Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại phản ứng cứng rắn của Việt Nam khi TQ thành...

Nhìn lại phản ứng cứng rắn của Việt Nam khi TQ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”

Để mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã âm mưu thành lập các đơn vị hành chính “quản lý” trái phép toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhằm củng cố chứng cứ pháp lý để đưa ra yêu sách “chủ quyền” trong vùng biển này.

Từ năm 2007

Vào tháng 11 năm 2007, Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập một đô thị cấp huyện (huyện cấp thị) thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa (tiếng Trung: 三沙市) có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có bao gồm hải quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngay sau hành động trên của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã phản đối việc thành lập thị xã này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức tuyên bố: “Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên”.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã phản ứng và trên báo điện tử của Đảng đã có ngay một bài báo ngắn bày tỏ thái độ bằng cách trích dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giaovà khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên”. Đồng thời khẳng định quan điểm: “Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp Quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực”. Quốc hội Việt Nam cũng đã phản đối việc lập thị xã cấp huyện Tam Sa, một số đại biểu cũng đã lên tiếng trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng khoá VII ngày 7 tháng 12 năm 2007 Kỳ họp thứ 10 của khẳng định rộng rãi trên phương tiện đại chúng rằng Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố này và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này. Sau đó vào chiều ngày 21/12/2007, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ra nghị quyết khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, nghị quyết nêu rõ: “Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phản đối việc Trung Quốc đưa huyện Trường Sa của Khánh Hòa vào đơn vị hành chính mới trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc và khẳng định huyện Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Khánh Hòa”. Ông Mai Trực, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nhấn mạnh: “Từ trước đến nay, chúng ta luôn khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện đảo Trường Sa được Trung ương giao cho tỉnh Khánh Hòa quản lý. Vì vậy, chúng ta chịu trách nhiệm trước lịch sử trong việc bảo vệ chủ quyền này”.

Trong khi đó, vài trăm người Việt Nam đa số là sinh viên vào ngày 9,16, 23/12/207 đã tập hợp và biểu tình ôn hòa trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và trước Lãnh sự quán Trung quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc và bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý, từ đầu tháng 12/2007, nhiều cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của người Việt tại nước ngoài đã được tổ chức tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Ba Lan và nhiều quốc gia khác. Trong đó, ngày 22/12/2007, hơn 300 sinh viên Việt Nam tại Pháp và khoảng 100 sinh viên Việt Nam tại Anh đã xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris và Luân Đôn phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tại Paris, các sinh viên đã mang cờ đỏ sao vàng, ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh và các biểu ngữ có nội dung như “Chinese Government stops invading Vietnamese Paracel and Spratly islands” đến đại sứ quán Trung Quốc hô vang khẩu hiệu phản đối Trung Quốc và đọc thư yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt hành động xâm lược trắng trợn này.

Đến năm 2012

Ngày 21/6/2012, trang mạng của Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo việc Quốc vụ viện nước này phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc hoàn toàn không có pháp lý để thành lập đơn vị hành chính trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam. Ngày 17/7/2012, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Ngày 20/7/2012, truyền thông Trung Quốc loan tin Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập Bộ chỉ huy quân đồn trú tại Tam Sa. Ngày 21/7/2012, Trung Quốc tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Hai ngày sau đó, phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu một nhân vật tên Tiêu Kiệt làm thị trưởng. Và đến hôm nay, Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Trước hành vi trên của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Ngày 24 tháng 7 năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố nêu rõ: “Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa một lần nữa hết sức lo ngại và bất bình trước việc ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” và ngày 21/7/2012 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa.” Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa cương quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, cản trở nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, làm tổn hại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (24/7/2012) cho biết: “Chúng tôi quan ngại nếu có các hành động đơn phương như vậy, như thể để tạo ra sự đã rồi cho một vấn đề mà chúng tôi từng nhiều lần nói là chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng, đối thoại và bằng tiến trình ngoại giao giữa các bên tuyên bố chủ quyền”. Cùng ngày, Thượng nghị sĩ John McCain của Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là sự khiêu khích không cần thiết. “Quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích một cách không cần thiết” – Thượng nghị sĩ McCain nói. Theo ông McCain, các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc không có cơ sở trong luật quốc tế. “Những hành động này của Trung Quốc là đáng thất vọng và không phù hợp với một cường quốc có trách nhiệm”.

Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để biểu thị phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa. Philippines cho rằng hành động của Trung Quốc đã “xâm phạm chủ quyền của Philippines đối với quần đảo Kalayaan và Bajo de Masinloc”. Tổng thống Benigno Aquino III cho biết chính phủ của ông có thể sẽ yêu cầu Hoa Kỳ giúp đưa máy bay đến tuần tra khu vực biển tranh chấp.

Trong khi đó, trong một báo cáo do tổ chức International Crisis Group có trụ sở tại Brussels (Bỉ) đưa ra ngày 24/7/2012 cảnh báo, những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể leo thang thành xung đột quân sự do không có đồng thuận về một cơ chế giải quyết tranh chấp trong khi Trung Quốc và các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang tiếp tục phát triển lực lượng hải quân và tuần duyên.

Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế

Đã từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ 17, các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền, tiến hành quản lý, khai thác hòa bình liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi nó chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Các chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này đang được lưu giữ không chỉ ở các cơ quan lưu trữ của Việt Nam, mà còn đang được lưu giữ ở trung tâm lưu trữ của các nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh…

Giải thích cho thông báo về quyết định sai trái của phía Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Dân chính Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc là người phát hiện và đặt tên sớm nhất cho các quần đảo này”. Cách giải thích này hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế. Nếu theo cách nghĩ của phía Trung Quốc thì có lẽ lãnh thổ của các nước sớm có nền hàng hải phát triển như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha… sẽ trải khắp thế giới vì có biết bao hòn đảo trên các đại dương đã được những thương thuyền của các quốc gia này phát hiện và đặt tên cho nó.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao phía Trung Quốc không đưa ra những căn cứ cụ thể để chứng minh cho lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Dân chính Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản là phía Trung Quốc hoàn toàn không có những căn cứ pháp lý, căn cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sử sách các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều khẳng định cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, các bản đồ của Trung Quốc cho đến tận đời nhà Thanh cũng chỉ vẽ điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam chứ không gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc thường viện dẫn việc đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa năm 1907 để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”, nhưng khi đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các nhà nước Việt Nam quản lý, khai thác từ hàng trăm năm trước.

Theo luật pháp quốc tế, một vùng lãnh thổ được coi là thuộc về một quốc gia khi quốc gia đó thực hiện quản lý, khai thác hòa bình, liên tục trong thời gian dài. Năm 1956, Trung Quốc chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa và năm 1974 chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực để đánh chiếm vài bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc, bị cộng đồng quốc tế lên án.

Qua những phân tích trên, càng thấy rõ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của phía Trung Quốc là hoàn toàn sai trái và không có giá trị pháp lý. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng, không chỉ được ghi nhận trong các tài liệu pháp lý lịch sử mà còn được thừa nhận ở một hội nghị quốc tế hết sức quan trọng bàn về vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hội nghị San Francisco năm 1951 khi đại diện của Việt Nam đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam và đã được các nhà nước Việt Nam thành lập các đơn vị quản lý hành chính từ lâu. Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố DOC ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, gây bức xúc và phẫn nộ trong nhân dân. Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp đã có những tuyên bố kiên quyết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định phi pháp này. Là láng giềng gần gũi, tin rằng những người Trung Quốc chính trực thấy được lẽ phải, không để những lời nói và việc làm tổn hại đến tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, cùng nhau vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt – Trung.

RELATED ARTICLES

Tin mới