Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLà thành viên, song TQ đang coi thường UNCLOS 1982

Là thành viên, song TQ đang coi thường UNCLOS 1982

Trung Quốc là là nước thứ 92 phê chuẩn và tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Tuy nhiên, Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn không coi trọng và thực thi các quy định của UNCLOS 1982.

Được ký kết ngày 30/4/1982 và thông qua ngày 10/12/1982 tại Môntêgobay (Jamaica), với 320 điều khoản, 17 phần và 9 phụ lục, UNCLOS 1982 đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển. Hầu hết các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đều tuân thủ nghiêm và thực thi đầy đủ các quy định của Công ước. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là một ngoại lệ – nước luôn đặt ra cho mình những quy tắc riêng nhằm chiếm phần tiện nghi và củng cố các yêu sách “chủ quyền” thái quá trên Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải.

Ngay từ khi tham gia UNCLOS 1982, Trung Quốc đã nghiên cứu và ban hành nhiều nội luật nhằm tìm cách tối đa hóa lợi ích trên biển, cũng như tìm cách hiện thức hóa âm mưu chiếm trọn Biển Đông. Việc Trung Quốc vận dụng các quy định của UNCLOS 1982 để ban hành các chính sách, pháp luật biển tồn tại nhiều vấn đề bất cập, mâu thuẫn. Trong đó nổi lên một số điểm chính:

Quy chế pháp lý của đảo và quần đảo không phù hợp

Theo quan điểm của Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo và được hưởng đầy đủ quy chế pháp lý được quy định tại Điều 121 UNCLOS 1982. Quan điểm này được thể hiện cụ thể thông qua phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo cho vùng đảo Hoàng Sa trong Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải CHND Trung Hoa năm 1996 và tuyên bố “quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) được hưởng đầy đủ Lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và Thềm lục địa” được khẳng định trong Công hàm CML/8/2011 ngày 14/04/2011 và “Báo cáo trình bày lập trường chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng” ngày 07/12/2014. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 121 UNCLOS 1982, để được coi là đảo thì cấu tạo địa chất đó phải đáp ứng được các điều kiện đó là “một vùng đất tự nhiên”, “có nước bao bọc”, “ở trên mặt nước khi thủy triều lên”; và để được hưởng đầy đủ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì đảo đó phải đáp ứng được điều kiện là “thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng”.

Xem xét về đặc điểm tự nhiên và cấu tạo địa chất, địa mạo hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể thấy: Hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở khu vực trung tâm Biển Đông, phần lớn là những bãi cát không thể trồng trọt; vào khoảng một chục đảo khác là do những mỏm đá tạo thành. Trong vùng đảo Hoàng Sa chỉ có 8 hòn đảo là luôn nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên. Còn vùng đảo Trường Sa có từ 25 đến 35 vị trí (trong tổng số khoảng 80 đến 90 vị trí) nằm trên mặt nước biển lúc thủy triều lên cao. Hai vùng đảo này hầu như bao gồm các đảo đá, nằm ở khu vực trung tâm Biển Đông, mỗi đảo có diện tích rất nhỏ (đảo lớn nhất Ba Bình rộng khoảng 1,2 km2, đảo Phú Lâm rộng khoảng 1,5 km2), cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt bão tố nhiều, không thích hợp cho con người đến ở và cho một đời sống kinh tế riêng nên xung quanh các đảo này chỉ có thể có nội thủy và lãnh hải mà thôi, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo khoản 3 Điều 121 UNCLOS 1982). Do đó, việc Trung Quốc tuyên bố hai vùng đảo này có đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là hoàn toàn trái với các quy định của UNCLOS 1982.

Đường cơ sở đi ngược lại các quy định

Trong Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải năm 1996, Trung Quốc đã công bố hệ thống các điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Qua hệ thống các điểm cơ sở được công bố, có thể thấy Trung Quốc đã vạch đường cơ sở thẳng nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá của quần đảo tương tự như cách vạch đường cơ sở quần đảo của quốc gia quần đảo quy định tại Điều 47 phần IV UNCLOS 1982. Tuy nhiên, diện tích mà hệ đường cơ sở này của Trung Quốc bao lấy là một khu vực rộng 17.000 km², trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa chỉ khoảng 10 km², không phù hợp tỷ lệ giữa khoảng 1:1 và 9:1.

Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà Trung Quốc sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy bất kỳ một vùng biển nào mà Trung Quốc tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của UNCLOS 1982. Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo nên việc xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa theo như trong Tuyên bố năm 1996 của nước này là chưa phù hợp với quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Quy chế pháp lý của các vùng biển không phù hợp

Sự phi lý trong các quy định liên quan đến quy chế pháp lý của lãnh hải: UNCLOS 1982 ghi nhận quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải cho tàu thuyền nước ngoài (Điều 17) mà không bị cản trở hay hạn chế (Điều 24). Tuy nhiên, với quy định “tàu thuyền quân sự nước ngoài vào lãnh hải nước Cộng hòa nhân nhân Trung Hoa phải được sự phê chuẩn của Chính phủ nước CHND Trung Hoa” tại Điều 6, Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, Trung Quốc đã hạn chế phạm vi đối tượng được hưởng quyền đi qua không gây hại theo quy định của UNCLOS 1982, xâm phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật quốc tế về quy chế pháp lý của lãnh hải.

Bên cạnh đó, sự phi lý trong các quy định liên quan đến quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa: Trung Quốc thông qua các việc ban hành Luật Ngư nghiệp năm 1986 (sửa đổi năm 2000); Luật Tài nguyên khoáng sản năm 1986, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam năm 2012; Dự thảo sửa đổi biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp năm 2013… nhằm quản lý, kiểm soát tài nguyên biển, can thiệp vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của UNCLOS 1982 về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên biển, quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đặc biệt, với quy định tại Điều 14, Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998, Trung Quốc đã đề cao “quyền lợi mang tính lịch sử của nước CHND Trung Hoa” cao hơn cả quy định của luật và thực tiễn quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa các yêu sách bành trướng và phi pháp của mình.

Quy định về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển

Các quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản trên biển của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực Biển Đông: Bằng việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông vào mùa cao điểm từ năm 1999 đến nay, quy định nghĩa vụ phải xin phép cho tàu thuyền nước ngoài và quyền xua đổi, tịch thu tài sản, xử phạt hành chính và quyền truy tố đối với tàu thuyển và thủ thủ đoàn nước ngoài tại vùng biển chiếm 2/3 Biển Đông – nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và một số nước ASEAN trong Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013; Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa, có hiệu lực từ 1/1/2014, Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng đến việc thực thi chủ quyền chủ quyền và quyền tài của Việt Nam và các quốc gia khu vực Biển Đông, trong đó trực tiếp nhất đó là quyền của quốc gia ven biển đối với việc khai thác tài nguyên sinh vật được ghi nhận trong điểm a, khoản 1, Điều 56 và quyền tự do hàng hải của quốc gia ven biển được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 87 UNCLOS 1982.

Chính sách “đảo hóa”

Sau khi sử dụng vũ lực chiếm 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, biến các bãi cạn, đảo đá này thành những tiền đồn quân sự phi pháp trên Biển Đông. Để thực hiện được những hành vi trên, Trung Quốc đã “bóp méo” và đi ngược lại các quy định của UNCLOS 1982.

Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông xâm phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường biển, về quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo, thiết bị công trình trên biển được quy định trong UNCLOS 1982: Với hàng loạt các hoạt động nạo vét, cải tạo các thực thể ngầm ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường biển theo quy định tại Điều 14, nghĩa vụ hợp tác trong bảo vệ môi trường, được quy định tại Điều 197-201, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo quy định tại Điều 192-196, Điều 207-298 UNCLOS 1982. Các hoạt động này còn trái với tinh thần của nguyên tắc 2 trong Tuyên bố Stockholm năm 1972 của Hội nghị LHQ về môi trường con người, cũng như không phù hợp với nguyên tắc 7 của Tuyên bố Rio De Janeiro năm 1992 về môi trường và phát triển, vi phạm Công ước về đa dạng sinh học, Công ước về bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị quyết của các Hội nghị môi trường thế giới… Ngoài ra, với tuyên bố cấm tàu thuyền và các phương tiện bay nước ngoài được quyền đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về khu vực an toàn của thiết bị, công trình nhân tạo trên biển theo Điều 60 và Điều 80 UNLCOS 1982. 

Nhìn chung, với vai trò là cường quốc trên thế giới, Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên của UNCLOS 1982 song Bắc Kinh không tuân thủ các quy định của Công ước. Hành vi này của Trung Quốc là bỏ qua các quy định của luật pháp quốc tế để triển khai các hoạt động trên thực địa, tìm cách khẳng định yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, cũng như Hoa Đông và Hoàng Hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới