Từ 5-9/3, hạm đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần thứ hai tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Nimitz của Mỹ với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người tham gia hỗ trợ và thực hiện các hoạt động không quân trên biển. Nhóm tàu sân bay tác chiến bao gồm tổng cộng 6.500 thủy thủ, một tàu sân bay, một không đoàn, một tàu tuần dương và sáu tàu khu trục. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có tổng chiều dài 332,8 mét, rộng 76,8 mét và lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn. Vận tốc của tàu khoảng 30-35 hải lý/giờ. USS Theodore Roosevelt có 4 đường băng và 4 máy phóng máy bay. Boong tàu rộng khoảng 18.000 m2 với không gian cất cánh của hàng chục máy bay chiến đấu như F/A-18E/F Super Hornet. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, có thể chở theo 90 máy bay các loại, gồm các máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó, USS Theodore Roosevelt được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, gồm các tên lửa “Sea Sparrow” có khả năng tấn công các mục tiêu ở cách xa 16 km. Kể từ khi được biên chế, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tham gia nhiều sứ mệnh quan trọng của quân đội Mỹ và được triển khai tới nhiều vùng biển trên khắp thế giới.
Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ song phương
Phái đoàn Mỹ do Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Chỉ huy trưởng nhóm tàu sân bay tác chiến (CSG) 9 Chuẩn Đô đốc Stu Baker, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour và các viên chức khác đến từ CSG 9 và Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam.
Phát biểu trong cuộc gặp, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết: “Chuyến thăm này tiếp nối chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam trong hơn 40 năm. Chuyến thăm cũng diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với quan hệ song phương của chúng ta. Chỉ 25 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Theo Chuẩn Đô đốc Stu Baker, chuyến thăm thể hiện sức mạnh quan hệ song phương và nhấn mạnh sự tiếp tục hợp tác của Mỹ với các quốc gia đối tác, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ cho khu vực, trong đó có các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch năm nay. Bên cạnh đó, chuyến thăm này cũng là bằng chứng cho cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các quốc gia hùng mạnh và độc lập tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác và thượng tôn pháp luật.
Đại tá Brett Crozier, Chỉ huy trưởng tàu sân bay Theodore Roosevelt chia sẻ: “Chuyến thăm không chỉ giúp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa và chuyên môn. Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia vào chuyến thăm quan trọng này và nhận được sự chào đón nồng nhiệt đến vậy”.
Mỹ tiếp tục cam kết đối với an ninh và hòa bình trong khu vực
Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng Australia, nhận định chuyến thăm này là một phần trong mối quan hệ quốc phòng lớn hơn giữa Mỹ và Việt Nam nhằm phát đi những thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc về sự xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông. Chuyến thăm của tàu Roosevelt là một tín hiệu của Hoa Kỳ cho thấy rằng họ có ý định duy trì sức mạnh hải quân ưu việt ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Bên cạnh đó, đây là chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh với Mỹ trong năm 1975. Năm 2018, USS Carl Vinson đã là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Đồng thời, các khu trục hạm Mỹ bắt đầu ghé qua các cảng của Việt Nam từ năm 2004. Việt Nam thực thi chính sách cho phép tàu chiến nước ngoài cập cảng theo hạn ngạch: mỗi nước có thể gửi một tàu trong năm. Hoa Kỳ sẽ tăng cường nỗ lực vận động hành lang với Việt Nam để Hà Nội thay đổi chính sách này và cho phép các hàng không mẫu hạm tới Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, chuyến thăm không có nghĩa là Việt Nam đang thay đổi lập trường của mình. Việt Nam vẫn ủng hộ sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông. Còn Trung Quốc cho rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông không có lợi cho hoà bình và ổn định, tăng cường quân sự hóa trong khu vực
Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc có một loạt hành động gây quan ngại nhằm vào nhiều nước thuộc ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại vừa hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) song phương với Mỹ. Từ những thực tế trên, Washington cần có biện pháp nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục cam kết đối với an ninh và hòa bình trong khu vực thông qua sự hiện diện quân sự. Vì thế, việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện diện ở Đông Nam Á, cập cảng Đà Nẵng, là tín hiệu cho sự nhấn mạnh trên, đồng thời răn đe Bắc Kinh. Bên cạnh đó, diễn biến này còn thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam trong quan hệ giữa Mỹ với khu vực. Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương – Canada) cho rằng việc Mỹ điều tàu sân bay tiếp tục thăm viếng Việt Nam là một biểu tượng quan trọng để nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đây cũng là động thái minh chứng cho sự sẵn sàng, khả năng Mỹ can dự vào tình hình Biển Đông. Bên cạnh đó, các nước khác ở Đông Nam Á chắc chắn cũng muốn có những chuyến thăm tương tự. Hơn thế nữa, các thành viên ASEAN còn muốn Mỹ có thêm nhiều sáng kiến hợp tác không chỉ gói gọn trong chủ đề hải quân, điển hình như hợp tác phát triển thương mại, cam kết ngoại giao…
Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) lại cho rằng những tháng gần đây, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn để giải quyết dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc vẫn liên tục có nhiều hành động gây bất ổn trên Biển Đông, biển Hoa Đông và rộng hơn là ở cả Ấn Độ Dương. Điều này có nghĩa ngay cả khi đang nhận sự giúp đỡ từ các nước lân cận, nhưng Trung Quốc dường như không từ bỏ sách lược lâu nay. Vì vậy, Mỹ cần có động thái cụ thể nhằm thể hiện cam kết đóng góp vào sự ổn định của khu vực này. Và việc điều động tàu sân bay đến khu vực là cách thể hiện tốt nhất.
Giới chuyên gia, học giả Việt Nam nhận định chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt cho thấy Hà Nội coi trọng hơn mối quan hệ quốc phòng với Washington, khẳng định chính sách quốc phòng mới như đã thể hiện trong sách trắng cuối 2019, và gửi đi thông điệp rõ ràng hơn cho Bắc Kinh. Ông Nguyễn Thế Phương, một nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia, đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh nhận định chuyến thăm của tàu USS Roosevelt cho thấy mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt là sau khi Việt Nam đưa Sách Trắng về Quốc phòng vào cuối năm ngoái, khi đó có thêm điểm mới là nếu có điều gì xảy ra đối với an ninh của Việt Nam thì Việt Nam gia tăng hợp tác với một quốc gia nào đó…
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng cho rằng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay hiện đại nhất của Hoa Kỳ cũng như của thế giới và khi đến thăm Việt Nam, Hoa Kỳ có ý dành cho Việt Nam sự ưu ái đặc biệt – những gì hiện đại nhất sẽ dành cho Việt Nam – cũng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, sẵn sàng bảo vệ Việt Nam khi cần. Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, việc tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam còn nhằm gửi thông điệp tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng với các tàu hiện đại đi theo đi vào Biển Đông của Việt Nam, bất chấp Trung Quốc tuyên bố về “Đường Lưỡi Bò” là ao nhà của Trung Quốc; thể hiện cam kết về việc đảm bảo tự do hàng hải theo Luật quốc tế, nhất là Tòa Án Quốc tế Lahaye đã tuyên bố bác bỏ “Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc khi Philippines kiện Trung Quốc; nhấn mạnh Trung Quốc không được bắt nạt nước nhỏ như Việt Nam mà khi đó Hòa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra qua đó cho thấy hiện nay Mỹ đã thay đổi, sẵn sàng dùng quân sự để đối phó với Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc
Chuyên gia Ge Junliang, Giám đốc Trung tâm An ninh Hàng hải Trung Quốc-ASEAN tại Đại học Dân tộc Quảng Tây nhận định, sau chiến tranh lạnh đã xuất hiện xu hướng Việt Nam và Mỹ dần dần xích lại gần nhau. Đồng thời, rõ ràng là Hoa Kỳ và Việt Nam không hoàn toàn tin cậy lẫn nhau, mặc dù họ duy trì các mối liên hệ thương mại và kinh tế. Trong lĩnh vực an ninh, hai nước này không thể hiện sự bất đồng ý kiến, ít nhất là không nói công khai. Hoa Kỳ hiểu rất rõ vai trò của Việt Nam trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Xét theo những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy rằng, Việt Nam có thái độ tương tự như Mỹ đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thậm chí giống hệt lập trường của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mỹ hy vọng rằng Việt Nam có thể trở thành một thành phần quan trọng của Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Về phần mình, Việt Nam muốn tận dụng sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ để duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Việt Nam có mục tiêu chiến lược tương tự trong quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và thậm chí cả Úc. Nhìn chung, mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có hai đặc điểm. Một mặt, mối quan hệ này đang phát triển khá nhanh. Mặt khác, mức độ hợp tác cho thấy rằng, hai bên chưa xem nhau là hai đối tác đầy đủ giá trị.
Chuyên gia Chen Xiangmuo tại Viện nghiên cứu Trướng hải Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không muốn thù địch hay xung đột với Việt Nam, cũng không muốn chống lại quan hệ Việt-Mỹ. Trong khi đó, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông thách thức lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Theo chuyên gia Chen Xiangmuo, kể từ năm 2014, Hoa Kỳ và Việt Nam không ngừng nâng cấp quan hệ song phương trong lĩnh vực quân sự. Hai chuyến thăm Việt Nam trong một năm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và việc Việt Nam mua vũ khí và tàu tuần tra của Mỹ cho thấy rõ điều đó. Mỹ và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về chuyến thăm của tàu sân bay đến Đà Nẵng ngay sau cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở Biển Đông hồi năm ngoái. Đây có thể được coi là một kế hoạch để chống lại Trung Quốc. Rõ ràng, Việt Nam đang cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao cứng rắn của Hoa Kỳ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ khiến Trung Quốc lo lắng, vì đây là một nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc. Bên cạnh đó, chuyên gia này còn tuyên truyền cho rằng Bắc Kinh “luôn chú trọng vấn đề đảm bảo sự ổn định ở Biển Đông thông qua việc xây dựng thỏa thuận hoặc một Bộ Quy tắc Ứng xử với sự tham gia của các nước trong khu vực. Trung Quốc không hướng tới các quốc gia ngoài khu vực để giải quyết tranh chấp, vì điều này sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng và khó khăn hơn. Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc. Từ quan điểm này, đối với Trung Quốc, Việt Nam có tầm quan trọng lớn hơn so với Hoa Kỳ. Nhiệm vụ ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc là duy trì liên lạc ngoại giao và quân sự ổn định với Việt Nam. Trung Quốc không muốn sự xa lánh hay xung đột nghiêm trọng trong quan hệ với Việt Nam, và không muốn tạo ra sự đối nghịch trong quan hệ với Hoa Kỳ và Việt Nam. Đồng thời, việc Mỹ đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thách thức lợi ích của Bắc Kinh và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Để đáp trả điều đó, Trung Quốc nên củng cố vị thế “một cường quốc hàng hải” và tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân”.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự, đại tá nghỉ hưu Viktor Litovkin cho rằng “Trung Quốc không lo lắng quá nhiều, bởi vì có nhiều khả năng mục đích của các tàu sân bay Mỹ thăm các cảng gần Trung Quốc là khiêu khích Bắc Kinh. Ở Trung Quốc, mọi người đều hiểu điều đó. Bắc Kinh sẽ không lo lắng quá mức, họ sẽ theo đuổi chính sách của mình, luôn bảo vệ lợi ích quốc gia. Ban lãnh đạo Trung Quốc giữ vẻ ngoài bình tĩnh, nhưng sẽ đưa ra kết luận phù hợp. Trung Quốc đang phát triển Hải quân của mình, bao gồm hạm đội tàu sân bay, tăng cường quan hệ với Nga, tiến hành các cuộc tập trận chung với Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, phô trương sức mạnh hải quân ở Biển Đông, Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và các vùng Thái Bình Dương xung quanh. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ củng cố vị thế của mình trên các hòn đảo ở Biển Đông, nơi mà họ tự coi là của mình, để tạo ra các công sự mới nhằm đẩy hạm đội Mỹ ra xa bờ biển Trung Quốc. Bắc Kinh đạt thành công trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này”.