Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số đánh giá về tác động từ đại dịch Covid-19 đối...

Một số đánh giá về tác động từ đại dịch Covid-19 đối với nền ninh tế Thái Lan và Indonesia

Thái Lan và Indonesia là hai nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Tuy nhiên, đây cũng là hai nước đang chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, trong đó Thái Lan và Indonesia lần lượt là hai ổ dịch lớn thứ hai, thứ ba (sau Malaysia) tại Đông Nam Á.

Đối với Thái Lan                      

Thái Lan đối mặt với không ít thách thức. Các tướng lĩnh Thái Lan tiếp tục phải vật lộn với một cuộc nổi dậy vốn đã tác động nặng nề đến miền Nam nước này kể từ năm 2004, và chỉ trong tháng 1 vừa qua, hàng nghìn người biểu tình đã tập hợp chống lại thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Trong khi đó, ngày 8/2, một binh lính Thái Lan đã khiến 29 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong một vụ xả súng hàng loạt. Nền kinh tế nước này cũng lâm vào cảnh chật vật. Hơn 40% người dân Thái Lan thừa nhận rằng họ hầu như không đủ tiền mua thực phẩm trong năm 2018, buộc Prayut phải công bố một gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ USD sau khi tăng trưởng kinh tế của Thái Lan thậm chí còn giảm sút hơn nữa trong năm 2019.

Chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) làm bùng phát dịch bệnh gây tổn hại nặng nề cho Trung Quốc và nhiều nước láng giềng kể từ cuối năm 2019 cũng có mặt trong danh sách ngày càng dài những khó khăn của Thái Lan. Thái Lan đã trở thành địa điểm đánh dấu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên thế giới sau khi nước này báo cáo trường hợp lây nhiễm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc vào ngày 13/1/2020. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Ngày 23/3, Thái Lan xác nhận 721 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 – nhiều thứ hai ở Đông Nam Á sau Malaysia. Thái Lan không chỉ là nạn nhân của virus SARS-CoV-2 mà còn có nguy cơ trở thành nơi ủ bệnh. Tốc độ lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 từ Trung Quốc sang Thái Lan cho thấy rõ mức độ gắn kết giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch. Lĩnh vực này chiếm 12%-20% GDP của Thái Lan và phần lớn nguồn thu nhập đó do Trung Quốc đem lại. Năm 2019, gần 11 triệu du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số du khách của nước này trong năm đó (27,6%). Mặc dù các quan chức Trung Quốc và Thái Lan đã được hưởng lợi từ mối quan hệ này, nhưng họ cũng phải hứng chịu rủi ro. Khi giới chức ở Bắc Kinh và trên khắp thế giới hạn chế hoạt động đi lại của công dân Trung Quốc nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, người dân Thái Lan đang hành xử thận trọng hơn. Nhiều người dân Bangkok hiện từ chối mua sắm tại các trung tâm thương mại thường xuyên có du khách Trung Quốc lui tới. Tình trạng lượng du khách Trung Quốc sụt giảm đột ngột, cũng như chính virus SARS-CoV-2, có thể là mối nguy hiểm lớn đối với Thái Lan.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan ước tính rằng lượng du khách Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 9 triệu người vào năm 2020. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các quan chức Thái Lan đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc thiếu vắng du khách Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách Trung Quốc đã giảm 5% sau một vụ tai nạn ở thị trấn Phuket khiến 47 người Trung Quốc tử vong. Việc đồng baht tăng giá cũng đã khiến các điểm du lịch của nước này trở nên đắt đỏ hơn đối với người Trung Quốc, vốn đã chịu tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dịch Covid-19 đã gây sức ép hơn nữa cho một ngành công nghiệp của Thái Lan vốn đã chịu nhiều thách thức. Tháng 10/2019, hãng hàng không quốc gia Thai Airways cảnh báo rằng họ có thể bị phá sản. Năm 2019, Thái Lan đã phải đóng cửa một trong những bãi biển nổi tiếng nhất vì khách du lịch đang gây tổn hại tới một rạn san hô gần đó. Những nỗ lực hiện tại của Trung Quốc nhằm ngăn cản người dân ra nước ngoài nghỉ mát sẽ không giúp Thái Lan vực dậy một nền kinh tế đang giảm tốc và gần như chỉ phụ thuộc vào ngành du lịch. Một báo cáo của Ngân hàng RHB dự đoán rằng dịch Covid-19 sẽ khiến Thái Lan thiệt hại 3,51 tỷ USD và làm giảm lượng du khách Trung Quốc đến nước này.

