Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Ấn vượt qua khác biệt để đối phó với TQ

Mỹ – Ấn vượt qua khác biệt để đối phó với TQ

Tổng thống Donald Trump vừa có chuyến thăm chính thức 36 tiếng đến Ấn Độ trong 2 ngày 24-25/02/2020. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump đến thăm Ấn Độ. Bất chấp những khác biệt và tồn tại trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước và giữa lúc cả thế giới đang phải đối phó với sự lây lan dịch viêm phổi do virus corona, Ấn Độ đã tổ chức hơn 100.000 người nhiệt liệt chào đón ông Trump tại lễ khai mạc sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở Ấn Ðộ.

Mỹ và Ấn Độ không phải là đồng minh truyền thống, Mỹ từng đứng về phía Pakistan trong cuộc chiến tranh năm 1971 mà Đông Pakistan, được Ấn Độ ủng hộ, tách ra thành Bangladesh ngày nay.Rồi sau đó tham vọng hạt nhân của Ấn Độ cũng khiến quan hệ song phương Mỹ – Ấn gần như đóng băng tới tận năm 2000, khi Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Ấn Độ sau hơn 20 năm.Vấn đề hạt nhân chỉđược giải quyết xong vào năm 2005, khi Tổng thống Bush và Thủ tướng Manmohan Singh ký Sáng kiến hợp tác hạt nhân dân sự, coi như một sự chấp thuận các chương trình hạt nhân quân sự của Ấn Độ từ phía Mỹ.

Ngay trước chuyến thăm, giữa Ấn Độ và Mỹ còn tồn tại nhiều khác biệt trong vấn đề thương mại song phương Mỹ-Ấn Độ khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và chênh lệch trong thương mại điện tử. Ngoài ra, còn những vấn đề quan tâm khác lànhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực. Trong khi đó, Ấn Độ muốn Mỹ khôi phục lại hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), vốn hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc tạo thuận lợi cho các nước này xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các ưu đãi kiểu này với Ấn Độ.

Mặc dù, các bất đồng về thương mại giữa hai bên chưa giải quyết được, nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến bầu không khí chuyến thăm. Ấn Độ đã đón tiếp Tổng thống Trump một cách hoành tráng nhất có thể. Các nhà quan sát cho rằng Mỹ và Ấn Độ đã bỏ qua một bên những khác biệt về thương mại để thắt chặt hơn quan hệ chính trị mang tính chiến lược nhằm đối phó với các thách thức từ Trung Quốc và giờ là thời điểm “chín muồi” cho việc thắt chặt mối quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai nước.

Kể từ khi đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở tháng 11/2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng ở khu vực cùng với 2 đồng minh là Nhật, Úc tạo nên “Bộ Tứ” thúc đẩy triển khai chiến lược này. Với tầm nhìn chiến lược đó, Tổng thống Trump luôn quan tâm thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, nhất là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Nhận thấy những mâu thuẫn trong cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ông Trump chủ động khuyến khích Ấn Độ phát huy vai trò trong khu vực nhằm đưa Ấn Độ trở thành một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Chuyến thăm Ấn Độ lần này là cuộc gặp thứ năm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi trong vòng 8 tháng qua đã thể hiện rõ sự coi trọng Ấn Độ trong chính sách khu vực của chính quyền Trump.

Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump đã vượt qua những khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Ấn Độ để thực hiện chuyến thăm này là do giữa hai bên có sự tương đồng chiến lược về Trung Quốc, nhất là những quan ngại của họ trước các hành động và ý định của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cách hành xử hung hăng, cưỡng ép, dọa nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ với Trung Quốc không chỉ dừng lại ở những tranh chấp về lãnh thổ trên đất liền mà nó đã lan sang các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt việc Trung Quốc mở rộng hoạt động của hải quân để mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Ấn Độ dương – nơi vốn được coi là “sân sau” của Ấn Độ đang tạo ra những thách thức mới đối với chính quyền Thủ tướng Modi. Một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Trung Quốc –Mỹ hẳn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Ấn Độ, nhưng mối quan hệ quá gần gũi giữa hai gã khổng lồ này cũng có thể làm Ấn Độ bị cho ra rìa trong cuộc chơi.

Việc cả Mỹ và Ấn Độ đang phải cùng đối phó với “một kẻ thù” Trung Quốc đã tạo ra những điểm đồng mang tính chiến lược giữa hai nước, đưa Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump luôn coi Trung Quốc là “đối thủ nguy hiểm nhất” cạnh tranh vị trí siêu cường của Mỹ. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được ông Trump đưa ra là nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc. Điều này trùng hợp với mục tiêu chiến lược của Ấn Độ.

Nhiều quan ngại của Mỹ đối với Trung Quốc như sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, cách Trung Quốc hành xử ở Biển Đông và sự không đáng tin cậy của các đối tác Trung Quốc cũng được Ấn Độ chia sẻ. Ấn Độ cũng là một trong số ít nước không tham gia vào “Vành đai và Con đường”, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng không ngần ngại công khai phê phán sáng kiến này là chính sách “thực dân kiểu mới” khi Bắc Kinh dùng tiền để chiếm lĩnh các vị trí địa lý quan trọng ở Ấn Độ Dương.

Quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Ấn Độ thể hiện rõ ngay trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Trump khi mà Ấn Độ đã dành cho ông sự đón tiếp nồng hậu nhất, hoành tráng nhất mà ông Trump có được ở nước ngoài. Còn Tổng thống Trump thì dành những lời lẽ thiện cảm, ngọt ngào nhất dành cho Ấn Độ.

Phát biểu trước 100 ngàn người dân Ấn Độ trong buổi đón tiếp tại sân vận động hôm 24/2/2020, Tổng thống Donald Trump hứa hẹn “một thỏa thuận thương mại phi thường” và một hợp đồng bán “thiết bị quân sự đáng gờm nhất hành tinh”. Ông Trump nói trong những tràng pháo tay vang dội của dân chúng Ấn Độ: “Các bạn đã tạo một vinh dự lớn lao cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ các bạn mãi mãi. Kể từ ngày này trở đi, Ấn Độ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của chúng tôi”.

Điểm nổi bật nhất trong chuyến thăm lần này là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng chủ nhà Narendra Modi quyết định nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên mức độ mới, với tên gọi Đối tác toàn diện toàn cầu, hàm ý sự hợp tác giữa hai nước không chỉ có ý nghĩa song phương mà nó mang ý nghĩa chiến lược toàn cầu.

Kết quả cụ thể nhất trong chuyến thăm lần này phải kể tới hợp đồng mua bán trang thiết bị quân sự với trị giá lên tới trên 3 tỷ USD, khi Ấn Độ đặt mua các máy bay trực thăng tấn công Apache và MH-60 Romeo từ các nhà sản xuất Mỹ; ngoài ra, hai bên ký 3 bản ghi nhớ, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Hai nước cũng nhất trí tạm dừng các biện pháp trả đũa thuế quan và khởi động giai đoạn đầu đàm phán về một hiệp định thương mại song phương toàn diện. Đây sẽ là cơ sở để giải quyết những tranh cãi thương mại và trả đũa qua lại giữa Mỹ và Ấn Độ.

Giới quan sát cho rằng con số 3 tỷ USD của hợp đồng mua trang thiết bị quân sự tuy còn nhỏ, ít hơn tiền Ấn Độ bỏ ra mua vũ khí từ nhà sản xuất truyền thống là Nga, nhưng hợp đồng này có tính biểu tượng cao, đánh dấu một sự chuyển hướng mang tính chiến lược trong hợp tác quân sự Mỹ – Ấn. Mục tiêu của việc tăng cường hợp tác quân sự Mỹ – Ấn là để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc nhằm duy trì một trật tự ở khu vực dựa trên luật lệ.

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh xây dựng quan hệ song phương trong các lĩnh vực quốc phòng an ninh, thương mại và năng lượng, khẳng định cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Mỹ – Ấn, dựa trên tin cậy lẫn nhau, lợi ích chung, thiện chí và sự tham gia mạnh mẽ của người dân hai nước.

Liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tuyên bố chung khẳng định quan hệ đối tác thân cận giữa Mỹ – Ấn là trung tâm của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa bình và thịnh vượng; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và quản trị tốt; ủng hộ an toàn và tự do hàng hải, hàng không và quyền sử dụng hợp pháp khác đối với các vùng biển; thương mại hợp pháp không bị cản trở; thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế.

Trong vấn đề Biển Đông, Ấn Độ và Mỹ ghi nhận những nỗ lực hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) có ý nghĩa ở Biển Đông và nghiêm túc kêu gọi COC không làm phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia chiểu theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump quyết định tăng cường cơ chế họp 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước; tăng cường tham vấn thông qua hội nghị thượng đỉnh ba bên Ấn Độ – Mỹ – Nhật Bản; và tham vấn tứ giác Ấn Độ – Mỹ – Úc – Nhật Bản (nhóm “Bộ Tứ”).

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ tạo động lực mới tăng cường hợp tác Mỹ – Ấn trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một số ý kiến cho rằng chiến lược tăng cường hợp tác với Dehli sẽ giúp Washington có đòn bẩy gây sức ép lên Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực.Chuyến thăm của ông Trump là một cách mà Mỹ – Ấn vượt qua khác biệt để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một siêu cường.

RELATED ARTICLES

Tin mới