Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngGiữa đại dịch COVID-19, TQ biên chế hai tàu ngầm hạt nhân...

Giữa đại dịch COVID-19, TQ biên chế hai tàu ngầm hạt nhân Type 094

Hải quân Trung Quốc đã nhận biên chế hai tàu ngầm hạt nhân lớp Type 094. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức về đơn vị tiếp nhận hai tàu ngầm trên.

Theo thông tin trên, Trung Quốc đã đưa thêm 2 tàu ngầm hạt nhân Type 094 vào biên chế trong thời gian cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, do toàn bộ quá trình thi công tàu ngầm đã được diễn ra trong nhà chứa và hoàn thiện trong hầm chứa tàu ngầm, nên tránh được “tai mắt” của truyền thông quốc tế. Hai tàu ngầm này được cho là sẽ sớm xuất hiện chính thức trong buổi lễ kỷ niêm 71 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc.

Trước khi cho các tàu ngầm này nhập biên, Trung Quốc đã sở hữu tổng cộng 4 tàu ngầm loại này. Toàn bộ bốn chiếc này đã từng xuất hiện hồi năm ngoái trong cuộc duyệt binh ở Thanh Đảo, Sơn Đông mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân. Type-094, còn gọi là tàu ngầm lớp Jin. Đây là tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân và cũng là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thế hệ 2 của hải quân Trung Quốc. Type-094 bắt đầu được Trung Quốc phát triển vào những năm 1980. Nó là tàu kế nhiệm tàu Type-092, lớp Xia. Việc đóng tàu bắt đầu vào năm 1999 và được hạ thuỷ vào năm 2004. Tàu ngầm Type-094 thứ hai được đưa xuống nước vào năm 2007. Đến năm 2010, tàu ngầm Type-094 đầu tiên được bàn giao cho hải quân Trung Quốc để đưa vào hoạt động.Đến năm 2018, có 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng hạt nhân loại này được Trung Quốc đưa vào vận hành. Thông tin này đã được Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận. Tuy nhiên, tới 2018, chưa có chiếc Type-094 nào được phái đi thực hiện các sứ mệnh tuần tra tầm xa.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhiều đặc tính kỹ thuật của tàu ngầm Type-094 không được công bố trên các nguồn công khai. Phân tích dựa trên ảnh vệ tinh cho thấy, tàu Type-094 dài xấp xỉ 137m. Type 094 được trang bị 12 ống tên lửa, mỗi ống đều có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2, loại có thể mang từ 1-3 đầu đạn hạt nhân và bay xa tới 7.200km. Tàu ngầm này còn được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm. Khi có báo động, tàu ngầm Type-094 có thể rời căn cứ và hoạt động ở vùng bờ biển Trung Quốc và được hạm đội nước này bảo vệ. Vì thế, các tàu ngầm này có khả năng sống sót cao sau trận đánh đầu tiên của đối phương. Tuy nhiên, chúng không có khả năng tàng hình.

Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và khoảng 64 tàu diesel-điện. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%). 

Trong 14 năm qua, hải quân Trung Quốc đã tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi và tàu ngầm điện-diesel sản xuất trong nước từ 1 chiếc lên đến khoảng 40 chiếc. Các tàu ngầm thuộc các lớp Thương, Nguyên và Tống dùng để tiêu diệt tàu mặt nước, hộ tống tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của và các cụm tàu sân bay Trung Quốc, cũng như thu thập thông tin tình báo. Ban đầu, các tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình YJ-82 có tầm bắn 20 hải lý (37 km). Dự đoán, vũ khí này sắp tới sẽ bị thay bằng tên lửa hành trình SS-N-13 có tầm bắn hơn 120 hải lý (222 km). Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới có tên tương ứng là Type 096 và JL-3. Dự đoán, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn mới sẽ có mức độ tàng hình cao hơn so với các tàu ngầm lớp Tấn. Trung Quốc cũng đang phát triển một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi mới có tên lớp Type 095. 

Theo giới chuyên gia, tàu ngầm được sử dụng để phá vỡ những tuyến đường thương mại, bí mật triển khai quân, né tránh các đường biên của đối thủ để tạo nên yếu tố bất ngờ. Là một công cụ thiết yếu trong chiến tranh giữa các nước. Với những tranh chấp trên Biển Đông, tàu ngầm được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền và ngăn chặn những cuộc giao tranh chớp nhoáng. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ tạo ra kết quả khác biệt trong xung đột, nó được trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. 

Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở trong khu vực Biển Đông, bởi vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân để ngăn chặn các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chỉ có Trung Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân (10-13 tàu). Đây là một trong những ưu thế vượt trội so với các nước khác, tạo mối uy hiếp lớn đến cục diện tranh chấp trong khu vực. Theo giới chuyên gia, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) cũng như tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) đều có khả năng chiến đấu cao, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. SSN thường được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau, dùng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền ở tầm gần. Trong khi đó, SSBN mang được vũ khí hạt nhân, có thể ẩn nấp dưới biển và phóng tên lửa đạn đạo mang đầu hạt nhân đủ sức tiến hành tấn công phủ đầu hay tấn công đáp trả với mục tiêu ở bất cứ nơi nào. Đáng chú ý, Bộ Chỉ huy Chiến lược và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ năm ngoái, nhưng Bắc Kinh không đưa ra thông báo chính thức về các lần tuần tra này. Bắc Kinh hồi năm 2014 lần đầu tiên điều các tàu ngầm tấn công đến Ấn Độ Dương với mục đích bề ngoài là hỗ trợ hoạt động chống cướp biển, nhưng thực chất là nhằm thu thập thông tin và phô diễn năng lực tàu ngầm.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc còn nhiều điểm yếu, dễ bị phát hiện và khả năng tác chiến chưa cao.Theo đó, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tương đối cũ và số lượng tên lửa mang theo hạn chế, năng lực tấn công hạt nhân kém; Tàu ngầm của Trung Quốc bị đánh giá tương đối ồn và dễ bị phát hiện. Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo thuộc lớp Tấn (Type 094) của Trung Quốc có độ ồn cao, rất dễ bị phát hiện bởi thiết bị sonar. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc còn lạc hậu, đặc biệt là việc liên lạc giữa Bộ chỉ huy chiến lược và các tàu ngầm hạt nhân triển khai ngoài vùng biển xa. Ngoài ra, căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc dễ bị phát hiện và Trung Quốc còn thiếu căn cứ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo.

RELATED ARTICLES

Tin mới