Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnEo biển Malacca: Đường nối Biển Đông với Ấn Độ dương

Eo biển Malacca: Đường nối Biển Đông với Ấn Độ dương

BienDong.Net: Eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển ĐôngẤn Độ Dương. Với chiều dài 550 dặm ( gần 900km ), eo biển Malacca nằm trên tuyến giao thông chiến lược vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ Châu Âu, Châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam ÁĐông Á.

Theo tập đoàn bảo hiểm Lloyd’s of London, mỗi năm có khoảng 70.000 lượt tàu đi qua nút cổ chai này , bao gồm tàu chở dầu, tàu container, tàu đánh cá, chiếm khoảng 30% giao dịch thương mại thế giới.

 

Chỉ riêng dầu thô, mỗi ngày có hơn 10 triệu thùng dầu chở từ Trung Đông tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản qua eo biển Malacca. Hiện tại 80% lượng dầu thô nhập vào Nhật Bản và Trung Quốc phải qua eo biển này. Đây cũng là nơi các con tàu vận chuyển 1/3 khối lượng dầu thô của thế giới.

Dưới góc độ kinh tế và chiến lược, tuyến đường hàng hải qua eo Malacca giống như một yết hầu của thương mại quốc tế, tương tự như kênh đào Suez và kênh đào Panama.

An ninh năng lượng và thương mại giữa các nền kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào an ninh hàng hải của tuyến đường qua eo biển Malacca và Biển Đông.

Bên cạnh nhiên liệu, các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc còn xuất khẩu hàng dệt may, quần áo, đồ điện tử, xe hơi và thực phẩm qua eo biển Malacca.

Từ cửa rộng 400 km ở phía bắc, eo biển hẹp dần và chỉ còn rộng 16 km ở gần cửa phía nam,

Những đoạn biển hẹp, hàng trăm hòn đảo nhỏ đầy cây ngập mặn không có người ở đã biến vùng biển này thành nơi trú ẩn lí tưởng của những tên cướp biển và những nhóm khủng bố, nổi dậy.

Ngay từ giữa thế kỷ 19, Malacca đã nổi tiếng là địa bàn hoạt động của những tên cướp biển mà mục tiêu là những tàu buôn của Anh và Hà Lan.

Theo thống kê, có thời kì, eo biển Malacca chiếm tới 1/3 các vụ cướp biển trên thế giới. Từnăm 2002 Cơ quan Hàng hải quốc tế IMB đã ghi nhận 258 vụ tấn công tại eo biển Malacca và các vùng biển lân cận, trong đó có hơn 200 thuỷ thủ bị bắt làm con tin và 8 người bị giết. Năm 2005, Lloyd tuyên bố eo biển này là vùng chiến tranh. Đáp lại tình hình này, hải quân Malaysia, Singapore và Indonesia đã tăng cường tuần tra an ninh tại các vùng biển của mình, và Lloyd cũng ngừng thông báo về các vụ cướp biển trong khu vực từ tháng 8/2006.

Đúng là hoạt động cướp biển đã bị đẩy lùi, thậm chí năm 2011 đã không ghi nhận có vụ cướp nào xảy ra. Tuy nhiên, theo Noel Choong, Giám đốc Trung tâm thông tin cướp biển của IMB, thống kê các vụ cướp là công việc không dễ dàng, bởi lẽ có đến một nửa các vụ tiến công đã không được thông báo cho các nhà chức trách. Choong cho biết: Trong nhiều trường hợp, chủ tàu thuyết phục thuyền trưởng đừng báo cáo về các vụ tiến công. Họ không muốn chuyện ầm ĩ trên báo chí, và cũng không muốn tàu bị giữ lại để phục vụ điều tra. Rốt cục, không ai biết chắc thực sự tình hình cướp biển tại eo biển này hiện ra sao.

Diến tập chống cướp biển trên eo biển Malacca ( ảnh Internet )

Trong khi nạn cướp biển đã và đang được kiểm soát, thì vẫn còn nguy cơ các phần tử khủng bố có thể làm tê liệt nhiều nền kinh tế trong khu vực với hoạt động tấn công các tàu chở dầu.

Ngoài ra còn có khả năng bọn khủng bố tiến công các đường ống dẫn khí đốt và cáp viễn thông dưới đáy biển kết nối các nước quanh Biển Đông với biển Java.

Eo biển Malacca chủ yếu do ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore kiểm soát, và cả nước này đều không đồng ý để các nước khác trực tiếp tham gia quản lý an ninh hàng hải nơi đây.

Chỉ đến năm 2005, Thái Lan mới được mời tham gia cuộc tuần tra trên không mang tên “Eyes in the Air”.

Sau vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ, Singapore tuyên bố có thể đồng ý cho Mỹ triển khai các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố ở eo biển này.

Tuy vậy cho đến nay, các nước không thuộc vùng duyên hải cũng chỉ có thể tham gia quản lý một cách gián tiếp eo biển Malacca thông qua hỗ trợ tài chính, công nghệ và phương tiện vận tải.

Mới đây, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa ra lập luận eo biển Malacca có tính quyết định với nền kinh tế của Trung Quốc nên Bắc Kinh phải được tham gia quản lý trực tiếp để tăng cường an ninh, nhưng điều này không được các quốc gia trong vùng đáp ứng.

Hiện tại, do khó khăn về lực lượng và phương tiện, nhiều nơi trong khu vực eo biển Malacca gần như không thể kiểm soát, nhất là tại cảng Klang thuộc Indonesia. Hiện nước này chỉ có 20 tàu tuần dương phải kiểm soát 17.000 đảo. Singapore và Malaysia có đội tàu nhiều hơn và trang bị hiện đại hơn, nhưng không có thẩm quyền vào hải phận của Indonesia. Việc hợp tác giữa các nước trong khu vực eo biển cũng chưa được chặt chẽ.

Chính vì vậy an ninh hàng hải trên eo biển chiến lược này vẫn luôn là mối lo ngại, nhất là đối với các nước phụ thuộc nhiều vào con đường vận chuyển hàng hải chiến lược này. Và cũng do sự quan tâm và can dự của các nước lớn, nên vấn đề xung quanh eo biển Malacca cũng chứa đựng nhiều hệ luỵ phức tạp.

Sông Cầu ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới