Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhiều nước khu vực tăng cường hiện đại hóa quân đội để...

Nhiều nước khu vực tăng cường hiện đại hóa quân đội để tăng khả năng ứng phó với TQ

Nỗ lực kéo dài hơn 4 thập kỷ qua của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội để mở rộng ảnh hưởng theo “Giấc mộng Trung Hoa” đã thúc đẩy các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Philippines… tăng cường hiện đại hóa quốc phòng của mình.

Nhật Bản

Nhật Bản đang hiện đại hóa quân đội để chống lại áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc trong các lĩnh vực hàng không và hàng hải, cũng như cải thiện năng lực phòng thủ của các đảo phía Tây Nam nước này. Tokyo đặc biệt tập trung vào việc thành lập một lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh chóng để cải thiện năng lực viễn chinh của Lực lượng phòng vệ mặt đất, mua một số lượng lớn máy bay chiến đấu F-35B, sửa chữa tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo để hỗ trợ các hoạt động của F-35B và cải thiện năng lực phòng thủ của các đảo phía Tây Nam bằng cách triển khai các tên lửa hành trình chống hạm được đặt ở bờ biển đến một số địa điểm then chốt trong chuỗi đảo Ryukyu. Kể từ khi việc cho phép quân đội Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể được thông qua thành luật năm 2015, Tokyo đã triển khai các tàu của mình tham gia các hoạt động hộ tống của các tàu và máy bay Mỹ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và đã tham gia các cuộc tập trận song phương ở Biển Đông. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có thể tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào năm 2020 về việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản để cho phép phát triển các năng lực tấn công, dù đã thất bại trong việc duy trì sự ủng hộ đủ để thông qua biện pháp này sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2019.

Ấn Độ

Kể từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký 188 hợp đồng mua vũ khí, bao gồm một hợp đồng mua các hệ thống SAM S-400 của Nga vào tháng 10/2018 và một hợp đồng khác mua các hệ thống SAM tối tân của Israel được lắp đặt trên các tàu chiến Ấn Độ. Năm 2019, Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được một nửa trong số 36 máy bay ném bom chiến đấu do Pháp chế tạo mà nước này đã đặt hàng năm 2015 và đã bắt đầu nhận được 22 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache đầu tiên cùng với 15 máy bay trực thăng hạng nặng Chinook do hãng Boeing chế tạo. Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 6 tàu ngầm lớp Scorpene mới và một tàu sân bay mới do chính nước này chế tạo trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.

Indonesia

Ngân sách Bộ Quốc phòng Indonesia năm 2020 tương đương 9 tỷ USD, cho thấy Tổng thống Jokowi đã thực hiện đúng cam kết tranh cử, hướng tới nền quốc phòng chuyên nghiệp và hiệu quả. Indonesia đã công bố sáng kiến mang tính định hướng cho chính sách đối ngoại “Trục biển toàn cầu” (GMF). Trong năm trụ cột của học thuyết GMF, bên cạnh các trụ cột về phát triển kinh tế biển, Indonesia đặc biệt nhấn mạnh: “Là một quốc gia với vai trò là cầu nối giữa hai đại dương, Indonesia phải xây dựng sức mạnh quốc phòng trên biển của mình”. Indonesia chủ trương làm mới, hiện đại hóa trang thiết bị cho lực lượng hải quân, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm. Thậm chí, năm 2011, việc bổ sung tàu ngầm đã sớm được chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Susilo Yudhoyono đưa vào Kế hoạch chiến lược quốc phòng tới năm 2024. Theo đó, hải quân Indonesia dự kiến sẽ đón nhận ít nhất 12 tàu ngầm mới vào năm 2024, bổ sung vào lực lượng tàu ngầm khiêm tốn chỉ với hai chiếc do Đức chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Tham vọng mở rộng hạm đội tàu ngầm của Indonesia là nhằm phục vụ ba lợi ích hàng hải quan trọng. Thứ nhất, việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông có thể gây quan ngại về xung đột vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) với Indonesia; vì vậy, thay vì chờ đợi biện pháp ngoại giao đạt hiệu quả, hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm mục tiêu ngăn chặn là hợp lý hơn cả. Thứ hai, Indonesia sở hữu vị trí địa lý chiến lược quan trọng, trong đó có eo biển Malacca, nơi có tới ¼ tổng số hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển qua. Thứ ba, do đặc điểm được cấu thành từ nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ, chủ quyền trên biển của Indonesia đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất cứ hành vi xâm phạm nào của hải quân nước khác.

Malaysia

Dự thảo Sách Trắng mới nhất của Malaysia đã đề ra các định hướng chiến lược cho quốc phòng từ năm 2020 đến năm 2030, nhấn mạnh Malaysia cần tập trung đối phó với với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, tội phạm mạng và an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng. Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng nước này cần tăng năng lực hải quân để chuẩn bị cho nguy cơ xung đột trên Biển Đông và để ngăn chặn các quốc gia khác có hành vi xâm lấn vào vùng biển chủ quyền của mình.

Sự hiện diện quân sự quốc tế ngày càng tăng ở Biển Đông

Một số nước đã tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông song song với hoặc bên cạnh các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực – mặc dù chưa có nước nào khác cùng với Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý có các cấu trúc địa hình đang bị tranh chấp. Hải quân của Australia thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra hiện diện ở Biển Đông và vào tháng 8/2018, Anh đã cử một tàu tấn công đổ bộ đi qua Biển Đông ở gần quần đảo Hoàng Sa. Nhật Bản, Pháp và Canada cũng đã tăng cường các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông. Vào tháng 5/2019, Hải quân Mỹ, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, Hải quân Philippines và Hải quân Ấn Độ lần đầu tiên đã thực hiện cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đôngtrong một sự kiện kéo dài 4 ngày nhằm thể hiện sự hiện diện và hợp tác quân sự. Cũng trong tháng 5/2019, Hải quân Mỹ đã điều một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến Ấn Độ Dương để tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn cùng với các tàu của Pháp, Nhật Bản và Australia tập trung vào tập trận bắn đạn thật và các cuộc tập trận chiến đấu khác. Lục quân Mỹ cũng đã công bố kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận mới được gọi là “Đội người bảo vệ Thái Bình Dương” vào năm 2020, tập trung vào kịch bản ở Biển Đôngvà có sự tham gia của Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Brunei.

RELATED ARTICLES

Tin mới