Diễn đàn Sinodefenceforum (06/4) cho biết, Trung Quốc đã hạ thủy tàu đổ bộ trực thăng lớp Type-075 thứ hai tại nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải. Với việc sở hữu 2 siêu tàu đổ bộ cỡ lớn, năng lực tác chiến biển xa của Trung Quốc sẽ được cải thiện lớn.
02 tàu đổ bộ Type-075 của Trung Quốc
Trên các trang diễn đàn quân sự của Trung Quốc đăng tải hình ảnh được cho là chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng thứ 2 thuộc lớp Type-075 của Trung Quốc vừa được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua) tại Thượng Hải.
Type-075 được đánh giá là siêu tàu đổ bộ trực thăng, có khả năng tác chiến biển xa. Tàu dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn, có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Type-075 sẽ được trang bị các loại trực thăng chiến đấu Z-8 và Z-9, xa hơn là loại trực thăng Z-20 (nhiều chuyên gia cho đây là mẫu copy của trực thăng MH-60 của Mỹ). Cả hai loại trực thăng Z-8 và Z-9 đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền. Đặc biệt, Z-9 còn có thể phóng tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng với việc hạ thủy tàu Type-075 thứ hai, hải quân Trung Quốc sẽ xây dựng hạm đội tác chiến biển xa hiện đại gồm tàu sân bay, tàu đổ bộ Type-071, tàu đổ bộ Type-975, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục đa năng Type-055, tàu khu trục hạm phòng không Type-052C/D và tàu tàu tiếp vận hạng nặng Type-901. Đội hình tác chiến trên sẽ có trách nhiệm đổ quân kiểm soát các khu vực bờ biển và lãnh thổ đối phương, sau khi hải quân và không quân trên hạm sử dụng hỏa lực pháo và tiêm kích “làm mềm” chiến trường. Các biên đội tàu sân bay trực thăng và tàu đổ bộ hạng nặng có thể hoạt động độc lập hoặc tác chiến hiệp đồng với nhóm tác chiến tàu sân bay. Khu trục hạm đa năng Type 055 sẽ đảm nhận chức năng phòng không tầm xa, đối phó với chiến hạm đối phương nhờ 112 ống phóng thẳng đứng mang nhiều loại tên lửa khác nhau; nhiệm vụ phòng không được hỗ trợ bởi tàu khu trục Type 052C/D; các loại tàu tiếp vận hạng nặng như Type 901 đóng vai trò quan trọng chuyên chở nhiên liệu, vũ khí và nhu yếu phẩm để cung cấp cho các tàu chiến khác.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển lực lượng hải quân. Hải quân đã được mở rộng với tốc độ đầy ấn tượng, trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính về số lượng tàu. Năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã đưa 18 tàu vào hoạt động, trong khi đó Hải quân Mỹ mới chỉ có 5 tàu. Chất lượng tàu của PLA cũng đã được cải thiện: Theo ghi nhận của tổ chức RAND, hơn 70% hạm đội của PLA có thể được xếp vào loại hiện đại trong năm 2017, tăng so với mức dưới 50% trong năm 2010. Các chuyên gia cho biết với quân số ước tính 250.000 binh sĩ đang tại ngũ, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng chiếm ưu thế tại các vùng biển gần Trung Quốc và đang tiến hành nhiều hoạt động hơn ở những vùng biển xa hơn. Một trong những ưu tiên của Trung Quốc trong công cuộc hiện đại hóa quân sự là trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Trung Quốc có hai tàu sân bay, trong khi đó Mỹ có 11 tàu. Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được chế tạo trong nước và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, hải quân Trung Quốc có tổng số 300 tàu, nhiều hơn so với 290 tàu của hải quân Mỹ. Số lượng tàu chiến Trung Quốc vượt quá thành phần của Hải quân Hoa Kỳ đến 13 đơn vị. Con số này tính đến số lượng tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục,chiến hạm, tàu hộ tống, tàu ngầm và tàu đổ bộ. Hiện giờ hạm đội Trung Quốc, theo số liệu của CSIS, có nhiều tàu hơn Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cộng lại. Hạm đội của Bắc Kinh bao gồm 23 tàu khu trục, 59 chiến hạm, 37 tàu hộ tống và 76 tàu ngầm, bao gồm cả tàu hạt nhân. Việc xây tăng cường lực lượng chính của Trung Quốc tập trung vào tàu trên mặt nước.
Tuy nhiên, cấu trúc của hạm đôi hải quân hai nước rất khác biệt. Washington có tới gần 2 tá tàu sân bay+ tàu đổ bộ trực thăng phục vụ tác chiến tầm xa, trong khi đó 1/3 hạm đội của hải quân Trung Quốc là các tàu tên lửa cỡ nhỏ phục vụ tuần tra ven biển. Đội tàu cỡ nhỏ này giúp hải quân Trung Quốc bảo vệ vùng ven biển rộng lớn, nhiệm vụ của chúng còn là các đảo và dãy đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép trên Biển Đông. Ở vùng biển này, hải quân Trung Quốc được hỗ trợ bởi đội ngũ dân quân biển.