Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrắng trợn thành lập hai huyện đảo trên biển, TQ âm mưu...

Trắng trợn thành lập hai huyện đảo trên biển, TQ âm mưu củng cố “hồ sơ pháp lý”, hòng độc chiếm Biển Đông

Mạng truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (CGTN) ngày 18/04/2020 cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo là Tây Sa và Nam Sa thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý. Theo CGTN, trụ sở huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, trụ sở huyện đảo Nam Sa sẽ đặt ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, trong đó Hoàng Sa là quần đảo mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam vào năm 1974. Còn đá Chữ Thập bị Trung Quốc lấn chiếm năm 1988. Cũng theo CGTN, hai huyện đảo này quản lý luôn các vùng biển xung quanh hai quần đảo này mà họ cho là có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với luật pháp quốc tế.

Năm 2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng, xây lấp và triển khai “hành chính hóa” các quần đảo này, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Bắc Kinh đã không dừng lại hành động ngang ngược, phi lý nói trên mà còn tiếp tục “dấn tới”. Việc thành lập hai huyện đảo trên có nghĩa Trung Quốc đưa Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành hai đơn vị hành chính là huyện Tây Sa và huyện Nam Sa, trực thuộc “thành phố Tam Sa” của họ.

Việc làm lần này của Trung Quốc rõ ràng là bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, là bước đi có tính toán, thể hiện dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Bắc Kinh ngày càng trắng trợn, điều đó được thể hiện ở mấy khía cạnh sau:

Thứ nhất, thời điểm Trung Quốc đưa ra quyết định thành lập hai huyện đảo là nằm trong chủ ý có tính toán của họ để giành lợi thế lớn nhất cho mình, bởi vì: 1/ Đây là thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, cả thế giới đang “gồng mình” vào chống dịch, đặc biệt là Mỹ đang căng thẳng đối phó với dịch bệnh, thậm chí trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, có nhiều thủy thủ bị nhiễm vi rút Covid-19, buộc phải trở về căn cứ, khả năng sẵn sàng tác chiến rõ ràng bị suy giảm. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cho rằng đây là cơ hội để họ tiếp tục “hành chính hóa” các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông mà không lo sợ bất kỳ hậu quả gì, nhất là phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ ở mức thấp. 2/ Tình hình chính trị Trung Quốc có nhiều vấn đề nội bộ, với sự khởi phát của Covid-19 từ Vũ Hán rồi lan sang các địa phương khác, sau đó bùng phát ra toàn thế giới. Việc chính quyền Trung Quốc “che dấu” dịch bệnh trong 6 ngày quan trọng nhất để có thể khống chế dịch bệnh, cùng với các thông tin bất nhất về con số thực người chết vì virus corona ở Trung Quốc, cũng như tác hại của Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến các phe phái chính trị ở bên trong tấn công vào uy tín, năng lực của lãnh đạo Trung Quốc. Trước các vấn đề chính trị nội bộ như vậy, cách Trung Quốc thường làm để xoa dịu dư luận trong nước là kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân và chỗ mà lãnh đạo Trung Quốc thường nhắm tới đó là Biển Đông. 3/ Mỹ và một số nước khác đang gây áp lực đối với Trung Quốc về nguyên nhân bùng phát virus corona và Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải trả lời với thế giới về vấn đề này. Để giảm sức ép, không có cách nào khác là đẩy sự chú ý ra bên ngoài, trong đó Biển Đông là một sự lựa chọn để Bắc Kinh “bắn một mũi tên, trúng nhiều đích”. Bên cạnh đó, hành động của Trung Quốc diễn ra sau khi Việt Nam gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc ở Biển Đông, nên có thể coi đây là động thái gây sức ép và uy hiếp với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong vai trò đó, nếu Việt Nam không có biện pháp đối phó hiệu quả với Trung Quốc thì họ sẽ coi như “sự đã rồi” và lấn tới.

