Trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (còn gọi là virus Trung Cộng) tàn phá thế giới, theo những kế hoạch dự kiến cho thấy năm 2020 vốn là năm quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, nhưng dịch bệnh này đã thay đổi tất cả.
Ngày 5/5, Luke McGee của của CNN đã công bố bài phân tích cho biết, theo kế hoạch hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín năm nay, EU và Trung Quốc sẽ có bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế và chiến lược. Ít nhất đó là kế hoạch ban đầu. Nhưng những động thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã để lại dư vị mặn đắng cho giới chức EU. Từ tình trạng đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ với người dân Trung Quốc đến việc truyền bá thông tin sai lệch ở châu Âu, cuộc khủng hoảng này nhắc nhở về vô số rủi ro cho những ai quan hệ gần gũi với ĐCSTQ.
Theo kế hoạch, vào ngày 14/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Leipzig của Đức với sự tham gia của các nhà lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới ngoại giao Đức cho rằng địa điểm này được chọn vì mối quan hệ lịch sử giữa Đông Đức cũ và Trung Quốc. Họ cho biết với tư cách Đức là Chủ tịch luân phiên của EU, trong hội nghị thượng đỉnh lần cuối cùng của sự nghiệp Thủ tướng, bà Merkel sẽ tận lực cho sự thành công của hội nghị.
McGee cho biết, thực tế đưa Trung Quốc lại gần EU trong các giá trị nhân quyền, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đa phương là kỳ vọng của chính giới EU; nhưng Brussels (trụ sở EU) có cảm giác chân thực rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến các nhà lãnh đạo EU phải nhìn lại về ĐCSTQ.
Stephen Blockmans, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) cho biết: “Tôi nghĩ virus corona mới luôn là một lời nhắc nhở cần thiết cho nhiều nước EU: cho dù tiền của Trung Quốc (ĐCSTQ) có hấp dẫn bao nhiêu, nhưng họ cũng là một đối thủ mang tính hệ thống.”
Blockmans đề cập đến một thông cáo do Ủy ban EU ban hành vào tháng 3/2019, trong đó mô tả ĐCSTQ “là một đối thủ có tính hệ thống trong thúc đẩy thay thế mô hình quản trị”.
Một quan chức EU phụ trách vấn đề đối ngoại cho biết, vấn đề ở đây không phải xem hệ thống (chính trị) nào phù hợp hơn để đối phó với virus. Đó là vấn đề một hệ thống cho phép tự do cá nhân hay là một thể chế độc đoán độc đảng?
McGee chỉ ra nỗi thất vọng trong vấn đề này đối với ĐCSTQ dường như đang lan rộng khắp EU. Cuối tuần trước, trong trả lời phỏng vấn Tạp chí Dimanche (Le Journal du Dimanche) của Pháp, chuyên viên đối ngoại của EU là Josep Borrell đã cho biết “EU quá thật thà trong giao dịch với Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Ông chỉ rõ ĐCSTQ có cách hiểu khác về trật tự quốc tế.
Tất cả những khác biệt này làm cho khó có thể tin rằng trong năm nay EU và ĐCSTQ sẽ đạt được sự đồng thuận. Dường như ít người còn tin rằng hội nghị thượng đỉnh ở Leipzig (Đức) vào tháng Chín sẽ còn giống như kế hoạch ban đầu của Merkel cũng như nhiều quan chức EU khác.
Velina Tchakarova, giám đốc Viện Chính sách an ninh và châu Âu của Áo, dự đoán: “Hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong và sau dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ làm tăng chia rẽ nội bộ các nước châu Âu về cách giải quyết quan hệ với Bắc Kinh.”
Bà chỉ ra có những chia rẽ trong EU về vấn đề có nên để cho các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G hay không, cũng như ai có thể và không thể đầu tư vào các nước thành viên.
McGee nhận định những lý do này và hơn thế nữa khiến đông đảo giới chức EU cho rằng hội nghị thượng đỉnh ở Leipzig sẽ hoàn toàn bị virus corona làm lu mờ.
Mặc dù ở một mức độ nhất định thì chuỗi cung ứng của EU phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là EU không thể gây áp lực lên ĐCSTQ. Một nhà ngoại giao Đức cho biết: “Ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gia tăng, nhưng đây không phải là đơn phương. Rõ ràng, Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng cần châu Âu.” Các quan chức Brussels hy vọng rằng điều này có thể gây áp lực đối với ĐCSTQ về nhân quyền.
Đối với EU, liên hệ với Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế. Chuyên viên đối ngoại Blokmans nói: “Tăng cường giao lưu với Trung Quốc mang lại cho EU cơ hội tăng gấp đôi các ưu tiên chiến lược của họ.”
Tuy nhiên, những lo ngại của EU về sự minh bạch của ĐCSTQ trong đại dịch virus đã nhắc nhở mọi người về việc liên hệ với ĐCSTQ thực sự có ý nghĩa gì.
