Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ đếm tiền, thế giới đếm xác trong đại dịch

TQ đếm tiền, thế giới đếm xác trong đại dịch

Các nước châu Âu đã bắt đầu nhận ra, trong quan hệ với Trung Quốc, họ không thể tin tưởng những nụ cười của đối tác được nữa…

Phóng viên Christian Stenzel đã đúc kết ngay trong câu đầu tiên của bài viết có tên “Đây là cách Trung Quốc cười vào mặt thế giới” trên trang Bild (Đức) rằng:

Thành công lớn nhất của Trung Quốc là đồ sứ, giấy và sự lừa dối.

“… Sự bùng nổ của dịch corona cho chúng ta thấy một cách đau đớn nhất (về) quốc gia của những nụ cười nhạo, cười vào mặt chúng ta. Hết lần này đến lần khác”.

Trục lợi trong đại nạn

Với lợi thế của một quốc gia sản xuất hơn một nửa sản lượng khẩu trang trên thế giới cũng như máy trợ thở, bộ (kit) xét nghiệm và nhiều thiết bị y tế khác, Trung Quốc ra sức quảng bá hình ảnh “cứu giúp thế giới” trong đại dịch virus Vũ Hán. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc tới con số 82 quốc gia đã được chính quyền nước này trợ giúp về y tế.

Nhưng phương tây đã sớm nhận ra và gọi tên “chính sách ngoại giao khẩu trang” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời cảnh báo về mục tiêu thoái bỏ trách nhiệm gây bùng phát dịch bệnh đằng sau chính sách ngoại giao này. Không chỉ thế, chính sách này còn bị nhận định là hành động nhằm giành lấy vị thế của Mỹ sau khi Trung Quốc tạm thua trong cuộc chiến thương mại với nước này.

Sử gia tại Bắc Kinh, Chương Lập Phàm nói: “Vào lúc mà Mỹ cũng chịu tác hại nặng nề của dịch COVID-19, Trung Quốc nghĩ là đã đến lúc họ đứng lên giành quyền lãnh đạo thế giới”.

Tờ Les Echos của Pháp nêu ra một ví dụ dễ nhận thấy, rằng Hiệp hội Jack Ma của Mã Vân, người sáng lập tập đoàn Trung Quốc Alibaba, thông báo sẽ giúp 24 quốc gia Châu Mỹ La Tinh. Đây vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

 Trong khi thế giới quay cuồng tìm cách vượt qua đại dịch, ĐCSTQ chỉ nghĩ tới việc làm mọi cách để thu lợi cho mình và thoái thác trách nhiệm, xóa sạch tội lỗi.

Theo NTDVN, “truyền thông Úc đã tiết lộ rằng ngay khi virus chỉ mới bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, các doanh nghiệp có vốn của Trung Quốc đã nhận được lệnh từ chính quyền Trung Quốc rằng: phải ‘vơ vét mua sạch’ vật tư y tế trên toàn cầu rồi chuyển về Trung Quốc”.

Từ tháng 1, tập đoàn bất động sản toàn cầu hàng đầu Greenland Group đã được Trung ương và chính quyền thành phố Thượng Hải yêu cầu đẩy mạnh mua sắm vật tư y tế trên toàn cầu. Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài cũng phối hợp mở ra các chương trình và kênh nhận quyên góp vật tư phòng chống dịch.

Giờ đây, khi châu Âu ngả nghiêng vì thiếu vật tư y tế, những chiếc khẩu trang bình thường có giá thành rẻ đã được bán trên thị trường với giá hơn 20 euro. Không thể nói, cuộc mua sắm ồ ạt và các “chương trình ngụy trang nhận quyên góp” ở nước ngoài của ĐCSTQ định hướng trước đó là hoàn toàn vô can.

Ảnh: Shutterstock.

Các quốc gia lần lượt nhận hậu quả từ Trung Quốc

Phóng viên Christian Stenzel đánh giá: “Điều cay đắng là: Trong nhiều tuần, Đức không làm gì khi Trung Quốc ngụy trang con virus corona của họ, không có biện pháp cản trở người dân Trung Quốc vui vẻ (đi du lịch) đến đất nước chúng ta. Chúng ta còn vỗ tay khen ngợi kỷ lục xây dựng bệnh viện dã chiến thần tốc của họ”.

 Nước láng giềng Pháp cũng chung thảm cảnh, tờ Libération đã giật tít báo “Tất cả các chỉ số đều màu đỏ”, báo động làn sóng bệnh nhân đổ về bệnh viện, ngành y tế Pháp đang phải chịu cú sốc lớn.

Ngày 28/3, Bộ trưởng Y tế Pháp nói rằng các thiết bị Trung Quốc bán cho châu Âu không đủ độ tin cậy. Còn Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất khẩu trang tại Saint-Barthélemy d’Anjou, rằng phải cho ra những sản phẩm đạt 100% chất lượng của Pháp, trên đất Pháp. “Chúng ta phải hoàn toàn tự chủ… Phải rút ra bài học từ những hậu quả này”, ông nhấn mạnh.

Ai cũng hiểu, hậu quả này là gì và vì sao Pháp phải gấp rút tự chủ về nguồn cung khẩu trang. Nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris cho rằng hành động này của các chính khách Pháp là có hàm ý tố cáo Trung Quốc, và ông gọi tên tương quan giữa Pháp và Trung Quốc trong mối quan hệ ngoại giao y tế này là: “Kẻ đếm tiền, người đếm xác”.

Trước đó, Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm và Vi trùng Lâm sàng Tây Ban Nha công bố trên trang web chính thức, độ chính xác của bộ kit xét nghiệm từ Công ty Công nghệ Sinh học Bioeasy Thâm Quyến chỉ đạt 30%.

Theo Middle East Eye, các quan chức của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xác nhận, họ đã phát hiện ra rằng bộ kit xét nghiệm nhanh do Trung Quốc sản xuất chỉ có độ chính xác từ 30% – 35%.

 Ngày 29/3, truyền thông Hà Lan đưa tin, nước này đã nhập khẩu hơn một triệu khẩu trang từ Trung Quốc, trong đó 600.000 chiếc không đạt tiêu chuẩn. Ngày 29/3, truyền thông Cộng hòa Séc cũng đưa tin nghi ngờ về tỷ lệ chính xác của các bộ kit xét nghiệm của Trung Quốc chỉ đạt 20%.

Cũng trong ngày, trang tin Đông Phương của Hồng Kông cho hay, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire nói kết quả xét nghiệm của các bộ dụng cụ từ các quốc gia và các tổ chức khác cho kết quả chính xác hơn của Trung Quốc. Tỷ lệ chính xác của lô kit xét nghiệm đầu tiên do Trung Quốc tặng chỉ là 40%.

Ngày 2/4, Washington Examiner cho hay, thống đốc bang New York cũng đã cung cấp gói ưu đãi cho các công ty Mỹ sản xuất đồ bảo hộ, để nước này có thể ngừng mua vật tư bảo hộ chống virus Vũ Hán từ Trung Quốc.

Tất nhiên Trung Quốc ngay lập tức yêu cầu các nước không được chính trị hóa hoạt động hỗ trợ y tế. Nhưng ngay từ đầu, chính ĐCSTQ đã chính trị hóa các hoạt động này khi tranh thủ ngoại giao khẩu trang để nâng tầm vị thế và lấp liếm trách nhiệm làm bùng phát đại dịch do giấu giếm thông tin.

Không thể phủ nhận liên đới

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ lật tẩy chất lượng khẩu trang và kit xét nghiệm mà Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia. Nó cho thấy một điều không thể chối cãi về tính hợp lý của sự tồn tại và sự hiệu quả trong đường lối chỉ đạo chính phủ của ĐCSTQ.

Nếu là do việc lách luật, quản lý lỏng lẻo của các bộ phận liên quan, thì rõ ràng năng lực quản lý và điều hành đất nước của chính quyền Trung Quốc là yếu kém.

Còn nếu là đây là một chính sách cố tình gây thiệt hại cho phương Tây, thì sự thâm độc và biến dị của ĐCSTQ càng không thể chấp nhận được.

ĐCSTQ không thể cứ đổ lỗi cho các doanh nghiệp tham lam, đổ lỗi cho công tác vận chuyển không đúng cách… Đạo đức nghề nghiệp của các doanh nghiệp Trung Quốc, cái danh “made in China” không mấy tốt đẹp của sản phẩm Trung Quốc, chính nó đã phản ánh đạo đức và bản chất của thể chế ĐCSTQ. Nó cho phép, nuôi dưỡng, thậm chí thúc ép những người trong hệ thống phải làm sai để đạt được lợi ích. Trong một thể chế tham nhũng, nhũng nhiễu và chèn ép doanh nghiệp, kết quả sẽ thể hiện ra qua cung cách làm việc, trách nhiệm cộng đồng, đạo đức nghề nghiệp của các doanh nghiệp.

Con hư cha mẹ không thể không có lỗi. Người Trung Hoa xưa đều hiểu: “Người muốn quản lý quốc gia thì trước tiên tu sửa gia đình” – (Lễ ký – Đại học). Khổng Tử cũng từng nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn bình thiên hạ thì những bước đầu tiên là phải tu thân, tề gia. Sửa thân mình, dạy dỗ con cái và nâng đỡ gia đình cho tốt thì mới nghĩ đến việc lớn hơn. Thế nên có thể nhìn ngược lại, người không thể tu mình, dạy con thì không thể làm việc lớn cho tử tế.

ĐCSTQ không thể phủ nhận mọi liên đới với sự thất đức của các doanh nghiệp Trung Quốc và sự quan liêu, tắc trách của quan chức các cấp. Cuối cùng thì thế giới cũng nhận ra, trong hoàn cảnh nào, ĐCSTQ cũng sẽ chỉ nghĩ tới lợi ích của họ và “cười vào mặt thế giới, hết lần này tới lần khác”.

RELATED ARTICLES

Tin mới