Saturday, May 11, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững tính toán của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, Sông...

Những tính toán của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, Sông Mekong và kinh tế khu vực để cạnh tranh siêu cường với Mỹ

Trung Quốc đã công khai việc cạnh tranh chiến lược với Mỹ trên mọi mặt trận có thể, trong đó đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, Sông Mekong và kinh tế khu vực. Toan tính toàn cầu của Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích và quyền lực của Bắc Kinh trong khu vực chiến lược Đông Nam Á.

“Vành đai, con đường” đối chọi với “Chiến lược châu Á -TBD” và Chiến lược “Ấn Độ -TBD tự do và rộng mở”

Để đối trọng với việc Tổng thống Obama tái cân bằng Chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Tập Cận Bình có ngay sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI), nhằm tranh thủ được các đối tác về cả ngoại giao, kinh tế, kết nối địa chiến lược và giúp Bắc Kinh “tiêu thụ” sự thặng dư nguồn lực của mình.BRI đã khiến Tổng thống mới của Mỹ sau ông Obama là Donald Trump lại phải thêm một lần điều chỉnh bằngChiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Sự lớn mạnh của Trung Quốc chắp cánh cho những toan tính sẵn có. Toan tính ấy là toan tính toàn cầu nhưng trước hết nhằm phục vụ lợi ích và quyền lực của Trung Quốc trong khu vực chiến lược sát sườn Đông Nam Á. Trung Quốc luôn lớn tiếng ASEAN là hạt nhân, là trung tâm giữ vai trò quyết định trong hợp tác và an ninh khu vực nhưng vai trò ấy phải trong vòng kiềm tỏa. Năm 2010, trong một cuộc làm việc ở Hà Nội, có sự tham gia của cả Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một cách rất nước lớn, đã chỉ vào đại diện của Singapore và Việt Nam mà bảo rằng các anh chỉ là những nước nhỏ, rồi giận dữ bỏ ra ngoài.

Các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong trong tính toán của TQ

Các nước Đông Nam Á lục địa cùng chung hệ thống sông Mekong. Dòng sông này bắt nguồn từ Tây Tạng với Lan Thương (Trung Quốc) ở thượng nguồn. Năm 1995, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia lập ra Ủy hội sông Mekong (MRC) để cùng quản lý dòng sông này. Một trong những việc đầu tiên của MRC là thúc đẩy việc cấm xây dựng các đập thủy điện lớn. Mọi thứ đang còn ngổn ngang thì tháng 3/2016 một cơ chế hợp tác khác, Hợp tác Lan Thương – Mekong, LMC, do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm Trung Quốc và các nước trên cộng thêm Myanmar ra đời. Trung Quốc đề nghị lập một cơ cấu quản lý và cơ cấu này nên nằm ở Vân Nam. Khỏi cần một cơ cấu quản lý, ai cũng biết chính các con đập quản lý nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa của dòng sông. Riêng Trung Quốc đã xây tới 11 con đập, chứa lượng nước khổng lồ 47 tỉ m3. Một lượng nước như vậy bị trữ lại đã gây thiệt hại rất nhiều cho vùng hạ lưu, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối nguồn. Đã có dự báo từ sớm, xâm nhập mặn ở vùng này sẽ khốc liệt chưa từng vào quý I/2020. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Hạ nguồn (Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) đang thực sự khủng hoảng.

Lượng thủy sản của hệ thống sông này được coi là một trong những nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/4 lượng đánh bắt cá nước ngọt toàn cầu. Ngư dân Thái Lan cho biết mực nước và lượng cá đã đang giảm hẳn từ khi Trung Quốc xây dựng các con đập. Muốn vận chuyển lớn, họ xả nước, còn không thì giữ lại. Mực nước không ổn định khiến cá không đẻ trứng. Nổ mìn, phá đá mở rộng lòng sông và nạo vét cát sỏi ở thượng nguồn đã phá hệ sinh thái và đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nó. Theo thông tin vừa cập nhật, Nội các Thái Lan đã tuyên hủy Dự án khơi thông luồng lạch, ghềnh đá trên sông Mekong vào ngày 11/2/2020 và đây được coi là thắng lợi chưa từng có.

Biển Đông là vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa TQ với các nước ASEAN và mối quan hệ với Mỹ tại đây

Sự quan tâm của Trung Quốc đến Biển Đông, những tuyên bố và hành động gần như đột ngột của nước này đến vùng biển chung của các nước Đông Nam Á mà họ muốn một mình sở hữu đã gây nên sự hoang mang lẫn phẫn nộ trong vùng. Đặc biệt với Việt Nam, nước gắn bó nhiều lợi ích nhất với Biển Đông (hơn hẳn Trung Quốc) và cũng là nước có nhiều duyên nợ với Trung Quốc về lịch sử, địa lý, văn hóa,… Biển Đông có gì? Biển Đông có tất cả. Một nguồn lợi cá và hải sản khổng lồ, một nguồn lợi về tài nguyên dầu khí lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và nhất là một tuyến hàng hải, một tuyến thương mại quốc tế không thể thay thế. Khống chế được tuyến này là có thể bắt nạt các quốc gia cần đến nó, bắt nạt các nước lớn, bắt nạt cả thế giới.

Gắn với tranh chấp Biển Đông, gắn với sự tham lam của Trung Quốc là “đường 9 đoạn”. Con đường này không hiểu vì lý do gì mươi năm gần đây lúc thì Trung Quốc gọi 9 đoạn, lúc thì 11 đoạn, lúc thì 10 đoạn một cách tùy tiện và chỉ được gọi theo hình thức cắt đoạn như vậy, không một lần có tên gọi theo nội dung, nhưng Trung Quốc ngầm cho hiểu nó là đường biên giới quốc gia trên biển của họ (không dính bất cứ một quy định hay thông lệ quốc tế nào, kể cả điều mà Trung Quốc viện dẫn là “vùng nước lịch sử”). Lập trường về “đường 9 đoạn” được Trung Quốc chính thức đề cập đến lần đầu là văn bản được trình lên Liên hợp quốc ngày 7/5/2009. Họ từng tuyên bố không đòi hỏi quyền lợi vùng biển trong “đường chín đoạn” theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà theo tập quán quốc tế, là quyền lợi lịch sử như tiền lệ tư pháp quốc tế nhưng lại không chứng minh được đường này qua các bản đồ lịch sử mà chỉ dựa vào chứng cứ mơ hồ thông qua các tuyên bố “hàng ngàn năm lịch sử” “hai ngàn năm lịch sử”, “từ thời nhà Hán”… Nếu nói về đời nhà Hán có thể đưa thêm một dẫn chứng ngược. Thư tịch Trung Quốc thời đó mô tả tàu thuyền đi qua vùng biển Hoàng Sa/Tây Sa, nhất là tàu thuyền có chốt sắt, thường bị bẻ ra hoặc bị giữ lại làm đắm thuyền vì các hòn đảo ấy toàn đá nam châm (?) Bây giờ ta có thể hiểu đó là những bãi đá nước lên xuống theo thủy triều, không có đá nam châm nào cả, gặp lúc nước rút tàu không thoát kịp sẽ trơ trọi nằm lại với đá. Một khu vực nguy hiểm “toàn đá nam châm”, không có dân cư, không có điều kiện sống lại cách xa Trung Quốc như vậy thì “tổ tiên” đòi hỏi chủ quyền làm gì? Chưa nói văn kiện nào tuyên bố chủ quyền mấy ngàn năm trước từ thời Hán để đến bây giờ các giới trách nhiệm Trung Quốc tranh nhau nói về vùng nước lịch sử và việc phải bảo vệ “đất đai tiên tổ” (?)

TQ muốn COC không có sự can thiệp của bên ngoài, nhất là Mỹ trong tiến trình thảo luận

Cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) bắt đầu được các bên tiến hành vào năm 2013, mười một năm sau khi có Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc không muốn COC, họ coi DOC là đủ rồi. Tổng thư ký của tổ chức ASEAN lúc đó than phiền rằng tổ chức này không thể lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc thảo luận thực chất. Bắt đầu rồi mà như chưa bắt đầu, cứ như sên bò vậy. Bằng cách đó Trung Quốc muốn cho mọi người thấy rằng họ cơi nới chưa xong, họ còn phải mang vũ khí đặt lên đấy đã,… Không thể lộ liễu hơn, Trung Quốc chơi trò câu giờ. Trong 7 bãi đá (Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Gaven, Vành Khăn, Xubi) mà Trung Quốc cơi nới thì đá Chữ Thập đã được mở rộng tăng kích thước lên gấp 11 lần, lớn hơn cả đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa/Nam Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ. Cho đến trước khi mở rộng, Trung Quốc là bên duy nhất không có đường băng ở Trường Sa (Đài Loan có ở Ba Bình, Philippines có ở Thị Tứ, Malaysia có ở đá Hoa Lau, Việt Nam có ở đảo Trường Sa Lớn) thì bây giờ đường băng đã xuất hiện ở Chữ Thập, Vành Khăn, Xubi. Câu giờ đủ rồi, Trung Quốc mới quay sang COC. Trong hai năm 2017, 2018 họ công bố rằng “văn bản duy nhất” của COC đã được các bên cùng đọc. Thế nào là văn bản duy nhất? Theo các nguồn tin, đây là 11 văn bản do 11 quốc gia đưa ra và nó còn quá xa cách nhau về nội dung, nhất là những vấn đề cơ bản như: phạm vi các thực thể địa lý được đề cập, các yếu tố chế tài trên cơ sở pháp luật quốc tế…