Phân tích của McGee chỉ ra rằng trong bối cảnh virus corona, mô hình quản trị của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến các quan chức EU rất quan ngại.
Tháng trước, một báo cáo nội bộ của EU đã cáo buộc ĐCSTQ truyền bá “thông tin sai lệch” về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán để tìm kiếm lợi ích chiến lược. Tờ Politico của Mỹ tiết lộ một trích đoạn từ báo cáo nội bộ của EU. Báo cáo chỉ ra rằng có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sử dụng “phương tiện công khai và bí mật” để thực hiện “chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch trên toàn cầu” nhằm tránh bị thế giới truy cứu Bắc Kinh vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán, qua đó cố gắng cải thiện hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh.
McGee nhận định giới chức EU rất lo lắng về hành vi của ĐCSTQ. Bài viết chỉ ra một mặt EU không muốn bị ép trong cuộc đấu giữa Trung Quốc và Mỹ, mặt khác lịch sử gần đây cho thấy ĐCSTQ là một đối tác không đáng tin cậy, Bắc Kinh đang gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên EU.
Một bài báo của RFI vào ngày 19/4 đã tuyên bố rằng loại virus nhỏ bé không nhìn thấy này đang thay đổi sâu sắc quan hệ châu Âu-Trung Quốc.
Cách đây không lâu khi trả lời Financial Times (Anh), Tổng thống Pháp Macron nói rằng không nên ngây thơ khi nghĩ rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát dịch tốt hơn nhiều, rõ ràng có nhiều điều mà ĐCSTQ không công khai.
Đức kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của viêm phổi Vũ Hán. Trong một cuộc họp báo vào ngày 20/4, Thủ tướng Merkel kêu gọi Trung Quốc nên có thái độ minh bạch về nguồn gốc của virus corona mới. Bà nói, “Trung Quốc (ĐCSTQ) càng minh bạch về nguồn gốc của virus, thì càng tốt cho mọi người trên hành tinh này.”
Ngày 21/4, Bloomberg đã công bố bài viết cho rằng năm nay đáng lẽ là năm ngoại giao Trung Quốc-châu Âu, nhưng ngược lại châu Âu đang cảnh báo quan hệ giữa hai bên có thể rạn nứt nghiêm trọng.
“Trong vài tháng qua, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mất châu Âu.” Reinhard Bütikofer – nghị viên của Đảng Xanh tại Đức và là người phụ trách Đoàn Đại biểu Quan hệ EU – Trung Quốc cho biết, rất đáng lo ngại từ vấn đề “quản lý sự thật” của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát viêm phổi Vũ Hán cho đến lập trường “cực đoan cấp tiến” của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cùng kiểu tuyên truyền đe nẹt nhằm biểu dương quyền lực của ĐCSTQ đứng trên dân chủ.
Khác chính quyền Trump đã bắt đầu một lần nữa chỉ trích ĐCSTQ, nhưng truyền thống quan chức EU thường không lên án công khai, một phần vì không muốn gây thù địch với ĐCSTQ. Nhưng bây giờ các chính trị gia ở Berlin, Paris, London và Brussels đều không hài lòng với tuyên bố của Bắc Kinh về sự cố virus, điều đó có nghĩa là tình hình đang tồi tệ hơn nhiều.
Một số nước thành viên EU đã theo đuổi các chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào ĐCSTQ và kiềm chế kiểu hiểm họa ngầm đầu tư kiểu cướp bóc, những biện pháp phòng thủ này vào năm ngoái có thể làm hao tổn gần 750 tỷ USD giá trị thương mại Trung Quốc-EU.
RFI Pháp chỉ ra rằng những thay đổi như vậy đã xảy ra trong mối quan hệ giữa EU và Bắc Kinh, sự lây lan của virus corona mới đã phơi bày nhiều điều, và nó cũng hoạt động như một chiếc máy gia tốc. Trên thực tế, trong một thời gian, EU đã chủ trương một chiến lược thực tế hơn đối với ĐCSTQ. Chuyên gia chiến lược Goldmont của Pháp chuyên về vấn đề Đông Á và Trung Quốc chia sẻ: “Ảo tưởng có thể có đồng thuận và tin tưởng lẫn nhau giữa châu Âu và Trung Quốc đã biến mất từ hơn chục năm trước.”
Thông tin cho biết điều khiến EU lo lắng hơn nữa là thái độ của các nhà ngoại giao ĐCSTQ, họ gây ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc, lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp giành các vị trí quan trọng, có thể thấy rõ trong Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp.
Trong một bài phát biểu về an ninh quốc phòng vào tháng Hai năm nay, Tổng thống Pháp Macron xem Trung Quốc (ĐCSTQ) là “chủ đề chiến lược”, ông xem việc thúc đẩy lại cấu trúc châu Âu là nhiệm vụ ưu tiên của ông. Ông cũng rất bất mãn trước việc Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ EU – Trung Quốc thành 17 + 1 (thành viên mới là Hy Lạp) gây chia rẽ châu Âu.