Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm trong đại dịch virus Vũ Hán, thậm chí lợi dụng bối cảnh hiện tại để tô vẽ cho bản thân mình. Đừng để điều đó xảy ra.
Trên là câu mở đầu bài bình luận có tựa đề “Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng đại dịch virus corona để tô vẽ cho mình” của tác giả Michael Sobolik trên tạp chí National Review ngày 27/3. Ông là nhà nghiên cứu khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tại tổ chức Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, D.C. Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông:
Khi nhắc đến đại dịch virus Vũ Hán đang hoành hành toàn cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đóng vai trò là kẻ đổ dầu vào lửa lẫn người chữa cháy.
Phản ứng đầu tiên của chính quyền độc tài Trung Quốc là thái độ đe nẹt dư luận. ĐCSTQ đã tích cực kiềm chế thông tin về sự tồn tại của virus Vũ Hán bằng cách bịt miệng các bác sĩ và cấm các chuyên gia y tế công bố những phát hiện có thể cứu sống nhiều sinh mạng. Khi chính quyền này không còn có thể phủ nhận sự bùng phát của dịch bệnh, nó đã tỏ ra bối rối vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay khi các ca lây nhiễm ở Vũ Hán và các thành phố lân cận tăng vọt, bởi nó chỉ quan tâm đến quyền lực độc tài của mình hơn là lợi ích của người dân. Đến tháng Hai, khi dịch virus Vũ Hán lan rộng khắp thế giới, vì để bảo vệ danh tiếng, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gây áp lực để các nước láng giềng không ban hành lệnh cấm người Trung Quốc nhập cảnh do lo ngại dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc đang tìm cách minh oan cho những thất bại của mình – và đổ lỗi trong đại dịch này cho các quốc gia khác, ví như Mỹ.
Bối cảnh lịch sử này khá là quan trọng. Theo một nghiên cứu tại Đại học Southampton ở Anh, nếu các nhà cầm quyền Trung Quốc hành động nhanh chóng, họ đã có thể hạ thấp số trường hợp lây nhiễm tại chính quốc gia của họ xuống 95%. Thay vào đó, sự hoang tưởng chính trị của ĐCSTQ đã biến một đợt bùng phát virus cục bộ thành một đại dịch toàn cầu, với hơn 22.000 ca tử vong được báo cáo trên phạm vi toàn thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tác động kinh tế toàn cầu của dịch virus Vũ Hán sẽ không thua kém so với cuộc Đại suy thoái kinh tế năm 2008, thậm chí vượt quá con số đó.
Trên thực tế, điều này chỉ đúng nếu những số liệu báo cáo từ Trung Quốc là xác thực. Với tiếng tăm của ĐCSTQ trong việc thay đổi số liệu để phục vụ lợi ích chính trị của mình, số người chết và tác động đối với nền kinh tế có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Như tình hình hiện tại, sự thất bại mang tính thể chế của chính quyền Trung Quốc đang trở thành bài test khả năng chống chọi của các hệ thống chăm sóc sức khỏe của mọi quốc gia trên toàn cầu. Các bệnh viện ở Ý đang tràn ngập bệnh nhân, Mỹ thì sắp sửa hết máy thở trong vòng bốn tuần, còn ở Iran thì cứ mười phút lại có một người tử vong vì viêm phổi Vũ Hán.
Trong cuộc khủng hoảng này, ĐCSTQ hiện đang làm việc rất vất vả – nhưng không phải để sửa chữa những sai lầm, mà là để viết lại lịch sử. Chính quyền này đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền trên nhiều mặt trận để đổ lỗi cho Mỹ, cùng lúc tuyên truyền rằng phản ứng của Trung Quốc trong dịch bệnh đã giúp phần còn lại của thế giới có đủ thời gian chuẩn bị để ứng phó. Chính phủ Trung Quốc cũng tự tuyên truyền bản thân như một nhà cung ứng dịch vụ y tế toàn cầu, khi tiếp tế mặt nạ và bộ dụng cụ xét nghiệm cho các quốc gia đang bị thiếu hụt trên thế giới.
Tất nhiên, Trung Quốc đúng khi cung cấp thiết bị y tế cho các quốc gia đang cần. Nhưng chính phủ của nó lại trộn lẫn những thông tin sai lệch vào các gói viện trợ này.
Những lời nói dối này nhằm đạt được một mục đích cao hơn cho chính quyền: biến virus Vũ Hán thành một công cụ tuyên truyền tích cực cho ĐCSTQ. Tuần trước, hãng tư vấn Horizon Advocacy đã công bố một báo cáo, dựa trên các nguồn thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó nêu chi tiết kế hoạch nhằm định hình nền kinh tế của nó trong các lĩnh vực chiến lược nhằm vượt mặt các quốc gia công nghiệp hóa khác hiện vẫn đang quay cuồng vì tác động của dịch bệnh. Theo Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc, Trung Quốc phải khởi động nền kinh tế của mình để “mở đường cho việc mở rộng thị trường quốc tế sau khi dịch bệnh kết thúc”.
Các nhà hoạch định chính sách ở Washington nên coi trọng việc này. Nhưng họ không nên giả định rằng bạn bè và đối tác của họ cũng có khả năng nhận thức tương tự. Trong những năm gần đây, Trung Quốc – thông qua các hãng như Huawei cùng với dự án “Sáng kiến Vành đai và Con đường” – đã vươn chiếc vòi bạch tuộc kinh tế ra toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc chưa nhận thức được bản chất thực sự của hệ thống chính trị của nó và mối đe dọa mà nó gây ra.
Mỹ phải vô hiệu hóa chiến dịch bóp méo thông tin của ĐCSTQ. Chỉ khi làm được vậy, chúng ta mới có thể củng cố sự đoàn kết ở quê nhà.
Cho đến nay, hầu hết các cuộc thảo luận sôi nổi ở Mỹ đều xoay quanh quyết định của Tổng thống Trump khi gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc (Chinese virus)”. Không phải ông chọn cách dùng từ như vậy với dụng ý phân biệt chủng tộc – cũng như vô số nhà báo và chuyên gia khác đã sử dụng cụm từ tương tự trong suốt tháng một đầu năm – mà là để đáp trả lại tuyên truyền của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, cụm từ này, dù chính xác về mặt kỹ thuật, vẫn chưa đủ sức phân biệt rõ ràng giữa người dân Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người dân Trung Quốc không phải là người khởi xướng cuộc khủng hoảng này, mà là những nạn nhân đầu tiên của phản ứng tự bảo vệ của ĐCSTQ.
Sự khác biệt này có ý nghĩa quan trọng hơn một thông điệp mang tính quan hệ công chúng thông thường; bởi nó là một sự khác biệt quan trọng mà các nhà lãnh đạo Mỹ phải hiểu rõ. Chúng ta không thể kháng lại ĐCSTQ nếu chúng ta không phân biệt được giữa người bị hại và người gây hại – giống như người Mỹ không thể đoàn kết thế giới lại trong khi đưa ra những giả định tồi tệ nhất về nhau.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã châm ngòi cho ngọn lửa này. Nhưng nó lại đang muốn nổi lên từ đống tro tàn như một vị cứu tinh của nhân loại. Do đó, cho dù Trung Quốc đang muốn thể hiện một số động thái hỗ trợ thế giới chống dịch, người Mỹ chúng ta cần phải sát cánh với nhau và gọi cái chính quyền đó bằng một cái tên thích đáng: kẻ chủ mưu của dịch bệnh.