Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ điều tàu chiến răn đe TQ trên Biển Đông: Hoan nghênh...

Mỹ điều tàu chiến răn đe TQ trên Biển Đông: Hoan nghênh Mỹ thực thi pháp luật trên biển

Sau khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Malaysia, Mỹ đã đưa ra tuyên bố lên án, chỉ trích hành động trên, đồng thời điều tàu chiến đến vùng biển này để cảnh cáo Bắc Kinh.

Theo thông tin trên, sau khi tàu Hải Dương 8, một tàu nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc, đã được phát hiện hoạt động gần một tàu thăm dò do công ty dầu khí Petronas của Malaysia điều hành, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành vi bắt nạt” tại vùng biển tranh chấp, do lo ngại về các hành động khiêu khích của Bắc Kinh cản trở sự phát triển dầu khí ngoài khơi Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ (18/4) đã ra tuyên bố: “Mỹ lo ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy”.

Ngay sau đó, Mỹ đã điều 02 tàu chiến đến hoạt động trong vùng biển này nhằm cảnh cáo và răn đe các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Hoa Kỳ Nicole Schwegman (20/4) cho biết, “tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai và đang hoạt động ở Biển Đông”, khẳng định “thông qua sự hiện diện hoạt động liên tục của chúng tôi ở Biển Đông, chúng tôi đang làm việc… để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng cho Ấn Độ – Thái Bình Dương”, nhấn mạnh “Mỹ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác để xác định lợi ích kinh tế của chính họ”. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Fred Kacher, tư lệnh Nhóm tấn công viễn chinh USS America, xác nhận lực lượng của ông có giáp mặt với lực lượng hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này và mọi sự tương tác diễn ra an toàn và chuyên nghiệp.

Bà Schwegman không nói rõ vị trí chính xác của các tàu chiến nhưng các nguồn tin an ninh của Reuters cho biết chúng ở gần tàu Hải Dương Địa Chất 8 và tàu khoan West Capella do Petronas vận hành. Theo đó, tàu đổ bộ tấn công USS America (19/4) xuất hiện cách bãi Vũng Mây khoảng 35 hải lý về phía Tây Bắc và cách tàu khoan West Capella do Malaysia vận hành ở vùng chồng lấn thềm lục địa khoảng 100 hải lý về phía Bắc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu USS America đang lao nhanh về phía Nam.

Bên cạnh đó, trang USNI News thuộc Học viện Hải quân Mỹ cho biết ngoài USS America, hai tàu tác chiến ven bờ USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords (luân phiên triển khai đến Singapore) cũng đang có mặt ở Biển Đông. Trong khi đó, Dịch vụ Phổ biến Thông tin Quốc phòng Trực quan (DVIDS), thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 19/4 cũng đăng tải nhiều hình ảnh tàu đổ bộ USS America tiến hành diễn tập bay cho các đơn vị F-35B, MV-22 Osprey và thủy quân lục chiến với chú thích vị trí hoạt động tại Biển Đông. USS America là “soái hạm” của Nhóm Tác chiến Viễn chinh America, thuộc Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31, đang hoạt động trong khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội 7. Nhiệm vụ của tàu là thúc đẩy năng lực tương tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, “đóng vai trò lực lượng sẵn sàng ứng phó để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Trung Quốc thời gian qua thực hiện hàng loạt hành vi sai trái nhằm củng cố cho yêu sách chủ quyền phi lý. Nước này ngày 18/4 thông báo thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trực thuộc “thành phố Tam Sa”, một ngày sau còn công bố danh sách tên những thực thể trên Biển Đông do họ tự tiện đặt ra. Liên quan vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/4) tuyên bố: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.

Ngoài ra, về việc Mỹ tăng cường hiện diện, tuần tra, tập trận ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định “với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan; thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”; đồng thời nhấn mạnh “duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia cần có trách nhiệm đóng góp một cách xây dựng và tích cực vào mục tiêu chung này, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới