Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBí ẩn cố vấn của Tập Cận Bình

Bí ẩn cố vấn của Tập Cận Bình

Nhóm cố vấn thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị cho là “quá bí ẩn”, gây thách thức không nhỏ cho giới chức phương Tây.

Chuyến công du Mỹ đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh dấu bằng 21 phát đại bác vang trời trước Nhà Trắng và buổi quốc yến linh đình với đủ sơn hào hải vị. Tuy nhiên, theo giới quan sát, không thể xem chuyến thăm đã thành công tốt đẹp hoàn toàn khi sau cuộc hội đàm được nói là “thẳng thắn, có phần căng thẳng” giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Barack Obama, hai bên vẫn chưa tạo được đột phá trong những vấn đề gai góc còn bất đồng.
Tờ The New York Times dẫn lời nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng ngoài các khác biệt về chiến lược và lợi ích khó giải quyết một sớm một chiều, thêm một lý do nữa là phía Washington rất khó khăn trong việc tìm một kênh liên lạc hữu hiệu để trao đổi hoặc tìm hiểu về chính sách của Bắc Kinh.
Những cố vấn “mặt lạnh”
Theo The New York Times, xung quanh Chủ tịch Tập hiện nay có 22 “nhóm tinh hoa” bao gồm các quan chức và chuyên gia hàng đầu để cố vấn cho ông từ kinh tế, chính trị, an ninh đến an ninh mạng. Trong số này, có một số người thường xuyên tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du hoặc tham dự các cuộc họp, hội thảo với nước ngoài. Tuy nhiên, giới chức phương Tây than phiền là các vị này “luôn lạnh như tiền, họp xong là lập tức rời đi”.
Đơn cử là ông Vương Hỗ Ninh, cố vấn chính sách cho Chủ tịch Tập. Ông Vương, 59 tuổi, là một giáo sư chính trị học chuyên về hệ thống chính trị – xã hội của Mỹ và cũng từng làm cố vấn cho 2 người tiền nhiệm trước ông Tập. Vì thế, đáng lẽ ông phải là cầu nối quan trọng giữa Bắc Kinh và Washington. Thế nhưng The New York Times dẫn lời nhiều quan chức Mỹ và các học giả cho biết “không thể tiếp cận” ông Vương và ông luôn từ chối mọi lời mời trao đổi bên lề các diễn đàn quốc tế.
Nhân vật thứ hai là Chánh văn phòng trung ương Đảng Lật Chiến Thư, được cho là người gần gũi với ông Tập nhất. Một nguồn thạo tin tiết lộ ông Tập và ông Lật “tôn trọng lẫn nhau và thường uống rượu cùng nhau”. Tuy nhiên, đó hầu như là tất cả những gì bên ngoài biết về ông Lật và giới chức phương Tây chưa bao giờ có thể “cà phê thuốc lá” bên lề các cuộc họp để thảo luận những điều không tiện nói qua kênh chính thức.
Bên cạnh đó, theo The New York Times, Chủ tịch Tập được cho là rất xem trọng ý kiến của Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên. Tướng Lưu được cho là người đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc và có quan điểm cứng rắn với phương Tây. “Ông Lưu Nguyên đóng vai trò rất quan trọng trong quân đội Trung Quốc và không mấy thân thiện với Mỹ”, The New York Times dẫn lời chuyên gia Christopher K.Johnson tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định.
“Bí ẩn nhất” trong 66 năm
Tình trạng kín tiếng, khó tiếp cận của các cố vấn cấp cao đang gây thách thức lớn cho Mỹ và các quốc gia khác trong việc đối thoại với Trung Quốc. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định với The New York Times rằng có thể xem “cơ mật viện” của Chủ tịch Tập là bí ẩn nhất trong các đời lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 1949 đến nay.
Trước đây, giới chức nước ngoài có thể trao đổi với các nhân vật quan trọng của Bắc Kinh và chắc chắn rằng những gì cần truyền đạt sẽ đến được tai lãnh đạo cao nhất. “Ở thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, chúng tôi tạo được kênh liên lạc rất tốt giữa Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon và Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc. Chúng tôi biết rằng ông Đới có quan hệ cá nhân gần gũi với ông Hồ Cẩm Đào”, The New York Times dẫn lời cựu Cố vấn Tổng thống Mỹ về chính sách châu Á Evan Medeiros cho biết.
Giờ đây, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều. “Một trong những vấn đề lớn trong quan hệ Mỹ – Trung hiện nay là chúng ta hầu như không biết gì về những người có thể phát biểu thay hoặc chuyển thông tin về cho Chủ tịch Tập”, chuyên gia về Trung Quốc David M.Lampton của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nói.
Theo The New York Times, có 2 lý do chính dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất là quan điểm của các nhân vật giàu ảnh hưởng như tướng Lưu Nguyên cho rằng nếu giới tinh hoa quá cởi mở và phát triển quan hệ với bên ngoài thì “các thế lực từ phương Tây sẽ có cơ hội xâm nhập, dẫn đến “diễn biến hòa bình hay cách mạng màu”.
Thứ hai, Chủ tịch Tập được cho là không gần gũi với các cố vấn như những người tiền nhiệm. Ông đích thân lãnh đạo 7 trong số 22 “nhóm tinh hoa” nói trên và dựa nhiều vào suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra quyết định. “Chưa bao giờ khoảng cách giữa người đứng đầu và phần còn lại lớn như lúc này”, The New York Times dẫn lời chuyên gia về châu Á John Delury của Đại học Yale (Mỹ) nhận định.
Chính vì thế, đối với bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, tìm được người để “nói chuyện” đã khó mà tìm đúng người lại càng khó hơn. Theo nhà quan sát uy tín Bonnie Glaser của CSIS, giới chức Washington thường bước vào một cuộc trao đổi với những người đồng cấp Bắc Kinh với tâm trạng là không biết cuối cùng thì thông điệp của họ sẽ đi về đâu.
RELATED ARTICLES

Tin mới