Chính quyền Indonesia cho biết đã bắt giữ 5 tàu đánh cá và khoảng 68 thuyền viên Việt Nam gần quần đảo Natuna của Indonesia, giáp với Biển Đông hôm 1/3. Trong những năm gần đây, Indonesia thực thi chính sách cứng rắn trong việc xử lý tàu thuyền nước ngoài mà nước này cho rằng họ vi phạm chủ quyền, hoạt động trái phép. Tuy nhiên, đa phần dư luận cho rằng hành động trên của Indonesia không phù hợp.
Hành động thái quá của Indonesia không phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Vì tại Điều 292 của UNCLOS về giải phóng ngay cho tàu thuyền bị cầm giữ hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó quy định rõ.
Thứ nhất, khi các nhà chức trách của một quốc gia thành viên đã bắt giữ một chiếc tàu mang cờ của một quốc gia thành viên khác và nếu thấy rằng quốc gia bắt giữ chiếc tàu đã không tuân theo các qui định của Công ước trù định việc giải phóng ngay cho tàu thuyền hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó ngay khi ký gởi một khoản tiền bảo lãnh hợp lý hay một khoản bảo đảm tài chính nào khác, thì vấn đề giải phóng tàu hay trả tự do cho đoàn thủy thủ phải được đưa ra trước một tóa án do các bên chỉ định theo một thỏa thuận chung. Nếu không thỏa thuận đuợc trong một thời hạn 10 ngày kể từ lúc bắt giữ chiếc tàu hay đoàn thủy thủ, vấn đề này có thể được đưa ra trước một tòa án được quốc gia đã tiến hành bắt hay giữ tàu hay đoàn thủy thủ chấp nhận theo đúng Điều 287, hay trước Tòa án quốc tế về luật biển, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Thứ hai, yêu cầu giải phóng hay trả tự do chỉ có thể do quốc gia mà tàu mang cờ hoặc nhân danh quốc gia ấy đưa ra. Tòa án nhanh chóng xem xét yêu cầu này và chỉ xét xử vấn đề giải phóng tàu hay trả tự do cho đoàn thủy thủ, việc này không có ảnh hưởng gì đến tiến trình tiếp sau của mọi vụ kiện mà chiếc tàu, người chủ chiếc tàu hay đoàn thủy thủ của nó có thể là đối tượng trước quyền tài phán quốc gia thích hợp. Các nhà chức trách của quốc gia đã tiến hành bắt, giữ vẫn có đủ tư cách ra lệnh giải phóng tàu hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó vào bất kỳ lúc nào.
Thứ 3, ngay khi đã ký gửi khoản tiền bảo lãnh hay một khoản bảo đảm tài chính khác theo quyết định của tòa án, các nhà chức trách của quốc gia đã bắt giữ tàu phải tuân theo quyết định của tòa án về việc giải phóng tàu và trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó. Phía Indonesia cho rằng hơn 5.000 tàu hoạt động trái phép trong vùng biển Indonesia hàng năm, vi phạm chủ quyền biển của Indonesia.
Việt Nam là một trong số những nước có nhiều ngư dân bị Indonesia bắt giữ và cáo buộc vi phạm vùng biển của nước này. Trong thời gian qua, với việc xác định đưa ngư dân về nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan Indonesia để can thiệp bảo hộ công dân tối đa có thể. Tuy nhiên, việc Indonesia tăng cường hoạt động truy quét ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và xử lý cứng rắn các trường hợp tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, cũng như việc ngư dân Việt Nam bị bắt ở nhiều nơi trên lãnh thổ rộng lớn của Indonesa đã gây không ít khó khăn cho Đại sứ quán trong việc tiếp cận và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo việc bắt và xét xử các tàu cá vi phạm của ta phải theo đúng pháp luật Indonesia, đối xử nhân đạo với các ngư dân, xử lý vụ việc trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Indonesia. Đến nay, tại các nơi giam giữ khác nhau ở Indonesia vẫn còn nhiều ngư dân Việt Nam chưa được trao trả. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia vẫn tiếp tục nhận được các thông tin về việc tàu cá Việt Nam và ngư dân bị bắt trên vùng biển của Indonesia.