Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ thương mại hiện nay đang lan sang các lĩnh vực khác và ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là trên lĩnh vực công nghệ. Trong môi trường quốc tế hiện nay, cạnh tranh vị trí thống trị công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những tác động sâu rộng đến sự phát triển của thế giới, khu vực và các quốc gia.
Cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – TQ
Thế giới hiện đang bước vào thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp này được nhận định có khả năng tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội với quy mô và mức độ lớn hơn nhiều so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Đồng thời, cục diện an ninh – chính trị thế giới cũng biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ đến an ninh và phát triển của mọi quốc gia. Nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chủ trương có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc đang nổi lên trở thành “tâm điểm” của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới, mà rộng hơn là giữa hai siêu cường với sức mạnh tổng hợp vượt trội so với các quốc gia còn lại.
Kể từ sau Chiến tranh lạnh tới nay, lần đầu tiên Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc – một cường quốc có quy mô kinh tế vượt Mỹ vào năm 2014 (tính ngang giá sức mua), không là đồng minh, không cùng hệ giá trị và có năng lực công nghệ trong một số lĩnh vực, như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), đủ để tạo ra thách thức đối với an ninh của Mỹ. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2017 coi năng lực công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này. Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 được tổ chức ở Singapore (6/2019), quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã cáo buộc Trung Quốc “lấy cắp” công nghệ từ các quốc gia khác và cảnh báo nguy cơ gián điệp từ mạng viễn thông của Tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông Hoa Vi. Trước các cáo buộc từ phía Mỹ, ngày 02/6/2019, Trung Quốc đã công bố Sách trắng “Lập trường của Trung Quốc về các cuộc tham vấn kinh tế – thương mại Trung Quốc – Mỹ” khẳng định Trung Quốc không “lấy cắp” công nghệ mà nỗ lực tự phát triển công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Trên thực tế, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ không phải là mới. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, vấn đề này dần trở thành “tâm điểm” trong cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, bắt nguồn bởi một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, việc các quốc gia tiên phong đi đầu trong những lĩnh vực công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, như 5G, AI, dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT)… có ý nghĩa chiến lược đối với sức mạnh quốc gia. Lịch sử cho thấy, khoa học – công nghệ luôn là nhân tố quyết định làm thay đổi sự cân bằng lực lượng toàn cầu. Hơn nữa, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh công nghệ cũng ảnh hưởng đến tương quan sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Các công nghệ robot, AI có thể tạo ra những loại vũ khí tự động, các cỗ máy trinh sát/sát thương có khả năng tự chiến đấu vượt trội.
Thứ hai, khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu hẹp đáng kể, một số lĩnh vực, như 5G, AI của Trung Quốc thậm chí còn ngang tầm hoặc vượt trội so với Mỹ. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2017, Mỹ đầu tư 484 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chiếm khoảng 25% R&D toàn cầu; Trung Quốc đầu tư 443 tỷ USD, chiếm khoảng 22% R&D toàn cầu. Từ năm 2016 đến năm 2018, đầu tư R&D của Trung Quốc liên tục ở mức 2% GDP. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Mỹ phải có hành động để duy trì ưu thế vượt trội về công nghệ, cũng là duy trì vị trí siêu cường toàn cầu khi Mỹ đang có ưu thế tương đối về công nghệ so với Trung Quốc.
Thứ ba, kể từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã chuyển từ sách lược “giấu mình chờ thời” sang “nỗ lực đạt được thành tựu”, với tham vọng trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025) được Trung Quốc công bố vào năm 2015, đặt mục tiêu hình thành năng lực tự chủ công nghệ – sáng tạo, trong 10 năm sẽ đi đầu thế giới trên 10 lĩnh vực, gồm công nghệ – thông tin, robot, công nghệ vũ trụ, hóa dược phẩm…. Như vậy, Trung Quốc đã công khai các mục tiêu vươn lên toàn cầu về khoa học – công nghệ, trực tiếp tạo ra thách thức đối với Mỹ.
Kết quả là trước mối đe dọa về công nghệ từ Trung Quốc, Mỹ đã triển khai một loạt biện pháp phòng vệ, bao gồm: Thắt chặt một loạt quy định mới nhằm ngăn chặn nước ngoài chiếm các công nghệ chủ chốt, công nghệ mới của Mỹ qua hoạt động đầu tư và xuất khẩu công nghệ; đẩy mạnh hoạt động phản gián trong lĩnh vực công nghệ; tăng thuế quan đối với các mặt hàng công nghệ của Mỹ. Đầu năm 2019, các cơ quan tình báo của Mỹ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, các quỹ đầu tư và trường đại học của Mỹ để cảnh báo về các nguy cơ trong hợp tác với Trung Quốc. Các động thái của Mỹ đã tạo tâm lý “bất an”, khiến nhiều tập đoàn lớn, như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc, Broadcom Inc, ARM, Google… phải tạm thời ngưng bán linh kiện hoặc hợp tác với Tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc.
Cạnh tranh công nghệ Mỹ – TQ tác động lớn đến thế giới và khu vực
Về chính trị – an ninh, cạnh tranh công nghệ – nhân tố chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, được dự báo không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc mà còn tác động không nhỏ đến môi trường an ninh và phát triển của các nước còn lại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua cuộc chạy đua vị trí thống trị về công nghệ trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng hệ thống riêng của mình về chiến lược, trật tự và chuỗi giá trị. Khi đó, các nước trong khu vực sẽ phải đối mặt với tình thế là phải lựa chọn hệ thống của bên nào. Về kinh tế, thương mại, đầu tư, các tác động cộng hưởng của cạnh tranh thương mại, công nghệ Mỹ – Trung Quốc được dự báo là khá tiêu cực. Ở góc độ liên kết và hội nhập, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc, trong đó trọng tâm là cạnh tranh công nghệ có thể dẫn tới một “tiến trình phi toàn cầu hóa”, gia tăng sự chia cắt nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực tới các luồng luân chuyển của thương mại hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ và dữ liệu.
Trong lĩnh vực công nghệ, cựu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Hank Paulson đã cảnh báo về khả năng hình thành “bức màn sắt kinh tế” trên toàn cầu khi Mỹ và Trung Quốc triển khai các biện pháp, như cấm hoặc hạn chế mua, bán, xuất – nhập khẩu các sản phẩm công nghệ và công nghệ kỹ thuật cao… Nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm dần sự phụ thuộc lẫn nhau trong các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng công nghệ trên toàn cầu. Nhìn về dài hạn, các chuyên gia cũng nhận định có thể xuất hiện các mô hình quản trị công nghệ khác nhau trên thế giới, có thể cạnh tranh lẫn nhau về tiêu chuẩn và loại hình công nghệ, với sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ, ngoài ra là Nga và Liên minh châu Âu (EU).