Các nền dân chủ phương Tây có thể thua trong cuộc chiến tuyên truyền virus corona, nhưng Trung Quốc chưa chắc đã thắng, theo nhận định của học giả Salvatore Babones, Đại học Sydney, đăng trên tờ Foreign Policy ngày 6/4.
Nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ý thì phải quay lại Con đường Tơ lụa, tuyến đường bộ được các thương nhân trao đổi hàng hóa đã hình thành từ thế kỷ 13.
Hai anh em Niccolò và Maffeo Polo, thương gia người Venice (Ý) đã tới Bắc Kinh vào năm 1266. Họ trở thành những người Tây Âu đầu tiên tới thăm Trung Quốc. Năm 1271, họ lại thực hiện hành trình này và mang theo con trai của ông Niccolò là Marco Polo. Những nhà thám hiểm đi dọc Con đường Tơ lụa xuyên Trung Á tới Trung Quốc, và hành trình trở về của họ là bằng đường biển, tới Sumatra, Sri Lanka và có ghé qua Gujarat.
Ngày nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc tung ra một tấm bản đồ gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), còn được gọi là “Con đường tơ lụa mới”, bao gồm một kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông do Trung Quốc quy hoạch và kết nối nó tới châu Âu, châu Phi và phần còn lại của châu Á.
Dịch hạch ‘Cái chết đen’
Gần nửa thế kỷ sau khi nhà Polo trở về Ý từ chuyến đi Trung Quốc, một trận dịch hạch bùng phát và di chuyển theo những tuyến đường mà những thương nhân Ý đã đi, để tới phương Tây, nơi đây căn bệnh được gọi là Cái chết đen.
Dịch hạch được cho là đã lan truyền trên cả đường bộ lẫn đường biển, bắt nguồn từ Trung Quốc và theo các tuyến đường thương mại để đến châu Âu và Trung Đông. Cả hai tuyến đều hội tụ ở Ý, nơi dịch hạch làm chết 75% dân số ở một số khu vực.
Trong dịch bệnh này, các thương nhân quốc tế trên khắp miền bắc nước Ý có thể đóng một vai trò trong việc truyền bệnh sang phần còn lại của châu Âu.
Bức Le Triomphe de la Mort vẽ khoảng năm 1562 của họa sĩ Phục hưng Pieter Bruegel phản ánh những biến động và sợ hãi mang tính toàn xã hội theo sau bệnh dịch hạch tàn phá châu Âu Trung Cổ (nguồn ảnh: wikimedia).
Giống như Cái chết đen, virus corona hiện đã lấy đi sinh mạng của nhiều người bên ngoài Trung Quốc. Các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, thậm chí cả quốc gia giàu có như Thụy Sĩ đã cho thấy họ không thể khống chế virus. Hoa Kỳ cũng chao đảo bởi virus này.
Khi virus corona tàn phá phương Tây, chính quyền Trung Quốc đã thành công trong việc thêu dệt những bài tuyên truyền rằng họ đã dập tắt dịch bệnh. Bắc Kinh tranh thủ thời điểm các đối tác liên minh châu Âu chưa kịp giúp đỡ Ý, đã gửi khẩu trang, mặt nạ phòng độc, thậm chí cả các bác sĩ chuyên khoa tới quê hương của Marco Polo.
Ba năm trước, tại một hội nghị BRI, Trung Quốc tuyên bố về một “con đường tơ lụa sức khỏe” kết nối châu Âu với Trung Quốc. Trong khi nCoV lan khỏi Trung Quốc dọc theo các tuyến BRI, thì cũng chính hành lang giao thông đó đang được Trung Quốc sử dụng để vận chuyển thiết bị y tế hỗ trợ cho các đối tác nhằm định vị là người lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tờ Forber cho biết, vào ngày 21/3 một chuyến tàu chở 110.000 khẩu trang y tế và 775 bộ trang phục bảo hộ đã khởi hành từ Nghĩa Ô (Yiwu), ở phía Đông Trung Quốc, đi đến Tây Ban Nha nơi gánh chịu thiệt hại nặng vì virus, cách đó 17 ngày đường và 13.000 km.
Năm 2019, khi thủ tướng Ý Giuseppe Conte đưa nước Ý gia nhập BRI, có lẽ lúc đó ông hy vọng một làn sóng đầu tư của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế xuống dốc của đất nước. Cuối cùng, ông đã đối mặt với một sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc là Covid-19. Nó đã thực sự hình thành một “Con đường tơ lụa mới”.
Việc Ý trở thành nước đầu tiên trong số các nền kinh tế phát triển tham gia BRI cũng đã khiến nhiều đồng minh phương Tây lo ngại. Theo BBC, có 29 thỏa thuận với tổng trị giá 2,5 tỷ euro đã được ký kết trong chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Rome.
Trung Quốc giấu dịch Covid-19 như giấu dịch SARS
Không ai biết chắc chắn về nguồn gốc của virus corona, nhưng căn bệnh này dường như lần đầu tiên lây lan ở một khu chợ bán thực phẩm tươi sống ở Vũ Hán. Vào năm 2002, dịch SARS (SARS-CoV-1) cũng gây ra một căn bệnh đường hô hấp, cùng họ với virus corona gây dịch Covid-19 (SARS-CoV-2), dường như cũng phát sinh từ các chợ này.
Trong dịch SARS năm đó cũng có một “người hùng bi thảm” như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng đã tử vong vì nhiễm nCoV, đó là tài xế xe cứu thương Fan Xinde, nhân viên y tế đầu tiên chết vì tiếp xúc với bệnh nhân SARS.
‘Virus có thể là thế lực tự nhiên’
Học giả Salvatore Babones trong bài phân tích của mình cho rằng “con virus corona” này có thể là thế lực tự nhiên, nhưng “đại dịch” viêm phổi Vũ Hán dường như là do chính quyền Trung Quốc gây ra.
Nhằm đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ đang bận rộn để biến đại dịch virus corona thành lợi thế tuyên truyền bằng cách cung cấp viện trợ cho các quốc gia bị virus tấn công và tung hô cái gọi là “sự thành công” của mình trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Trên thực tế, ĐCSTQ đã xuất khẩu cái gọi là biện pháp kiểm soát cực đoan vì sức khỏe cộng đồng thông qua “Đồng thuận Bắc Kinh”, “mô hình Trung Quốc” của một chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị mà nó đã phát tán kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009.