Vũ Hán là tâm chấn của dịch virus corona. Tiêu dùng của Trung Quốc cũng lao đao khi các rạp chiếu phim bị đóng cửa, những sự kiện giải trí lớn bị hủy bỏ, người dân nhiều thành phố lớn hạn chế ra đường, không vui chơi mua sắm vì sợ virus corona.