Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững tuyên bố phi lý của Trung Quốc về yêu sách thềm...

Những tuyên bố phi lý của Trung Quốc về yêu sách thềm lục địa mở rộng: Cậy nước lớn để đứng trên luật pháp quốc tế

Việc Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố ngụy biện “chủ quyền” ở Biển Đông là chuyện “cơm bữa”. Tuy nhiên, nước này ngang nhiên lồng ghép, đưa những yêu sách “chủ quyền” (phi pháp) vào các văn bản gửi Liên hợp quốc là không thể chấp nhận được. Hành vi này của Trung Quốc là cậy nước lớn để chèn ép nước nhỏ và đứng trên luật pháp quốc tế.

Sự phi lý trong Công hàm gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Trung Quốc

Sau khi Malaysia (12/12/2019) và Philippines (23/3/2020) đệ trình các Công hàm về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, phái đoàn thường trực của Trung Quốc ở Liên hợp quốc đã gửi 02 Công hàm mang tính chất “phản đối” Malaysia và Philippines; đồng thời lồng ghép các thông tin sai sự thật nhằm ngụy tạo và bao biện cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của nước này ở Biển Đông.

Trong nội dung Công hàm của Trung Quốc vẫn là giọng điệu quen thuộc khi tìm cách xuyên tạc, ngụy biện về cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Theo đó, phía Trung Quốc cho rằng: “ Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo thuộc Biển Đông, bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa; Các quần đảo của Trung Quốc ở Biển Đông có nội thủy, vùng lãnh hải và khu vực tiếp giáp; Các quần đảo của Trung Quốc ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có tính quyền lợi lịch sử. Lập trường trên của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế có liên quan, là nhất quán và rõ ràng”.

Hay trong Công hàm (26/3/2020), Trung Quốc tiếp tục ngang ngược cho rằng: “Trung Quốc khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. Chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Cái gọi là Kalayaan Island Group là một phần của quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Philippines. Cho tới những năm 70, Philippines đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp một số cấu trúc biển này. Philippines không thể viện dẫn vào hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp này để bảo vệ cho yêu sách lãnh thổ của họ. Là một phần của Trung Sa quần đảo, Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền một cách hiệu quả và liên tục và quyền tài phán tại Scarborough. Yêu sách lãnh thổ phi pháp của Philippines đối với Scarborough hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tìm cách bác bỏ phán quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài (12/7/2016) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; tiếp tục cho rằng Toà Trọng tài “không có thẩm quyền vì tranh chấp này liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phân định biển và thực hiện quyền tài phán, nên Toà này đã vi phạm UNCLOS” và “hành động và Phán quyết của Toà này là phi pháp, bất chính. Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết này và không bao giờ chấp nhận các hành vi hoặc các yêu sách dựa trên Phán quyết này”. Đồng thời gây sức ép, yêu cầu “Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc không xem xét đến đệ trình về thềm lục địa mở rộng này của Malaysia”.

Công hàm của Trung Quốc không có giá trị pháp lý

Trên thực tế, thế giới chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển lân cận. Đồng thời, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Bộ Ngoại giao, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa lần đầu tiên được thiết lập vào khoảng giữa thế kỷ thứ 15 và 18; các hoàng đế Gia Long và Minh Mạng đã tổ chức các nghi lễ tôn giáo ở đây vào thế kỷ thứ 19; sau đó nằm dưới sự quản lý tạm thời của người Pháp vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20; sau được quản lý một cách công khai, hoà bình và bình thường bởi nước Việt Nam độc lập. Các hoạt động trong đó bao gồm: Phê duyệt các hợp đồng thương mại quốc tế đối với các hoạt động kinh tế của quần đảo; tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật đối với việc xâm nhập phi pháp của người dân Trung Quốc và ngăn chặn buôn lậu vũ khí và thuốc phiện; thực hiện khai thác có hệ thống các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo; tổ chức các hoạt động bảo trợ cho các quốc gia khác; đặt quân đội đồn trú và chính quyền dân sự trên đảo; đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược của Trung Quốc và Nhật Bản; xây dựng miếu thờ và đền thờ; thu thuế; tổ chức và thực hiện các cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học ở quần đảo này; tổ chức và thực hiện khảo sát thuỷ văn đối với các tuyến đường biển và trồng câ trên các đảo để tăng cường an toàn giao thông hàng hải; triển khai các hoạt động cứu trợ tàu bè nước ngoài gặp nạn trên biển; và đảm bảo an toàn cho các tuyến đường giao thông trên biển.

Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tế đương đại. Do đó, hành động chiếm giữ trên của Trung Quốc không cấu thành nên “chủ quyền” cho Trung Quốc đối với vùng biển này. Theo đó, Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không những vậy, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.

Dựa trên UNCLOS 1982 có thể thấy: Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.

Ngoài ra, về yêu sách vùng biển theo “đường 9 đoạn”, Trung Quốc cho rằng vùng biển có thể là vùng nước lịch sử hoặc vùng nước mà Trung Quốc có quyền lịch sử. Cho dù hiểu theo cách giải thích nào thì “đường 9 đoạn” đã ra đời từ trước khi các luật lệ quốc tế về biển ra đời, nên Trung Quốc cho rằng yêu sách “đường 9 đoạn” không bị ràng buộc hoặc điều chỉnh bởi các điều khoản của những luật lệ đó. Giá trị pháp lý của “đường 9 đoạn” phải được xem xét dưới góc độ của luật pháp quốc tế đương đại (tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm mà đường này được vẽ ra), chứ không thể áp dụng Công ước Luật biển 1982. Nhưng trên thực tế, vào thời điểm công bố bản đồ, Trung Quốc chưa từng đưa ra sự giải thích chính thức nào về ý nghĩa pháp lý hay yêu sách của đường này, các bản đồ này chỉ có nguồn gốc từ công trình của một cá nhân, do một cá nhân vẽ ra, không có sự ủy quyền từ Nhà nước, không có sự giải thích chính thức từ Nhà nước, thì quá trình sử dụng đó chẳng thể tạo ra một danh nghĩa lịch sử hay pháp lý nào cho yêu sách sau này của Trung Quốc. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (12/7/2016) đã ra phán quyết kết luận: Nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này đã bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với quy chế Vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS 1982. Tòa cũng nhận thấy, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước khác đã sử dụng các đảo ở Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã độc quyền kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Chính vì vậy, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.

Từ những vấn đề trên cho thấy, nội dung Công hàm của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc gửi Ủy ban Ranh giới là không thể chấp nhận được. Vì Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền ở Biển Đông và hành vi xâm chiếm biển, đảo của Bắc Kinh đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Thiết nghĩ, với tư cách là một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, tuân thủ các quỵ định, luật pháp quốc tế. Không nên cậy là nước lớn để chèn ép các nước nhỏ và ngồi trên luật pháp quốc tế, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới