Trong buổi trả lời họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (26/3) đã đưa ra một số tuyên bố liên quan hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời xuyên tạc cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền cố hữu” trong vùng biển này.
Liên quan việc tàu chiến Type 052D của Trung Quốc chiếu laser vào máy bay trình sát P-8A của Mỹ khi hoạt động trong vùng biển quốc tế, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho rằng Bắc Kinh đã thể hiện rõ lập trường. Sự thật là khá rõ ràng. Vào ngày 17 tháng 2, trong cuộc tập trận thường lệ của Hải quân Trung Quốc tổ chức trên biển vùng biển quốc tế, máy bay trinh sát P-8 của Hải quân Hoa Kỳ đã tiếp cận hạm đội Trung Quốc để thực hiện các hoạt động trinh sát trong hơn 4 giờ bất chấp cảnh báo từ phía Trung Quốc. Các hoạt động nguy hiểm của Hoa Kỳ là cực kỳ không chuẩn mực, cực kỳ không chuyên nghiệp và cực kỳ không an toàn.
Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ đã tiếp cận trinh sát ở các khu vực trên không và trên biển đối mặt với Trung Quốc, theo dõi hoạt động của máy bay, tàu chiến của Trung Quốc trong một thời gian dài, và thậm chí đã gây ra nhiều cách tiếp cận nguy hiểm và khẩn cấp. Hành vi khiêu khích này của Hoa Kỳ làm suy yếu lợi ích an ninh của Trung Quốc và gây nguy hiểm cho sự an toàn của cả máy bay hải quân và sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc. Phía Mỹ không chỉ nhắm mắt làm ngơ với điều này, mà thường đưa ra những tuyên bố ngụy biện và chỉ trích Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và yêu cầu Hoa Kỳ ngừng thực hiện các hành động khiêu khích và nguy hiểm tương tự và không làm mất uy tín của Trung Quốc, tránh làm tổn hại mối quan hệ chung giữa hai nước.
Về việc tàu chiến Mỹ tập trận, tuần tra ở Biển Đông và máy bay Mỹ bay qua khu vực, ông Nhậm Quốc Cường cho biết, vào ngày 10 tháng 3, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mc Campbell đã “xâm nhập vào vùng lãnh hải của Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa”. Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã tổ chức các lực lượng trên biển và trên không để theo dõi, giám sát, nhận diện và cảnh báo tàu Mỹ; tái khẳng định “quần đảo Tây Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc và không có tranh chấp về chủ quyền”. Tàu chiến của Hoa Kỳ đã đột nhập vào “lãnh hải của Trung Quốc” mà không được phép và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc “chủ quyền và an ninh quốc gia”.
Hiện tại, với những “nỗ lực” chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông tiếp tục phát triển tốt. Hoa Kỳ đã nhiều lần phái các tàu chiến và máy bay chiến đấu tiến hành các cuộc tập trận chung và mục tiêu khiêu khích trên biển Đông, dùng chiêu bài “tự do hàng hải”, đe dọa an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông, phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực, Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này.
Liên quan việc Trung Quốc tuần tra ở khu vực eo biển Đài Loan, ông Nhậm cho biết: Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc tổ chức một loạt các hoạt động quân sự, bao gồm tập trận sẵn sàng chiến đấu và diễn tập chung, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan và bảo vệ lợi ích chung của đồng bào ở hai bờ eo biển Đài Loan.
Trong giai đoạn gần đây, Hoa Kỳ tiếp tục có những hành động tiêu cực đối với vấn đề Đài Loan, bao gồm cho phép Lại Thanh Đức đến Hoa Kỳ, Hoa Kỳ xem xét và thông qua cái gọi là “Dự luật Đài Bắc” và liên tục cử tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan. Hành động của Hoa Kỳ can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan, làm tổn hại nghiêm trọng các mối quan hệ quân sự Trung-Mỹ và đưa ra các tín hiệu sai cho lực lượng “Đài Độc”. Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và sự phản đối kiên quyết. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép các lực lượng nước ngoài ủng hộ các thế lực “Đài Độc”. Quân đội Trung Quốc có một ý chí vững chắc, đầy đủ tự tin và đủ khả năng để ngăn chặn mọi hoạt động ly khai và bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Trên thực tế, Trung Quốc không hề có “chủ quyền” đối với khu vực Biển Đông. Thậm chí Trung Quốc còn tìm mọi cách để ngụy tạo chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường nói họ có đầy đủ chứng cứ để chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và “làm chủ” Biển Đông từ cách đây hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, trên thực tế họ không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích một cách tùy tiện theo ý mình rằng đó là bằng chứng về việc họ phát hiện và khai thác hai quần đảo này. Với cách thức tập hợp rất nhiều đoạn trích dẫn có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện là cách Trung Quốc tung hỏa mù để đánh lừa cộng đồng quốc tế về “chủ quyền” ở Biển Đông. Không những vậy, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để tuyên truyền, củng cố, ngụy tạo chứng cứ pháp lý để tìm cách khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu dựa trên một số khía cạnh như: Trung Quốc có “chủ quyền” lịch sử ở Biển Đông; Khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được xác định từ phần lãnh thổ Trung Quốc có “chủ quyền”; Ngư dân Trung Quốc phát hiện sớm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hiệp ước Pháp – Thanh (26/6/1887) về phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc kỳ khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông…
Bên cnahj đó, Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (12/7/2016) đã ra phán quyết kết luận: Nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này đã bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với quy chế Vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS 1982. Tòa cũng nhận thấy, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước khác đã sử dụng các đảo ở Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã độc quyền kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Chính vì vậy, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.
Ngoài ra, trong quá khứ, Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.