Có một điều chắc chắn là COC không phải để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc luôn cho chủ quyền các đảo, đá là vấn đề song phương mà COC chỉ có thể kiểm soát ổn thỏa những bất đồng phát sinh từ Biển Đông, bản nâng cấp chút đỉnh của DOC mà thôi. Thực tế cũng có thể không hẳn như vậy, vì thế nào là “bất đồng” và phạm vi những bất đồng ấy là gì và kiểm soát thì như thế nào. Chưa nói, Trung Quốc muốn COC không có sự can thiệp của bên ngoài trong tiến trình thảo luận (cũng vì vậy mà tiến trình này được bảo mật) nhưng các nước “bên ngoài” lại rất muốn tham gia vì vấn đề tự do hàng hải. Mà vấn đề này lại liên quan đến thế nào là phi quân sự hóa đang được các bên tranh cãi. Trung Quốc cho rằng phi quân sự hóa là tàu quân sự đi qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo “của họ” phải có sự xin phép, còn Mỹ và các nước nói chung thì coi việc Trung Quốc xây dựng sân bay, đưa vũ khí khí tài ra các đảo đá được xây đắp, mở rộng đã là quân sự hóa rồi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố tại Hội nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á năm 2014: “Việc điều hành công việc, giải quyết các vấn đề châu Á, bảo vệ an ninh châu Á là giành cho người châu Á”. Và Trung Quốc yêu cầu trong văn kiện COC thì việc thăm dò và phát triển dầu khí và tài nguyên biển nói chung ở các vùng tranh chấp sẽ do các nước trong khu vực tiến hành, không hợp tác với các quốc gia bên ngoài. Cũng như sẽ không có các cuộc tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực. Yêu cầu này cho thấy, COC sẽ có thể tạo ra một dàn xếp mang tính độc quyền, trái với công ước Liên hiệp quốc về luật biển. Bà Dewi Fortuna Anwar, nhà quan sát người Indonesia đặt câu hỏi: “Làm thế nào để đảm bảo rằng COC sẽ không thể chế hóa mối quan hệ rất bất đối xứng gây bất lợi không chỉ cho các nước ASEAN mà còn cho các bên liên quan rộng lớn hơn ở Biển Đông, bao gồm cả việc không chú ý đến tất cả các điều khoản của UNCLOS? Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines đã khẳng định COC sẽ không bao gồm bất kỳ điều gì gây ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp quốc tế…” Trung Quốc đã từng viện dẫn đoạn 4 của DOC quy định về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa các bên liên quan để phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và chỉ trích Philippines đã vi phạm DOC. Nhưng DOC chỉ là một tuyên bố ứng xử lỏng lẻo, thế nào mới được gọi là đàm phán, mà Trung Quốc lại chỉ muốn song phương mà thôi.

Trong khi làm ra vẻ thúc đẩy COC Trung Quốc luôn luôn nói rằng tình hình Biển Đông vẫn yên ổn thì thực tế đã xảy ra nhiều chuyện bất ổn. Một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 6/2019 và hơn hai chục ngư dân lênh đênh giữa biển khiến dư luận nước này sôi sục, ba tháng sau họ mới có lời xin lỗi. Và suốt từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 tàu thăm dò và hải cảnh Trung Quốc liên tục cản trở, quấy phá Việt Nam hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, bãi Tư Chính, dù Việt Nam nhiều lần lên án và dư luận quốc tế phản đối. Trước đó, các tàu này cũng đã thường xuyên cản trở hoạt động của Malaysia ở bãi Luconia. Và sau đó, cho đến tận đầu tháng 1/2020, hải cảnh và tàu cá Trung Quốc liên tục thâm nhập hải phận Bắc Natuna của Indonesia.

RELATED ARTICLES

Tin mới