Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương, đã đe dọa trực tiếp đến lợi ích, chủ quyền và an ninh của Australia. Buộc nước này phải tăng cường năng lực hải quân, sẵn sàng đáp trả các tình huống khiêu khích trên biển.
Một trong những động thái mới nhất của Australia là trang bị thu tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 Evolved Sea Sparrow Missile (ESSM) trên tàu hộ vệ tên lửa HMAS Arunta (FFH 151). Đây được coi là hành động quan trọng, góp phần nâng cao khả năng tác chiến trong tương lai của hải quân Australia.
Các tàu lớp Anzac hiện là xương sống của Hải quân Hoàng gia Australia và cũng là lớp tàu chiến duy nhất của Hải quân Hoàng gia New Zealand (RNZN). Đây là dự án hợp tác phát triển chung giữa hai quốc gia châu Đại Dương và được đưa vào biên chế từ năm 1996. Với thiết kế theo công nghệ module với lượng choán nước toàn tải khoảng 3.600 tấn, tàu được tích hợp hệ thống vũ khí chính gồm 8 ống phóng thẳng đứng Mk-41 Mod 5, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 2 ống phóng ngư lôi và 1 pháo hạm Mk-45 127mm. Trong đó, cụm phóng Mk-41 Mod 5 ban đầu sử dụng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow. Từ năm 2014, chúng được thay thế bằng tên lửa MDBA Sea Ceptor và tiến tới là tên lửa ESSM.
Trong khi đó, tên lửa ESSM được hãng Raytheon của Mỹ phát triển trên nền tảng tên lửa Sea Sparrow từ cuối những năm 1990 cho nhiệm vụ chống tên lửa đối hạm siêu âm, đồng thời có thể tiêu diệt các loại máy bay tiêm kích, cường kích của đối phương. Tên lửa được tích hợp đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối, hệ thống truyền dẫn dữ liệu tàu-tên lửa liên tục cập nhật trong hành trình bay. Đạn tên lửa nặng 280kg, dài 3,66m, đường kính thân 254mm, lắp đầu đạn nổ phá mảnh 39kg với ngòi nổ cận đích. Tên lửa đạn tầm bắn tối đa hơn 50km, tốc độ hành trình Mach 4 (tương đương 4.752km/h) với động cơ nhiên liệu rắn Mk-140 Mod 0. Hiện nay, hải quân của nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Đức…đang trang bị và triển khai tên lửa ESSM trên hơn 200 tàu chiến lớn nhỏ.
Trước đó, Australia đã mua nhất 200 đạn tên lửa diệt hạm tàng hình AGM-158C LRASM do Mỹ phát triển, trị giá gần 1 tỷ USD và việc thực hiện hợp đồng sẽ do Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và An ninh Mỹ (DSCA) phụ trách. Cùng với đạn tên lửa LRASM, Australia cũng nhận hàng loạt trang bị hiện đại phục vụ công tác bảo dưỡng và huấn luyện làm quen với dòng tên lửa mới. Đối tác Mỹ chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng là hãng chế tạo Lockheed Martin.
Được phát triển từ năm 2015, tên lửa AGM-158C LRASM được coi là loại tên lửa diệt hạm hàng đầu thế giới. Quá trình phát triển tên lửa LRASM dựa theo nguyên mẫu tên lửa không đối đất JASSM-ER của Không quân Mỹ. Trong tương lai, LRASM sẽ thay thế cho dòng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon đã lỗi thời. Điểm mạnh của LRASM chính là hệ thống dẫn đường hiện đại, khó bị gây nhiễu. Hệ thống này kết hợp giữa hiệu chỉnh pha giữa thông qua tín hiệu dẫn từ tàu mẹ, cũng như khả năng bay theo điểm mốc định vị giúp LRASM có quỹ đạo bay rất khó đoán và khó ngăn chặn. Ở pha tiếp cận, tên lửa diệt hạm Mỹ sử dụng hệ thống đầu dò radar chủ động và ảnh quang-hồng ngoại giúp nâng cao tỷ lệ đánh trúng mục tiêu, kể cả trong điều kiện đối kháng điện tử mạnh.
Bên cạnh đó, tên lửa LRASM áp dụng thiết kế khí động học mới kết hợp cùng với vật liệu tổng hợp và lớp phủ giảm phản xạ tín hiệu radar giúp nó có khả năng tàng hình và khiến việc phát hiện và đánh chặn nó trở nên rất khó khăn. Với đầu đạn nổ phân mảnh nặng khoảng 450kg, tên lửa LRASM có thể dễ dàng vô hiệu hóa tàu chiến mặt nước tải trọng 10.000 tấn trong tầm bắn hiệu quả khoảng 550km, xa gần gấp đôi so với dòng tên lửa diệt hạm Harpoon hiện nay. Ngoài khả năng chống hạm, tên lửa LRASM cũng có kèm khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, cũng như có thể phóng từ giếng phóng thẳng đứng Mk-41 tiêu chuẩn trên phần lớn chiến hạm theo chuẩn NATO hiện nay.
Việc Australia tăng cường năng lực hải quân để đối phó với Trung Quốc là do lo ngại môi trường an ninh ở khu vực bị ảnh hưởng. Trung Quốc và Australia đang tranh giành ảnh hưởng tại các đảo thưa dân ở Thái Bình Dương, nơi sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào.