Trung Quốc mới đây đã điều một nhóm tàu “dân quân biển” gia tăng hoạt động phi pháp xung quanh Cụm Đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dường đi của 5 tàu dân quân biển Trung Quốc qua cụm đảo Sinh Tồn
Theo hình ảnh vệ tinh do Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cung cấp, trong tháng 3/2019, một đội tàu Trung Quốc đã di chuyển qua Cụm Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đội tàu trên hiện đang ở đá Gạc Ma, ở góc Tây Nam của Cụm đảo Sinh Tồn
Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy năm tàu Lực lượng Dân quân Biển Vũ trang Nhân dân (PAFMM) – với các ký hiệu Yuetaiyu (Tàu cá) 18777, 18333, 18888, 18222 và 18555 – vào đầu tháng 3 đã qua lại giữa Đá Subi (do Trung Quốc bối lấp nên và thường là trạm dừng cho các tàu của Trung Quốc bố trí tới khu vực này) và đảo Thị Tứ (đang bị Philippines chiếm đóng trái phép của Việt Nam). Các tàu vừa nêu trước hết dừng tại Đá Ba Đầu, ở phía Đông Bắc Cụm đảo Sinh Tồn, từ ngày 3 – 8/3. Sau đó, các tàu di chuyển về phía Tây Nam đến Đá Tư Nghĩa, đi qua đảo Sinh Tồn Đông và di chuyển phía Tây gần đảo Sinh Tồn. Các tàu này nán lại gần Sinh Tồn trong khoảng thời gian từ ngày 13-18/3. Bên cạnh đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu khác tập trung tại Cụm đảo Sinh Tồn mặc dù danh tính của các tàu không rõ ràng. Khoảng 12 tàu đã di chuyển đến Đá Tư Nghĩa trong khoảng thời gian từ 8-13/3. Ngoài ra, hàng chục tàu khác đã nán lại ở phía Đông Bắc của Cụm đảo Sinh Tồn, bên trong Đá Ba Đầu, ít nhất kể từ ngày 6/3 và vẫn ở trong khu vực này cho đến ngày 19/3.
Các tàu thuộc dòng Yuetaiyu ( Tàu Cá) đã từng đến Đá Tư Nghĩa và sau đó đến đảo Sinh Tồn, đã di chuyển đến Đá Gạc Ma hôm ngày 18/3. Một lần nữa, hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng tàu xuất hiện trong khu vực nhiều hơn hẳn so với năm tàu mà AIS, Automtatic Identification System (Hệ thống Nhận dạng Tự động), phát ra tín hiệu. Tất cả các tàu được yêu cầu phải có thiết bị phát đáp AIS để hỗ trợ mục đích theo dõi các trường hợp tìm kiếm và cứu hộ cũng như cho việc thực thi pháp luật. Mặc dù vậy, các tàu dân quân biển Trung Quốc thường xuyên tắt các thiết bị phát đáp AIS để che giấu hoạt động của mình. Rõ ràng đây là thực tế hiện nay khi hình ảnh vệ tinh cho thấy có ít nhất 30 tàu vừa xuất hiện tại Đá Gạc Ma.
Theo giới truyền thông, Trung Quốc không hề công khai hoạt động đưa tàu của họ vào Cụm đảo Sinh Tồn. Lực lượng Dân quân Biển Vũ trang Nhân dân (PAFMM) thường bao gồm những tàu được ngụy trang bề ngoài là tàu đánh cá – mặc dù những tàu này không tham gia đánh bắt cá. Sự hiện diện của những tàu này đồng nghĩa với việc “treo cờ” cho Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp mà không cần sự hiện diện công khai của lực lượng quân sự có thể dẫn đến việc lên án của cộng đồng quốc tế.
Được biết, “Dân quân biển” Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao, song có những địa phương cũng tuyển chọn cả cựu binh hải quân. Tuy không thuộc lực lượng vũ trang, song Dân quân biển Trung Quốc do Chính phủ xây dựng, quản lý, kiểm soát hoạt động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự địa phương. Về cơ bản, dân quân biển Trung Quốc là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ địa phương Trung Quốc do Cục dự bị động viên thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc soạn thảo, ban hành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương đảm bảo trực tiếp về lương, kinh phí huấn luyện hoặc kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 750.000 người và 140.000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không. Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.
Nhiệm vụ chính của dân quân biển Trung Quốc: Thứ nhất, đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông. Thứ hai, tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Quốc. Thứ ba, bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh. Thứ tư, hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra. Thứ năm, cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Quốc. Thứ sáu, vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.
Về ngân sách hoạt động: Chi phí cho các hoạt động hàng ngày của dân quân biển do ngân sách của thành phố hoặc huyện mà tàu này đăng ký chịu trách nhiệm, còn trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ có quy mô lớn hơn hoặc các chiến dịch đặc biệt thì chi phí đó được ngân sách của tỉnh chi trả. Chính quyền các cấp như đã nói ở trên cũng quy định cụ thể mức bù đắp các khoản chi phí cho dân quân biển khi tiến hành chiến dịch hoặc là bồi thường cho dân quân biển nếu các tàu của họ bị hư hại khi thực hiện nhiệm vụ. Để đảm bảo hoạt động cho lực lượng dân quân biển, Chính quyền Trung Quốc đã huy động nhiều bộ ngành tham gia, bao gồm Bộ Tư lệnh bảo vệ hải sản, Cục các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, Cục vận tải quân sự và các cơ quan khác của Hải quân… Theo giáo sư Andrew Erickson (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) Chính phủ Trung Quốc chi trả rất hậu cho lực lượng dân quân biển, thông thường một thuyền viên được chính phủ Trung Quốc trả 13.000 USD/năm, trong khi thuyền trưởng được trả 25.000 USD/năm. Tại các địa phương đều có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy dân quân biển riêng, ví dụ như Chính quyền Hải Nam có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt thông qua hình thức trợ giá, hỗ trợ tài chính, trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu…
Về trang thiết bị trên tàu: Các tàu dân quân biển cỡ lớn được trang bị vũ khí hạng nhẹ; tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các mạn thành và thân tàu được gia cố nhằm tăng độ cứng và chống va chạm; trang bị hệ thống định vị vệ tinh và kênh liên lạc riêng. Hiện tàu lớn nhất của dân quân biển Trung Quốc có chiều dài khoảng 60m, chiều ngang 10m, tải trọng khoảng 750 tấn; các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn.
Về công tác huấn luyện, đào tạo: Lực lượng dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện theo nhiều chương trình khác nhau, từ kỹ năng phân biệt, nhận dạng các tàu đến sử dụng vũ khí và các hoạt động kinh tế-quân sự. Ngoài ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc cũng được đào tạo về chính trị và kiến thức an ninh quốc phòng nhằm tăng cường tinh thần dân tộc và tuyệt đối phục tùng các mệnh lệnh của quân đội Trung Quốc. Hãng tin Reuters hồi đầu tháng 5/2016 tiết lộ, Trung Quốc đã mở khóa huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam, biến họ thành “dân quân” rồi đưa xuống phía Nam Biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Những ngư dân tham dự khóa học kéo dài 4 tháng, khóa huấn luyện hoàn toàn miễn phí, gồm các nội dung huấn luyện quân sự cơ bản, tìm kiếm cứu hộ, xử lý thảm họa trên biển, thu thập thông tin về tàu nước ngoài và bảo vệ “chủ quyền” trên biển.
Tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc duy trì 4 đơn vị dân quân biển lớn phụ trách chủ yếu hoạt động trên Biển Đông của tỉnh Hải Nam, trong đo: Đội Dân quân Đơn Châu vẫn hoạt động và phát triển ngày nay, có tiền thân là đại đội dân quân đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 khi Trung Quốc chiếm trái phép phần phía Tây Hoàng Sa từ Việt nam. Đội dân quân Đàm Môn, được thành lập năm 1985, hỗ trợ hoạt động xây dựng cấu trúc thế hệ đầu trên các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Truờng Sa như đá Vành Khăn trong những năm 1990 và gần đây đóng vai trò then chốt trong hoạt động chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012. Đội dân quân biển thuộc Thành phố Tam Á có vai trò tiền tuyến trong việc quấy rối hoạt động của tàu Impeccable tháng 03/2009. Bên cạnh đó, các đơn vị Dân quân biển từ tỉnh Hải Nam, bao gồm các đơn vị then chốt từ Tam Á và Đàm Môn đã tham gia vào vụ việc kéo dài 2 tháng liên quan tới giàn khoan HD 981 đặt tại vùng EEZ của Việt Nam vào năm 2014. Đơn vị mới thành lập gần đây nhất là Đội dân quân biển thành phố “Tam Sa”, đóng căn cứ trái phép tại Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, một thành phố cấp quận có nhiệm vụ quản lý các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfild, và bãi cạn Scaborough, và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đáng chú ý, tại “Tam Sa”, Trung Quốc đang xây dựng trái phép một mô hình mới để phát triển Dân quân biển. Đội dân quân thuộc Công ty phát triển Thủy sản Thành phố “Tam Sa” được thành lập để trước hết trở thành lực lượng bán quân sự chuyên nghiệp, sau đó mới là nhiệm vụ đánh cá. Các thành viên Đội Dân quân biển “Tam Sa” từng được chụp ảnh khi đang chuyển các thùng hàng có dán nhãn “vũ khí nhẹ” lên một trong số vài chục tàu lớn mới được trang bị của họ. Tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các thành chống va chạm, và thân tàu được gia cố tăng độ cứng, những đặc điểm rất hữu hiệu cho việc phun nước và va chạm quyết liệt. Các tàu lớn nhất của “Đội Dân quân biển Tam Sa” có chiều dài 59 mét, chiều ngang 9 mét, có tải trọng khoảng 750 tấn. Các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn. Tất cả các tàu đều có tải trọng tương đối lớn, và chiều dài lớn tàu tuần tra lớp Parola mà Nhật Bản đang chế tạo cho Philippines. Nhiều tàu mới này được cho là “có nơi đặt vũ khí và trang bị”, và “kho đạn”.
Từ những vấn đề ở trên cho thấy, bất chấp diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, Trung Quốc cũng không quên sử dụng lực lượng dân quân biển gia tăng hoạt động trái phép trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc nước này đưa lượng lớn tàu dân quân biển hiện diện trong khu vực đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma của Việt Nam là hành vi khiêu khích, đe dọa chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.