Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ thay B-52 Stratofortresses bằng máy bay ném bom hạng nặng B-1B:...

Mỹ thay B-52 Stratofortresses bằng máy bay ném bom hạng nặng B-1B: Răn đe cứng rắn đối với TQ

Sau khi rút 5 chiếc B-52 Stratofortresses rời căn cứ không quân Andersen trên Guam, quân đội Mỹ vừa điều động 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B và hàng trăm quân nhân đến căn cứ này để thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Với việc Mỹ rút toàn bộ máy bay B-52 Stratofortresses khỏi hòn đảo thuộc Thái Bình Dương vào ngày 17/4 cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho chương trình Hiện diện máy bay ném liên tục (CBP), một sứ mệnh từng được Lầu Năm góc goi là mảnh ghép chủ chốt để tạo nên năng lực răn đe trước những kẻ thù tiềm năng và trấn an các đồng minh ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Theo CBP, các máy bay B-52, B-1 và máy bay ném bom tàng hình B-2 được luân chuyển đến căn cứ Andersen theo chu kỳ 6 tháng, nhằm khẳng định sức mạnh trên không chiến lược của Mỹ khi những máy bay này chỉ mất vài giờ đã có thể có mặt tại những điểm nóng của Thái Bình Dương như Triều Tiên và Biển Đông. 

Giải thích về sự thay đổi chiến lược trên, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ Kate Atanas cho biết các máy bay ném bom của Mỹ đạt hiệu quả cao hơn khi bay từ căn cứ trong lục địa Mỹ. Chúng vẫn có thể được triển khai đến Thái Bình Dương khi cần thiết mà lại có thể phản ứng tốt hơn với những điểm nóng tiềm năng như Vịnh Ba Tư. Mỹ đã chuyển sang cách cho phép các máy bay ném bom chiến lược hoạt động ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương từ nhiều địa điểm khi cần thiết và với khả năng phục hồi cao hơn khi đậu lâu dài tại Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng bước đi này phù họp với Chiến lược quốc phòng 2018 của Lầu Năm góc, trong đó khẳng định lực lượng của Mỹ phải hoạt động theo cách khó đoán hơn. Từ quan điểm quân sự, bước đi này có rất nhiều ý nghĩa. Chuyên gia Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại hãng tư vấn RAND Corp nhận định, sự liên tục và dễ đoán khi đặt máy bay ở Guam gây ra nguy cơ tổn thương nghiêm trọng. Một nhà hoạch định quân sự Trung Quốc có thể dễ dàng đoán ra cách Mỹ triển khai máy bay ném bom vì họ đã biết quá rõ vị trí. Trên thực tế, một trong loại những tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc là DF-26 được các nhà phân tích gọi là “sát thủ Guam” khi nó được giới thiệu vào năm 2015 vì có khả năng tấn công các căn cứ trên lãnh thổ của Mỹ từ Trung Quốc đại lục. Năm 2017, Triều Tiên thử một loại tên lửa đạn đạo tầm trung tên là Huasong-12. Báo chí nước này nói đây là một phần trong kế hoạch nhằm “khống chế Guam”. Cựu tư lệnh chiến dịch tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Carl Schuster lại cho rằng rút máy bay khỏi Guam giúp giảm mục tiêu đối mặt với mối hoạ tên lửa đạn dạo của Trung Quốc và Triều Tiên. 

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc Mỹ rút máy bay ném bom chiến lược khỏi Guam cũng có tác dụng trấn an các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, Tokyo và Seoul cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á có thể được khích lệ trước bằng chứng cho thấy Mỹ đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ bảo vệ, nâng cao năng lực răn đe và mức độ sẵn sàng của các lực lượng chiến đấu chủ chốt thông qua những hành động như kết thúc CBP. Những tài sản chiến lược như máy bay ném bom sẽ được đưa khỏi tầm tấn công của các kẻ thù của Mỹ. Nhưng khi được trang bị các tên lửa tấn công tầm xa và được hỗ trợ bởi máy bay tiếp nhiên liệu trên không, chúng vẫn có thể có mặt ở Thái Bình Dương chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi cất cánh từ những căn cứ chính như ở Bắc Dakota và Lousiana. Để chứng tỏ điều này, Không quân Mỹ liên tục điều máy bay ném bom B-1 từ căn cứ ở Nam Dakota đi thực hiện hành trình kéo dài 30 giờ đồng hồ đến Nhật Bản, để cùng các máy bay F-15, F-2 của Nhật Bản và các máy bay F-16 của Mỹ thực hiện một cuộc diễn tập; điều 02 máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc Phi đội máy bay ném bom 28 tại căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota (Mỹ) đã bay 32 tiếng nhằm thực hiện chiến dịch trên Biển Đông.

Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương CQ Brown khẳng định chiến dịch này cho thấy cam kết không ngừng của chúng tôi đối với an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thông qua việc triển khai các lực lượng chiến lược trên toàn cầu. Chúng tôi vẫn là một lực lượng lợi hại, sáng tạo và có khả năng tương tác cao khi tập trung vào tầm nhìn chung về duy trì khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do.

Trong một động thái nhằm chứng minh tuyên bố của Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Không quân Mỹ đã điều động 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B và khoảng 200 phi công thuộc Phi đội ném bom 9, Phi đội ném bom 7 đã được triển khai hỗ trợ các nỗ lực huấn luyện của Không quân Thái Bình Dương của Mỹ với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.Các máy bay chiến đấu và nhân viên đã đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam hôm 1/5. 3 máy bay B-1B Lancer bay thẳng đến căn cứ, còn 1 chiếc chuyển hướng đến vùng biển gần Nhật Bản để huấn luyện với Hải quân Mỹ. Theo Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, các máy bay ném bom hạng nặng B-1B cũng sẽ tham gia vào “các nhiệm vụ răn đe chiến lược nhằm củng cố trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Được biết, B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe của Không quân Mỹ, sử dụng 04 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h và có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B và tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác. Hiện tại, Không quân Mỹ đang sở hữu 67 chiếc Lancer, số máy bay này dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2025. Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nhưng việc sản xuất hàng loạt đã bị hủy bỏ và chỉ có bốn nguyên mẫu được chế tạo. Năm 1980, dự án B-1 lại được để ý đến do nó được phát hiện có khả năng đánh bom xâm nhập thấp chớp nhoáng. B-1B đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ vào năm 1986. Các máy bay B-1B đầu tiên đã bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ như là một kiểu máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tốc độ cao. Vào những năm 1990, nó đã được chuyển đổi sang sử dụng ném bom thông thường. B-1 được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên năm 1998 trong chiến dịch Cáo sa mạc. Nó tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan và Iraq.

Quân đội Mỹ thường xuyên cho triển khai sứ mệnh “tự do hàng hải” và tuần tra trên không ở khu vực Biển Đông nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới