Các nước châu Âu dường như không tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc chiến với dịch corona, trong khi số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng lên.
Sau khi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), châu Âu đã phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bằng các biện pháp cứng rắn, vừa phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế khi khu vực này đang đứng trên bờ vực của sự suy thoái.
Giới phân tích cho rằng, sự miễn cưỡng và do dự của một số quan chức châu Âu khiến khu vực này rất khó để có thể thực thi một cách tiếp cận quyết liệt và mạnh mẽ trong việc đối phó với dịch Covid-19.
Theo các nhà phân tích, việc đánh giá thấp một cuộc khủng hoảng toàn cầu, cùng với sự đấu tranh của các chính phủ trong việc phối hợp hành động trên phạm vi toàn châu lục, rốt cuộc sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng trong tương lai cũng như sự ổn định xã hội của khu vực châu Âu.
Các cuộc đấu tranh như vậy cũng cho thấy rằng, các nước phương Tây vẫn đang “lạc lối” trong việc cân bằng giữa một bên là ngăn kịch bản sụp đổ về kinh tế và một bên là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Giới phân tích cảnh báo châu Âu cần ngay lập tức chuyển hướng ưu tiên sang công tác kiểm soát dịch bệnh vì việc phản ứng chậm chạp và không nỗ lực hết sức sẽ dẫn tới một kết quả thảm họa, biến cuộc khủng hoảng y tế thành cuộc khủng hoảng chính trị xã hội.
Thị trường toàn cầu đã “chao đảo” vào ngày 9/3 trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng lên tại Mỹ, còn tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu đi sau khi Italia thực thi các biện pháp phong tỏa chưa từng có tiền lệ. Pháp và Đức đều xác nhận số ca nhiễm vượt qua mức 1.000 người, chỉ vài ngày sau khi giới chức địa phương tại Đức bác bỏ lệnh cấm đi lại trong toàn khối EU.
Dịch Covid-19 đã dẫn tới 11.998 ca nhiễm bệnh ở châu Âu, chiếm khoảng 11% trong tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới. Ở bên ngoài Trung Quốc, tổng số ca nhiễm đã lên tới hơn 28.000 trường hợp, trên tổng số hơn 109.000 ca nhiễm trên toàn cầu tính đến ngày 9/3.
Italia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại châu Âu với 463 người thiệt mạng và hơn 9.100 ca nhiễm. Italia hiện là quốc gia có số ca tử vong vì virus corona nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong khối EU.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tối 9/3 đã ban hành một sắc lệnh mới, quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày 10/3 đến ngày 3/4 tại quốc gia với hơn 60 triệu dân này.
Sau cuộc họp khẩn cấp do Tổng thống Emmanuel Macron dẫn đầu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã thông báo lệnh cấm tụ tập quá 1.000 người để tránh virus lây lan. Trong khi đó, các nhà chức trách tại Đức cũng kêu gọi hủy các sự kiện quy mô lớn, đồng thời chuẩn bị các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế.
Sự chia rẽ của châu Âu
Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong một nỗ lực tập thể chung nhằm đối phó với dịch Covid-19. Sự chia rẽ của châu Âu trong việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu quả của cuộc chiến chống virus corona tại khu vực này.
Theo John Ross, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Renmin Trung Quốc, virus corona đã lây lan tại nhiều nước châu Âu nhanh hơn giai đoạn đỉnh cao của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã dần kiểm soát được dịch bệnh, châu Âu và Mỹ đang chứng kiến sự lây lan nhanh của virus corona.
Wang Yiwei, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Liên minh châu Âu tại Đại học Renmin Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng các nước thành viên EU rất khó để có thể thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và tiến hành các biện pháp phòng ngừa như Trung Quốc đang làm.
“Các thành viên EU cùng đối mặt với một mối đe dọa chung, nhưng họ không có chung chủ quyền trong mọi khía cạnh và không cảm thấy có cùng nỗi đau như Italia. Do vậy, rất khó để tất cả các nước thành viên (EU) chia sẻ chung quan điểm, không chỉ trong việc chiến đấu với Covid-19, mà còn về vấn đề di cư và cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung euro trước đây”, chuyên gia Wang nhận định.
Thói quen tự do giao thương và đi lại cũng như kiểm soát biên giới lỏng lẻo trong khối EU đã trở thành thách thức với khu vực này trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Theo giới phân tích, các nước châu Âu cho đến nay vẫn không thực sự gắn kết, khi một số nước thuộc Liên minh châu Âu như Đức và các nước không thuộc Liên minh châu Âu như Thụy Sĩ vẫn tranh cãi về việc chia sẻ nguồn lực y tế. Người dân tại một số quốc gia như Italia không muốn tuân thủ theo chỉ đạo của chính phủ, thậm chí không sẵn sàng đeo khẩu trang hay ở trong nhà để tránh lây lan virus.
Nếu châu Âu không thể kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khu vực này có thể đối mặt với đợt bùng phát dịch trên quy mô lớn, ảnh hưởng tới hàng triệu người và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
“Châu Âu không giống như Mỹ, vì khu vực này đang phải đối mặt với lực lượng dân số già đông đảo và đây là những người dễ bị tổn thương trước dịch bệnh”, Song Luzheng, nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nhận định.
CNN hồi tháng 6/2019 dẫn một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết châu Âu là nơi có dân số già nhất thế giới, trong đó cứ 4 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi.
Các quan chức châu Âu vẫn đang kêu gọi xây dựng các kế hoạch để thúc đẩy nền kinh tế do lo ngại về nguy cơ suy thoái. Theo chuyên gia Song, các nước châu Âu cần nhận ra rằng nếu càng chậm chạp trong việc kiểm soát dịch bệnh, họ càng mất nhiều thời gian để đưa tăng trưởng kinh tế quay trở lại quỹ đạo.
“Việc kiểm soát dịch bệnh nên là ưu tiên đối với các nước châu Âu”, ông Song nói.
Giới phân tích cũng cảnh báo rằng nếu châu Âu không thực thi các biện pháp cứng rắn và quyết đoán để kiểm soát dịch bệnh, khu vực này sẽ là bên thua thiệt nhiều nhất trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu trước các đối thủ như Mỹ và Trung Quốc.