Không quân Triều Tiên lần đầu trưng bày tên lửa đối đất Kh-29 cùng nhiều vũ khí dẫn đường trong chuyến thăm căn cứ Sunchon của lãnh đạo Kim Jong-un.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hồi đầu tuần công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm, giám sát đợt diễn tập ở căn cứ không quân Sunchon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là nơi đóng quân của các phi đội tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-25, những chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế Triều Tiên.
Khu trưng bày vũ khí của cường kích Su-25 có sự hiện diện của tên lửa đối đất dẫn đường bằng laser Kh-29L và Kh-25ML, cùng hệ thống gây nhiễu SPS-141, bệ phóng rocket và cụm pháo SPPU-22.
“Lần đầu tiên có hình ảnh xác nhận Triều Tiên đang biên chế tên lửa đối đất Kh-29L. Cần nhớ rằng đó không phải tên lửa mới, nhiều khả năng họ đã triển khai vũ khí này cùng cường kích Su-25 từ năm 1988, chỉ là phải mất đến 30 năm để chúng ta được tận mắt thấy nó”, nhà phân tích quân sự Joseph Dempsey viết trên mạng xã hội Twitter.
Kh-29 là tên lửa không đối đất được Liên Xô chế tạo từ năm 1980, có tầm bắn 10-30 km tùy phiên bản. Tên lửa được trang bị nhiều đầu dẫn như laser, quang điện tử và ảnh nhiệt. Phiên bản Kh-29L của Triều Tiên sử dụng đầu dò laser bán chủ động, tương tự tên lửa đối đất AGM-65E Maverick của Mỹ.
Tên lửa Kh-29 chuyên dùng để tấn công các mục tiêu lớn, kiên cố như cơ sở hạ tầng công nghiệp, cầu đường, tàu chiến với lượng giãn nước tới 10.000 tấn, nhà chứa máy bay và đường băng. Mỗi quả đạn dài gần 4 m, nặng gần 700 kg, mang đầu nổ nặng 320 kg và có giá trung bình hơn 140.000 USD.
Triều Tiên cũng là quốc gia châu Á đầu tiên mua cường kích Su-25K trong giai đoạn 1987-1989, đang vận hành 45 máy bay Su-25K và phiên bản huấn luyện Su-25UBK.
Tiêm kích MiG-29 cũng xuất hiện với tên lửa tầm trung R-27R, loại vũ khí đối không có tầm bắn xa nhất trong biên chế Triều Tiên với khả năng diệt mục tiêu từ khoảng cách 70 km. Một biên đội MiG-29 đã xuất phát từ sân bay Sunchon và phóng tên lửa đối không tầm ngắn R-60M, diệt mục tiêu giả định trước sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong-un.
MiG-29 Triều Tiên phóng tên lửa diệt mục tiêu hồi tuần trước. Ảnh: KCNA.
Triều Tiên sở hữu tối đa 35 chiếc MiG-29, gồm mẫu MiG-29B và MiG-29UB cơ bản cùng ít nhất 3 chiếc MiG-29S nâng cấp. Một điểm yếu của phi đội này là khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp, do Bình Nhưỡng không mua được phụ tùng thay thế.