Thứ hai, tăng cường khả năng kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Theo tiến sỹ Swee Lean Collin Koh – chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore: “Trung Quốc đang muốn tăng cường kiểm soát thực tế ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì trước khi xây dựng cơ sở hạ tầng để hình thành các đảo nhân tạo, đặc biệt ở Trường Sa, Trung Quốc chỉ có một trung tâm hành chính đặt ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Như thế, với Bắc Kinh là khó khăn khi một trung tâm hành chính kiểm soát cả một khu vực rộng lớn với 2 nhóm đảo riêng biệt (Hoàng Sa và Trường Sa). Với việc các đảo nhân tạo và hạ tầng thiết yếu cơ bản đã hình thành từ năm 2014, giờ đây Bắc Kinh sẽ tiến thêm một bước là mở rộng hệ thống quản lý hành chính, phân chia thành các nhóm quản lý”. Ông Collin Koh nhận định: “Động thái này cho thấy, Trung Quốc bất chấp việc Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan vào năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông. Không những thế, nó còn ẩn chứa dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ xây dựng hạ tầng và quân sự hóa quần đảo Trường Sa nhiều hơn. Đây có thể là một phần trong kế hoạch dài hạn kể từ khi cái gọi là thành phố Tam Sa được thành lập vào năm 2012”. Ông Collin Koh còn nhấn mạnh: “Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nên Bắc Kinh đang muốn tạo thêm lợi thế sẵn có, trong khi hiệu quả phản ứng của ASEAN chưa đủ mạnh”.

Thứ ba, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập hai huyện đảo trên là hành động ngang ngược, hoàn toàn bất hợp pháp vì những lý do sau:1/ Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đây là điều mà Việt Nam đã nhiều lần khẳng định. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi Liên Hợp Quốc ngày 30/03/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.2/ Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc.Theo đó “tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc”. Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Và vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.3/ Tuyên bố của Trung Quốc cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trong Công hàm ngày 30/03/2020, Việt Nam tuyên bố rõ ràng: “Các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”. Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế. Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hoá trong quy định tại Điều 121 (2) của UNCLOS 1982. Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó, bởi vìchủ quyền chỉ có thể được yêu sách đối với đất liền và đảo (islands)– được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên. Chính vì vậy, việc yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng luật biển quốc tế. n nhớ, bãi Macclefiled mà Trung Quốc gọi là Trung Sa là các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển. Chính vì vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc là một trò hề, đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Thứ tư, dù biết là trái với luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn thông qua quyết định trên, thực chất nhằm củng cố “hồ sơ pháp lý” về Biển Đông – điểm yếu nhất hiện nay của Bắc Kinh. Sau khi Trung Quốc công bố thành lập hai huyện đảo, giáo sư Stephen Robert Nagy – Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế/Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada, cho rằng, việc thành lập hai huyện trên là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tự tạo ra “bằng chứng” về quyền kiểm soát hành chính đối với Biển Đông.Ông đánh giá: “Lâu nay, các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông bị bác bỏ bởi một phần là Trung Quốc không hề có bằng chứng về hệ thống quản lý hành chính đối với các vùng biển mà nước này đặt ra yêu sách. Thông qua việc thành lập huyện Tây Sa và Nam Sa, Trung Quốc đang tìm cách tự đặt ra cái gọi là bằng chứng về mặt kiểm soát hành chính để củng cố hồ sơ pháp lý”.

Thứ năm, động thái trên một lần nữa cho thấy, Trung Quốc không hề giấu diếm mục tiêu của mình ở Biển Đông, kể cả lúc khó khăn. Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho rằng, các động thái mới đây thêm một lần nữa chứng minh Trung Quốc không hề giấu diếm mục tiêu của mình ở Biển Đông. Họ sử dụng nhiều công cụ để đạt được các mục tiêu đó. Ông James R. Holmes nhận xét: “Mục đích của họ như chúng ta đều biết là tìm kiếm chủ quyền đối với vùng biển, vùng trời và một số thực thể nằm trong đường chín khúc mà Trung Quốc vẽ ra bao quanh phần lớn diện tích Biển Đông. Họ tìm kiếm chủ quyền với cái đích cuối cùng là quyền lực, quyền sở hữu. Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt chủ quyền của mình trong đường chín khúc mà họ tạo ra, trong đó vạch ra yêu sách về quyền sở hữu. Bắc Kinh muốn thực thi nó theo ý chí của mình và muốn các quốc gia khác tuân theo”. 

Theo ông James, với nhiều khu vực ở Biển Đông, Trung Quốc tự coi mình có chủ quyền ở đó, vin vào cái cớ “chủ quyền” để thực hiện các hành động mà các nước có chủ quyền được phép làm. Họ cho phép ngư dân của họ đánh bắt cá, thu hoạch tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển khác.Trong các trường hợp khác, Trung Quốc thách thức lực lượng tuần duyên và hải quân của các nước Đông Nam Á xua đuổi tàu của họ. Trung Quốc tin rằng, các nước nếu không thể xua đuổi được tàu của họ thì sẽ nản lòng và ngừng cố gắng.Khi tàu các nước dừng lại, Trung Quốc sẽ biến khu vực mà họ xâm nhập trở thành “chủ quyền không thể chối cãi” của mình.Vị chuyên gia kỳ cựu người Mỹnói trên nhấn mạnh, chúng ta thường nghĩ về luật pháp quốc tế như các hiệp ước bằng văn bản. Nhưng các “tập quán quốc tế” cũng là một phần quan trọng.Ông phân tích: “Nếu Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền trong đường chín khúc một thời gian dài và không nước nào phản đối một cách hiệu quả, các yêu sách của họ sẽ bắt đầu trở thành tập quán quốc tế và thậm chí cuối cùng có nguy cơ trở thành luật quốc tế. Đây là cuộc chơi dài hơi của Bắc Kinh. Trung Quốc đang cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp của mình vốn bị bác bỏ theo UNCLOS và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật định”. Phân tích của ông James R. Holmesnhư muốn nhắn nhủ các nước, trong đó có Việt Nam rằng, nếu không có biện pháp đối phó hiệu quả, Trung Quốc sẽ có các việc làm tương tự tại các khu vực khác trên Biển Đông.

Thứ sáu, hành động trái luật pháp quốc tế lần này của Bắc Kinh là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tại khu vực, vì: 1/ Một khi thành lập cơ quan hành chính, bước tiếp theo Trung Quốc sẽ thành lập đơn vị cơ sở, cơ quan theo chức năng, phân cấp, phân quyền trong hệ thống hành chính của họ. 2/ Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi mà họ tuyên bố thành lập đơn vị hành chính.Chiến thuật của Trung Quốc là từ việc xây dựng những ngôi nhà, trụ sở làm việc với mục đích dân sinh, dần dần sẽ phát triển thành những tòa nhà, thành phố trên biển, không khác gì trên đất liền.3/ Sau việc tuyên bố thành lập phi pháp đơn vị hành chính, Trung Quốc có thể triển khai, điều động quân đội ra canh giữ, bảo vệ ở các khu vực mà nước này đã bất chấp đạo lý để tuyên bố chủ quyền. 4/ Một khi đã đặt được đơn vị hành chính ở những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc sẽ mở rộng việc xâm lấn các đảo đá khác ở Biển Đông, gia tăng hiện diện về quân sự của nước này trên biển.

Như vậy, có thể kết luận rằng: Hành động Trung Quốc trắng trợn thành lập hai huyện đảo hành chính quản lý Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là động thái khiêu khích, bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hủy hoại nghiêm trọng quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý.Hành động này cũng đã chống lại tinh thần và nội dung về“Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”, văn kiện mà lãnh đạo hai bên đã thỏa thuận vào tháng 10/2011.Theo đó, trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC.Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.Việc Bắc Kinh liên tục vi phạm những điều mà chính họ đã cam kết sẽ ngày càng hủy hoại niềm tin của các nước vào Trung Quốc, đặt nước này ở vào thế ngày càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới