Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã hậu thuẫn các doanh nghiệp Nhà nước tăng cường hiện diện, khai thác kinh tế ở Biển Đông, bao gồm một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch, dầu khí, viễn thông…nhằm từng bước khẳng định “chủ quyền” (phi pháp) của nước này ở Biển Đông.
Do mối quan hệ đặc biệt đó, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc thường được yêu cầu phục vụ lợi ích quốc gia ở mọi cấp độ. Dù các chủ thể doanh nghiệp không tìm cách áp đặt lên chính sách quốc gia, quy mô và tầm quan trọng của họ chắc chắn có tác động lên hành vi thực tế của Trung Quốc trong tranh chấp, theo đó cũng tác động đối với an ninh khu vực. Tương tự, bằng việc tận dụng khả năng và nguồn lực của các doanh nghiệp này, nhà nước cũng có thể huy động các doanh nghiệp quốc doanh bảo vệ “lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vai trò là công cụ chiến lược đặc biệt trong quan hệ đối ngoại Trung Quốc không có nghĩa các doanh nghiệp quốc doanh hoàn toàn bỏ qua động lực thương mại bởi doanh nghiệp quốc doanh cũng có nhiệm vụ tối đa hóa lợi nhuận của công ty, nhiều quyết định đầu tư của họ được định hướng bởi các nguyên tắc thị trường. doanh nghiệp quốc doanh thường sử dụng lợi ích quốc gia biện minh cho việc tối đa hóa lợi ích kinh tế của riêng mình. Khi cả hai lợi ích song trùng, các doanh nghiệp quốc doanh sẽ chủ động hơn trong hợp tác với các cơ quan nhà nước và tham gia vào hoạt động đối ngoại của Trung Quốc. Đối với các chủ thể doanh nghiệp, kịch bản lý tưởng nhất là có được sự ủng hộ của nhà nước – điều đó sẽ thúc đẩy được lợi ích thương mại doanh nghiệp – trong khi thực hiện đầy đủ yêu cầu của nhà nước. Sự ủng hộ đó là những khoản vay ưu đãi và bảo đảm tín dụng đối với các thương vụ kinh doanh lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chiến lược.
Hầu hết những tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động (phi pháp) ở Biển Đông đều có chung một số đặc điểm sau: Các tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong một môi trường phức tạp và thường không rõ ràng, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới; Đa phần các khu vực mà tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động chủ yếu nằm trong vùng biển của các nước khác, nói cách khác, đa phần các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đều là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác. Cụ thể:
Du lịch, cơ sở hậu cần, xây dựng: Theo giới chuyên gia, cách thức Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách mà ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới. Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác phi pháp khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bao gồm một số lĩnh vực như du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng. CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich phi pháp đến Hoàng Sa bằng tàu thủy. Theo số liệu của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Hải Nam, từ tháng 4/2013 đến nay, đã có hơn 70.000 người dân Trung Quốc đi du lịch phi pháp tới các đảo, đá ở Biển Đông Hoàng Sa. Không chỉ vậy, các công ty du lịch Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh tại quần đảo Hoàng Sa, và được chính quyền hỗ trợ đáng kể. Các hoạt động kiểu này được cho là có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, nhất là khi các tour du lịch bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Người ta tin rằng việc thúc đẩy nguồn tài nguyên du lịch là cách để Trung Quốc tăng cường chủ quyền và quyền lợi mà họ tuyên bố ở Biển Đông. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng đang tìm cách liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch ở Biển Đông. Tháng 4/2016, Tập đoàn Vận tải Hàng hải COSCO đã khai trương một công ty du lịch hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước khác, cụ thể là China Travel Service Group, và China Communications and Constructions Corp. COSCO tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến Đài Loan và các đảo khác ở các nước láng giềng, một phần của chương trình du lịch văn hóa trong khuôn khổ tham vọng “Con đường Tơ lụa trên Biển” của Trung Quốc.
Thăm dò, khai thác dầu khí: Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã chi 32 tỷ USD cho việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trong 10 năm qua, CNOOC đã có nhiều hoạt động tham dò, khai thác phi pháp ở Biển Đông như: CNOOC (5/2011) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24); CNOOC (6/2012) đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); CNOOC (8/2012) lại mời thầu thăm dò, khai thác 22 lô dầu khí ở Biển Đông; CNOOC (25/2/2016) thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông…
Năng lượng: Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển từ những năm đầu của Thế kỷ 21. Được biết, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (8/2017) thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển. Đây có thể là bước đệm để các công ty Trung Quốc thúc đẩy chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi và đưa ra hoạt động ở khu vực Biển Đông. Trong một diễn biến liên quan, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, Quảng Đông, Hồ Bắc, Bột Hải… Theo các cơ quan năng lượng Trung Quốc, tổng công suất tua bin điện gió mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển đạt trên 1.000 MW. Không những vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ.
Viễn thông: Tập đoàn China Telecom, China Mobile Communications của Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 8 trạm phát sóng 4G phi pháp trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mỗi trạm như vậy có tốc độ download dữ liệu đạt 1 Mb/giây. Những Tập đoàn trên cũng hoàn thành phủ sóng phi pháp 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây, đảo Bắc, đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa.
Nhìn chung, từ 2012 đến nay, các chủ thể doanh nghiệp của Trung Quốc đóng vai trò ngày một quan trọng trong thực hiện chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Song, các chủ thể này không hoàn toàn đóng vai trò chính sách độc lập cũng như không mang tính quyết định trong việc định hình chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Với mục tiêu chính trị bao trùm là củng cố yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán trên biển, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp quốc doanh ở Biển Đông. Khi lợi ích kinh doanh còn song trùng với lợi ích quốc gia nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.