Prayut Chan-o-cha, vị thủ tướng gây chia rẽ Thái Lan, cũng bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 lan rộng. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã phải lên tiếng bác bỏ tin đồn rằng ông Prayut đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi ông bị ốm và phải hủy bỏ một số sự kiện. Ở cấp độ rộng hơn, Prayut đã bị chỉ trích vì có quá ít hành động trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Về phần mình, cựu Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan đã kêu gọi người dân của mình tin tưởng rằng chính phủ đang có những hành động theo chuẩn mực quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Prayut, Thái Lan đã tiến gần hơn đến Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với tạp chí Time, ông đã coi Trung Quốc là đối tác số một của Thái Lan. Khi nói thêm về mối quan hệ giữa hai nước, ông cho rằng tình hữu nghị giữa Thái Lan và Trung Quốc đã có từ hàng ngàn năm. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Bangkok năm 2019, ông Prayut đã phát đi tín hiệu về mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Thái Lan, bên cạnh việc lôi kéo các nhà đầu tư Trung Quốc và thúc đẩy vai trò của Thái Lan trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Trong cuộc họp diễn ra hồi tháng 9/2019 với Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương Trung Quốc Tống Đào của Trung Quốc, ông Prayut đã lên tiếng bày tỏ sự cảm kích trước việc Trung Quốc khuyến khích du lịch đến Thái Lan. Một tháng trước đó, các quan chức Thái Lan đã đưa ra kế hoạch miễn thị thực tới một năm cho du khách Trung Quốc. Dịch Covid-19 lây lan có ảnh hưởng gì đến sự hợp tác giữa Trung Quốc và Thái Lan trong ngành du lịch vẫn là một câu hỏi mà các quan chức ở Bangkok và Bắc Kinh chưa trả lời được. Với việc ông Prayut vẫn nắm chắc trong tay quyền quyết định đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của Thái Lan, có vẻ như bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào trong quan hệ Trung Quốc-Thái Lan cũng sẽ là điều xa vời.

Trong tương lai gần, sự bùng phát dịch Covid-19 đã buộc Thái Lan phải vật lộn với hậu quả của việc đất nước họ phụ thuộc vào du khách Trung Quốc. Theo ước tính gần đây rằng du lịch từ Trung Quốc chiếm 2,7% nền kinh tế Thái Lan, sự vắng bóng của du khách Trung Quốc đã khiến đồng baht mất giá. Giới chức Thái Lan cũng đã tiến tới yêu cầu du khách Trung Quốc xuất trình giấy chứng nhận y tế, khiến cho ngành du lịch và nền kinh tế Thái Lan nói chung bị thu hẹp hơn nữa.

Thái Lan hiện đã kiềm chế việc sử dụng những biện pháp hạn chế đi lại mà các quốc gia khác đã áp đặt đối với công dân Trung Quốc, có khả năng thừa nhận việc các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục cần sự bảo trợ của Trung Quốc. Theo các nhà báo Trung Quốc, đất nước của họ cũng đang nhận được sự ủng hộ về tinh thần từ Chính phủ Thái Lan và các cán bộ xuất nhập cảnh, một biểu hiện cho sự đồng cảm của Prayut với Trung Quốc. Mặc dù dịch Covid-19 đã phơi bày những nguy cơ mà Thái Lan phải đối mặt khi trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển du lịch, nhưng các quan chức Thái Lan không để lộ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đang suy nghĩ lại mối quan hệ khiến đất nước họ rơi vào cuộc khủng hoảng kép tài chính-y tế. Ông Prayut và giới thân cận có lẽ đã đưa ra kết luận rằng bất kể cái giá phải trả cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc là gì đi nữa, thì nó cũng không lớn bằng cái giá của việc rời xa cường quốc thế giới này.

Đối với Indonesia

Tính đến ngay 23/3, Indonesia đã có 514 người nhiễm Covid-19 (đứng thứ 3 sau Malaysia và Thái Lan tại Đông Nam Á), trong đó 48 người chết vì dịch bệnh này. Với tình hình kinh tế Trung Quốc không ngừng phát triển trong 10 năm qua, du lịch ngày càng trở nên phổ biến đối với người dân nước này. Du khách Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số du khách quốc tế ở nhiều nơi của châu Á và cũng đang gia tăng thị phần của họ trong ngành du lịch ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, giữa tình trạng bùng phát dịch Covid-19 gây chết người bắt nguồn từ Trung Quốc, xu hướng này đã gặp phải trở ngại lớn. Để ngăn chặn chủng virus mới lây lan, chính phủ các nước trên khắp thế giới đã áp đặt các quy định hạn chế đi lại đối với những người đến Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc đến. Một trong những quốc gia này là Indonesia, nơi đón một lượng lớn du khách Trung Quốc hàng năm. Theo thống kê của Indonesia, từ tháng 1 đến tháng 11/2019, 1,9 triệu du khách Trung Quốc đã đến Indonesia, chiếm gần 13% tổng số lượt khách du lịch nước ngoài. Mặc dù Indonesia chưa xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào, nhưng cho đến nay Chính quyền Jakarta đã áp đặt lệnh cấm đi lại giữa Indonesia và Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn loại virus này xâm nhập vào đất nước. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/2. Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc, vốn từng yêu cầu Indonesia làm theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Cơ quan y tế toàn cầu này chưa khuyến nghị các quốc gia hạn chế đi lại với Trung Quốc cho dù đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng virus mới này.

Tuy nhiên, cho đến nay Indonesia đã bỏ ngoài tai lời nói của Trung Quốc. Thay vào đó, Jakarta đã tạm dừng các điều khoản miễn thị thực và cấp thị thực khi nhập cảnh cho công dân Trung Quốc và yêu cầu phải tiến hành kiểm tra y tế đối với các thành viên phi hành đoàn sau khi họ hạ cánh. Thậm chí ngay cả khi đó, phi hành đoàn cũng không được phép xuống máy bay. Mặc dù có thể hiểu được chính sách của Indonesia khi số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng, nhưng động thái cấm đi lại giữa hai nước sẽ không chỉ làm gián đoạn ngành du lịch nói riêng mà còn có thể tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế và quan hệ Indonesia-Trung Quốc nói chung.

Như Bộ trưởng Du lịch Indonesia đã khẳng định, nước này dự kiến sẽ mất khoảng 4 tỷ USD do hạn chế đi lại. Và Chính quyền Jokowi sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là thu hút 10 triệu du khách Trung Quốc đến Indonesia mỗi năm. Các điểm du lịch lớn của Indonesia, nơi tiếp nhận số lượng lớn du khách Trung Quốc, đã hủy nhiều chuyến bay đến/từ Trung Quốc. Chẳng hạn, sân bay Bali đã hủy 125 chuyến bay mỗi tuần từ 22 điểm đến tại Trung Quốc. Hơn nữa, sân bay Sam Ratulangi ở Manado cũng đã hủy 28 chuyến bay từ 10 điểm đến của Trung Quốc. Theo Cơ quan du lịch Bali, ít nhất 15.000 du khách Trung Quốc phải hủy chuyến du lịch đến hòn đảo này do dịch Covid-19. Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch Indonesia tại Bali đã báo cáo rằng khoảng 1.000 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung đã mất việc làm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Điều quan trọng cần lưu ý là doanh thu từ du lịch và các ngành liên quan chiếm 5% GDP của Indonesia và phần lớn doanh thu đó đến từ Bali. Sự vắng bóng của du khách Trung Quốc gây ra những tác động tiêu cực đáng kể về kinh tế và khiến quốc gia này có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng lượng du khách quốc tế lên 17,3 triệu trong năm 2020. Bên cạnh du lịch, lệnh cấm đối với du khách Trung Quốc cũng có thể tác động đến mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Jakarta và Bắc Kinh. Dù chỉ tập trung vào hoạt động đi lại của người dân, nhưng lệnh cấm này chắc chắn cũng sẽ tác động đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, khi xét tới số lượng chuyến bay bị hủy. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani đã tuyên bố rằng dịch Covid-19, hiện đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, cũng sẽ có tác động đến Indonesia, đặc biệt là khi đề cập đến việc xuất khẩu và nhập khẩu.

Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên khẳng định rằng hành động ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến quan hệ thương mại giữa hai nước. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại khi hai nước là những đối tác lớn của nhau. Indonesia đã nhập khẩu 44,5 tỷ USD các sản phẩm không phải là dầu khí từ Trung Quốc vào năm 2019, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Indonesia. Một lĩnh vực cụ thể có thể bị ảnh hưởng là ô tô. Vũ Hán được biết đến với các sản phẩm dùng cho ô tô, thường được xuất khẩu sang Indonesia, đặc biệt là phụ tùng. Xét tới việc Indonesia đã từng bước chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của mình, đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hợp tác Jakarta-Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng là thực phẩm. Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia đã hạn chế nhập khẩu cá sống từ Trung Quốc. Nước này cũng tạm thời thiết lập các biện pháp hạn chế nhập khẩu tất cả các động vật sống từ Trung Quốc. Động thái như vậy không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, mà cả Indonesia. Như Mulyani đã khẳng định, Indonesia không dễ gì có thể ngừng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Động thái cấm du khách đến và từ Trung Quốc của Jakarta cũng có thể tác động đến mối quan hệ của họ với Bắc Kinh về mặt chính trị. Kể từ khi lệnh cấm được công bố, Trung Quốc đã liên tục lên tiếng bày tỏ sự bất đồng. Theo quan điểm của Trung Quốc, lệnh cấm không có ý nghĩa gì, vì Indonesia không tuân theo khuyến nghị của WHO rằng sản phẩm nhập khẩu không gây hại gì trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Trung Quốc đã cáo buộc Indonesia phản ứng thái quá và cảnh báo rằng điều đó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các khoản đầu tư.

Mặc dù Indonesia có thể bị coi là phản ứng thái quá về vấn đề này, song động thái của Jakarta tạm thời cấm người dân đi lại giữa hai nước thực sự có ý nghĩa khi số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt quá 60.000 ca và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ngay sau khi đợt bùng phát này kết thúc, Indonesia cần phải xem xét lại ngay chính sách của mình vì lệnh cấm này tác động tiêu cực không chỉ đến nền kinh tế mà còn cả mối quan hệ với một trong những đối tác quan trọng nhất của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới