Trung Quốc ngang ngược thông báo “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2020”, hiệu lực từ 1/5 – 16/8/2020; phạm vi từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Việt Nam, Philippines phản đối
Hội nghề cá Việt Nam (04/5) gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, đề cập: Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc không có giá trị pháp lý với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; khẳng định ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình và bày tỏ kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Theo đó, “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc” đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế khác. Vì vậy, Hội nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc; tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn khẳng định, đây là “lệnh cấm” không có giá trị pháp lý và thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc. Vì vậy, ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn quyết tâm bám biển quanh năm suốt tháng. Đơn cử, 750 tàu cá của Quảng Nam vẫn đang hiện diện ở 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, theo ông Tấn, trong khoảng thời gian Trung Quốc áp đặt lệnh cấm, hoạt động đánh bắt của ngư dân thường gặp trở ngại. Trung Quốc luôn tìm cách xua đuổi, gây khó dễ, cản trở ngư dân Việt Nam khai thác hải sản. Do đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu). Các tàu trong cùng một tổ sẽ đánh bắt cách nhau 2-3 hải lý, nếu gặp tàu lạ tấn công thì sẽ liên lạc và hỗ trợ nhau.
Trong một phản ứng tương tự, Hiệp Hội Ngư Dân Philippines, qua tuyên bố của chủ tịch Fernado Hicap, thúc giục chính phủ Manila phải hành động cụ thể “không nên chờ đến khi hải quân Trung Quốc bắt nhốt ngư dân Philippines”. Philippines có luật pháp quốc tế, có luật pháp quốc gia trong tay, phải chận đứng các hành động xâm lấn của Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp Hội Ngư Dân Philippines đặt câu hỏi: “Trung Quốc lấy quyền gì đánh bắt trong vùng biển của Philippines, ra lệnh cấm đánh cá trong vùng biển của Philippines và phá hoại môi trường của láng giềng qua các công trình bồi đắp đảo phi pháp?”
Giới học giả khẳng định “lệnh cấm” vô giá trị
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông nhận định với “Quy chế” trên, một số vùng biển của Việt Nam cũng bị Bắc Kinh ngang ngược muốn ngăn cản ngư dân đánh bắt hải sản. Phía Trung Quốc không ngại phát ngôn khiêu khích, đe dọa khi nhấn mạnh lực lượng hải cảnh và bộ phận phụ trách nghề cá Trung Quốc sẽ giám sát việc thực hiện lệnh cấm. Năm 2019, Trung Quốc cũng ngang ngược thông báo “lệnh cấm đánh bắt cá” tại các vùng biển nói trên vào cùng giai đoạn tháng 5 đến tháng 8. Trên thực tế, Bắc Kinh thực hiện hành vi phi pháp này một cách liên tục, ấn định cùng khoảng thời gian như nhau kể từ năm 1999. Mặc dù “lệnh cấm” này của Trung Quốc đánh thẳng vào nhu cầu khai thác hải sản của ngư dân các nước trong vùng, thực tế nó cũng là một mắt xích quan trọng trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc muốn thể hiện việc thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển đường lưỡi bò mà Bắc Kinh tuyên bố yêu sách. Đến năm 2009, Trung Quốc đệ trình lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc Công hàm số CML/17/2009 có bản đồ đường lưỡi bò. Dù yêu sách này được chứng minh “không thể chối cãi” là không có giá trị pháp lý sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, Bắc Kinh duy trì “mùa cấm đánh bắt” để bảo lưu sự phi pháp của họ.
Thứ hai, Trung Quốc muốn các nước “làm quen” với “mùa cấm đánh bắt”. Trong khi Trung Quốc thất thế trên mặt trận pháp lý, nước này đẩy mạnh việc sử dụng các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (hay tàu cá có vũ trang) để đe dọa, va đâm, ép buộc ngư dân các nước từ bỏ các ngư trường. Việc này đánh vào tâm lý để tạo thói quen đối với ngư dân các nước rằng “hễ tháng 5 về thì đừng vào Biển Đông”. Về mặt thực địa, nếu ngư dân các nước sợ hãi vàtránh né thì Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong, tạo đà thể chế hóa sự quản lý.
Điều quan trọng là không nên tách rời lệnh cấm đánh cá phi pháp với các hành xử khác của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Trung Quốc quấy rối hoạt động kinh tế, dân sự, quân sự của các nước; tuyên truyền yêu sách Tứ Sa; quân sự hóa Biển Đông; xây dựng các cơ sở (có vỏ bọc) dân sự… cũng đều được Trung Quốc lặp đi lặp lại suốt nhiều năm. Mỗi hành vi ấy được Trung Quốc chọn lựa thời điểm, tần suất, mức độ thực hiện rất bài bản để các nước phản đối nhưng không gây chiến hay tạo xung đột. Thế nên, ngoài việc phản đối và tuyên truyền hành xử sai trái của Trung Quốc cho cả thế giới đều biết, các nước khu vực phải nâng cao năng lực quốc phòng và dân sự trên biển. Trong đó, các đội tàu cá phải được hiện đại hóa, sành sỏi các giải pháp, kịch bản ứng phó các tàu Trung Quốc. Các quốc gia nên tuần tra chung để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động đánh cá hợp pháp của ngư dân. Việc chia sẻ thông tin tình báo để cùng nhau phối hợp ứng phó với Trung Quốc dựa trên tinh thần luật pháp quốc tế là vô cùng quan trọng.
Từ khía cạnh luật quốc tế
Theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền trong các vùng biển như nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong các vùng biển này, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguồn tài nguyên cá, là một trong những nội dung của chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.
Ở vùng nội thuỷ và lãnh hải, xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ, mọi hoạt động liên quan đến khai thác, quản lý hay bảo tồn nguồn tài nguyên cá sẽ thuộc thẩm quyền của quốc gia ven biển. Điều 19 UNCLOS quy định tàu thuyền nước ngoài được “đi qua không gây hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển và không được tiến hành một số hoạt động trong đó có hoạt động đánh bắt cá.
Ở vùng đặc quyền kinh tế (bao trùm lên cả vùng tiếp giáp lãnh hải), quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật, trong đó có nguồn tài nguyên cá theo quy định tại Điều 56 UNCLOS. Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với nguồn tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến các nội dung sau: bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật; khai thác nguồn tài nguyên sinh vật; thi hành các luật và quy định của quốc gia ven biển.
Ở thềm lục địa, đối với các sinh vật thuộc loài định cư, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền trong thăm dò và khai thác các tài nguyên này.
Ngoài các quy định về đánh bắt cá trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia, UNCLOS còn quy định về hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển quốc tế. Ở vùng biển này, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do biển cả với các nội dung bao gồm cả quyền tự do đánh bắt cá. Hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế được sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia mà tàu treo cờ và các quy định của pháp luật quốc tế. UNCLOS đồng thời quy định nghĩa vụ của quốc gia phải tự mình, hoặc hợp tác với các quốc gia khác, để xác định các biện pháp cần thiết nhằm bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển quốc tế, trong đó có tài nguyên cá.
Do đó, việc Trung Quốc đơn phương công bố “lệnh cấm đánh cá” không chỉ vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, mà còn đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Trung Quốc cần chấm dứt ngay lập tức những hành vi trên.