Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo sẽ điều thêm 30 tàu cá lớn từ bờ biển Java đến biển Bắc Natuna để tăng cường lực lượng bảo vệ chủ quyền Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Vùng biển này thường xuyên xuất hiện tàu cá và hải quân của Trung Quốc do Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp.
Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo sẽ điều thêm 30 tàu cá lớn từ bờ biển Java đến biển Bắc Natuna để tăng cường lực lượng bảo vệ EEZ của nước này, trong đó 29 tàu sẽ được triển khai ngay trong ngày 10/3. Những tàu này có trọng tải 100 tấn được thiết kế hoạt động xa bờ. Những tàu này được lực lượng thuộc Cơ quan Hàng hải hỗ trợ và bảo vệ. Cơ quan Hàng hải Indonesia vừa được Chính quyền nước này giao nhiệm vụ quản lý vùng biển Natuna.
Chính quyền Indonesia hôm 1/01 khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước là “không có căn cứ pháp lý”. Indonesia đã lên tiếng phản đối tàu tuần duyên Trung Quốc xuất hiện trong EEZ của nước này, ngoài khơi đảo Natuna ở phía Bắc. Chính phủ Indonesia đã kịch liệt phản đối động thái từ Trung Quốc, đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Jakarta đến trao đổi. “Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế, lấy lý do ngư dân nước họ từ lâu đã hoạt động trong khu vực, là không có cơ sở pháp lý và chưa từng được thừa nhận bởi UNCLOS 1982”, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển, cho rằng cả Trung Quốc và Indonesia có hoạt động đánh bắt cá “bình thường” trong khu vực.
Indonesia không nằm trong số các bên tranh chấp quần đảo Trường Sa. Mâu thuẫn chủ quyền trên biển giữa hai nước liên quan đến vùng biển ngoài đảo Natuna. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng tái khẳng định nước này không phải bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, dù đã xảy ra nhiều vụ tàu chấp pháp và tàu cá hai nước đối mặt trên vùng biển thời gian qua. akarta luôn giữ quan điểm rằng mình không phải một bên tranh chấp hay ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hành động rất cứng rắn trong khu vực tuyên bố EEZ. Việc Trung Quốc ra yêu sách “đường chín đoạn” cũng liên quan đến Indonesia. Năm 2017, Indonesia có động thái đáng chú ý khi đổi tên một vùng biển ngoài khơi Natuna thành “biển Bắc Natuna”, và đây được cho là hành động chọc giận Trung Quốc. Chuyên gia Richard Heydarian cho rằng đã có một sự thay đổi lớn trong chính sách của Indonesia khi công khai bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự trong các vùng tuyên bố chồng lấn vừa qua.